A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào ngày 30/9/2009; được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa, đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục.

 Liền anh và liền chị trong câu Quan họ

Trong kho tàng dân ca Việt Nam, Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc bộ, được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu.

Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về và khi mùa Thu tới, người dân 49 làng Quan họ gốc dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều nao nức trở về quê hương trẩy hội đình, chùa - những lễ hội gắn liền với việc trình diễn Quan họ từ bao đời.

Đến nay, còn có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm ra đời của Quan họ, có ý kiến cho là có từ thế kỷ 11, số khác cho là từ thế kỷ 17. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận diện chủ nhân Quan họ là những người nông dân Việt, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và dân ca Quan họ đã phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỷ 18.
Quan họ được hợp thành bởi nhiều yếu tố, từ âm nhạc, lời ca đến phục trang, lễ hội… trở thành nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc. Dân ca Quan họ có các hình thức: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải, hát canh với 213 giọng khác nhau và hơn 400 bài ca. Trong đó, lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như: i hi, ư hư, a ha …
Muốn hát Quan họ phải có “bọn”, vì vậy mà trong một làng Quan họ thường có nhiều “bọn nam” và “bọn nữ”. Mỗi bọn thường từ 5 đến 6 người và trong các sinh hoạt Quan họ, họ gọi nhau bằng tên đặt theo thứ tự trong bọn như anh hoặc chị Cả, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ - được gọi là các liền anh, liền chị. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.
Dân ca quan họ Bắc Ninh tồn tại trong một môi trường văn hóa với những tập quán xã hội riêng. Đầu tiên là tập quán kết chạ giữa các làng Quan họ… Mỗi bọn Quan họ của làng này sẽ kết bạn với bọn Quan họ ở làng khác theo nguyên tắc khác phái. Trai gái trong các bọn Quan họ đã kết bạn sẽ không được cưới nhau. Không chỉ giao duyên ca hát, các bọn Quan họ còn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống… thể hiện mối quan hệ gắn bó nghĩa tình giữa những liền anh, liền chị.

Về trang phục, trong hát Quan họ, trai thường mặc trang phục áo lụa, áo the, quần sớ, khăn xếp; nữ thì mặc mớ bảy mớ ba, áo tứ thân nhiễu điều, nhiễu tía, yếm xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, đeo khuyên vàng xà tích. Khi hát ngoài trời thì nam thường che ô, còn nữ che nón thúng quai thao để tăng thêm vẻ lịch sự, duyên dáng.

Với những giá trị đã được cả thế giới công nhận, Di sản Văn hóa Quan họ Bắc Ninh thực sự là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Phát triển du lịch Quan họ sẽ góp phần hình thành xu hướng tìm hiểu văn hóa Quan họ trong tương quan lịch sử truyền thống, phong tục tập quán của ông cha và bản sắc dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá, đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới và bạn bè năm châu…

Thuận Minh (tổng hợp)



Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu