Quan tài con
Tại chùa Tô Châu(1) có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường hay bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ ba tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy, cười nói rằng:
- Người chế ra cái này dùng để làm gì?
Nhà sư nói:
- Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ, người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì. Như ta đây mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong thâm tâm ta được yên ổn mà muôn nghìn sự tư lự đều lâng lâng sạch như không. Cái quan tài con này đủ thay lời huấn, lời giới(2) của bậc nghiêm sư(3) bài trâm(4), bài minh(5) treo bên chỗ ngồi vậy.
Mai Hiên Bút Ký
Lời bàn: Người ta sở dĩ ham mê say đắm vào thanh sắc, danh, lợi hay liều lĩnh tàn nhẫn dám làm những việc gian ác là thường chỉ biết có cái sống ở trước mặt, chớ không chịu nghĩ tới cái chết đến ngay sau lưng. Cái chết vốn như con ma, ai cũng sợ, cũng ghét thật, nhưng cái chết lại chính là ông thầy, chính là bài thuốc chữa khỏi được bao nhiêu các thói tật xấu xa ở đời. Người ta mà đã để tâm nghĩ đến cái chết, thì tự khắc mất cả lòng tham, tan cả máu ghen, hoá hết cả mọi sự mê muội mà thành ra biết thương đời người, thương đời người thì mọi sự hay, dở, phải, trái ở đời không còn gì bận đến tâm, sống rất thư nhàn sung sướng và nhẹ nhàng vậy.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)
(1) Tô Châu; huyện Ngô thuộc tỉnh Giang Tô bây giờ
(2) Giới: câu nói để răn bảo ai
(3) Nghiêm sư: ông thầy nghiêm ngặt đáng kính đáng sợ
(4) Trâm: thể văn dùng để khuyên răn
(5) Minh: bài văn khắc vào cái gì để tự mình răn mình