Đám ma to
Học trò nói: “Nhà thầy làm như vậy, chúng con sợ diều hâu, quạ nó rỉa thịt nhà thầy mất!”.
Trang Tử bảo: “Xác người chết mà để trên đất thì diều, quạ ăn, để dưới đất thì sâu bọ ăn. Bây giờ cướp của loài kia cho loài này, tâm sao mà thiên như thế? Tâm người ta thiên, thì bất bình, đem cái bất bình mà cho là bình thì cái bình không phải là bình nữa. Tâm người ta không sáng thì chẳng thật, đem cái chẳng thật mà cho là thật thì cái thật không còn là thật nữa.
Ôi! Người ta cứ khăng khăng giữ một ý kiến, chẳng cũng đáng thương lắm ru!”.
Trang Tử
Lời bàn: Thầy sắp chết mà học trò định làm ma to cho thầy, thế là trung hậu mà là thường tình. Thầy gạt đi chỉ muốn như bỏ xác ra ngoài núi, thế là có ý tự nhiên cao thượng hơn đời. Học trò bảo không nỡ để cho quạ mổ, diều tha thịt thầy thế là chỉ biết những điều trước mắt có thể trông thấy mà thôi. Có biết đâu cái xác kia, khi vùi xuống đất, dù cho đào sâu, chôn chặt thế nào, trong quan ngoài quách dù cho chắc chắn đến đâu cũng không khỏi được các giống sâu bọ, vi trùng đục rũa làm cho tan nát quá ư là mỏ quạ, mỏ diều vậy. Ôi! Trang Tử lúc gần chết còn dạy học trò như thế, thật là bình tâm sáng suốt, hiểu thấu cái lẽ sinh, tử, tồn, vong, tức như bây giờ ta nói hiểu rõ chân lý, hiểu như khoa học rất hợp với cái học thuyết cao viễn của Trang Tử vậy.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)