Lo trời đổ
Nước Kỷ có kẻ lo trời đổ, đất long thì thân mình không biết nương tựa vào đâu. Anh ta lo quá đến nỗi bỏ cả ăn, cả ngủ.
Lại có người thấy anh ta lo thế, mà lo cho anh ta mới giảng giải cho biết rằng:
- Trời chỉ là không khí chứa đầy lại mà thôi. Không chỗ nào là không có không khí, anh co, ruỗi, hút, thở suốt ngày ở trong vòng trời, thì việc gì lo trời đổ.
Anh ta nói:
- Trời mà quả là không khí, thì còn mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao chẳng có lúc sa xuống ư?
Người kia lại giảng:
- Mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao cũng là thứ hoặc phát quang, hoặc thụ quang ở tầng không khí, giá có sa xuống nữa, thì chẳng qua cũng là khí thôi có hại chi đến người.
Anh ta lại nói:
- Thế còn đất long lở thì làm sao?
Người kia lại giảng:
- Đất là một khối rất to, đâu đâu cũng có đất cả. Ta đi đứng suốt ngày ở trên mặt đất thì lo gì đất lở mà không có đất.
Anh lo nghe hiểu ra, mừng lắm. Anh đến giảng cũng lấy làm thích thú và mừng lắm.
Liệt Tử
Lời bàn: Liệt Tử đặt ra truyện này tuy về mặt thiên văn không hợp với khoa học bây giờ, nhưng cái gì muốn dạy người phải đạt lý đừng có nghĩ quẩn lo quanh rất là phải vậy.
Ngày nay, chính cái thân mình cũng chẳng phải của mình có, mà lo cho cái thân ấy còn thường khi không được, thế mà lo khi trời đổ, đất long thì anh người nước Kỷ cũng lo xa quá thật!
Hiền triết xưa đã ví trời đất như một cái nhà trọ lớn, người ta chỉ là khách qua chơi đến trọ một thời. Nếu người khách ấy không biết hưởng cái thú tự nhiên cùng tiêu dùng cái thì giờ “sống”, định đoạt cái tài sản “chết” mà cứ băn khoăn phiền bực, ăn chẳng ngon, nằm chẳng yên, lo đứng, lo ngồi, lo đêm, lo ngày, lo rằng cái nhà trọ kia lỡ ra hư hỏng nát dột, thì chẳng đáng bật cười lắm sao!
Ở đời, cố nhiên có thân là có khổ, ai mà chẳng lo. Nhưng đến cái thân trăm năm lo những việc nghìn đời, chả biết chi là hỷ hoan, chỉ những là rầu rĩ thế chả là tự chuốc lấy khổ ư?
“Tôi nói câu này anh nhớ lấy:
Ở đời chuốc khổ biết bao người”.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)