Chè lam Thạch Xá
|
Mỗi sản phẩm của làng quê Việt Nam luôn gắn với một truyền thuyết mang đầy màu sắc lịch sử, tâm linh. Đây cũng chính là nét đặc chưng khiến các sản phẩm mang hồn Việt có thể trường tồn qua thăng trầm của lịch sử.
Chè lam Thạch Xá cũng không ngoại lệ. Tương truyền, chè lam Thạch Xá có từ thời nhà Lê (đầu TK 15). Để tiện cho việc mang lương thực có đủ dinh dưỡng và có thể sử dụng dài ngày trên đường đánh giặc, nghĩa quân Lam Sơn đã mang theo món ăn này. Còn theo một truyền thuyết khác của các bô lão trong làng, thứ bánh thơm dẻo này được ra đời từ lòng thành kính muốn dâng lên Đức Phật một sản vật địa phương vào mỗi dịp Tết.
Dù truyền thuyết ra sao, chè lam Thạch Xá vẫn tồn tại trường tồn đến ngày nay bởi thứ bánh thơm dẻo này có một công thức làm vô cùng đặc biệt, từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên với những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhạy cảm hương vị của người nghệ nhân.
Bỏng nếp, lạc, vừng, gừng, đường, mạch nha và nước là nguyên liệu chính của món bánh thơm ngon này. Tuy nhiên, bí quyết lại chính ở công thức pha chế được lưu truyền qua nhiều thế hệ làm nghề.
Khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu, bắt đầu tư chọn thóc. Thóc nếp phải chọn loại thóc đẹp (nếp cái hoa vàng, nếp nhung), hạt to, mẩy đều, không lẫn tẻ, thóc phơi không được già quá hay non quá. Tiếp theo là chọn lạc. Hạt phải ngon, không sâu, không thối; gừng phải chọn củ già, đường, mạch nha, mật mía phải là giống mía de nhỏ cây nhưng đanh chắc… Tất cả các nguyên liệu đều phải đảm bảo chất lượng thì chè lam mới ngon.
Khâu tiếp là cho thóc nếp vào rang thành hoa bỏng. Sau đó sàng bỏ trấu, cho vào máy nghiền thành bột. Lạc đem rang chín, sàng bỏ vỏ, xoa đều cho hạt lạc tách làm đôi. Gừng thái lát, ép lấy nước.
Bước tiếp theo là cho đường, mạch nha, nước, nước gừng theo tỷ lệ nhất định vào đun sôi già lửa. Sau đó bắc ra, cho bột nếp, lạc rang vào nhào trộn. Khi cho bột vào phải để lại một lượng bột khô nhất định để làm bột “áo” (phủ bề mặt).
Tùy theo đơn đặt hàng của khách có thể cho thêm thịt nạc rang khô vào trộn cùng, hoặc lăn qua vừng rang.
Đặc biệt, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Bởi chỉ có làm thủ công thì mới cho ra được những miếng chè lam dẻo thơm, đậm đà hương vị quê hương.
Theo ông Nguyễn Trí Thuỷ, Chủ tịch Hội Làng nghề bánh chè lam Thạch Xá, khâu quan trọng nhất để chế biến nên bánh chè lam là khâu đun mật và chế biến gia vị. Đồng thời, nét đặc trưng của chè lam Thạch Xá chính là ở công đoạn rang nguyên hạt thóc nếp vào chảo thật vừa lửa để gạo nở thành hạt bỏng trắng. Nếu rang gạo nếp như các nơi khác, bánh sẽ bị cứng nhanh nên khó giữ được lâu.
Vì các nguyên liệu đều được làm chín kỹ và đều là nguyên liệu nành, tự nhiên trước đó nên thời hạn sử dụng của loại bánh này có thể lên tới 6 tháng.
Năm 2004, Thạch Xá được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là Làng nghề truyền thống. Đây là cột mốc quan trọng để Chè lam Thạch Xá trở thành đặc sản hiếm có không chỉ ở Hà Nội mà lan tỏa tới cả nước.
Nghề làm chè lam hiện nay không chỉ là nghề truyền thống mà còn trở thành ngành phát triển của địa phương. Để tạo động lực phát triển làng nghề truyền thống, năm 2014, UBND xã đã thành lập Hội Làng nghề bánh chè lam Thạch Xá với 72 thành viên gia.
Từ bàn tay khéo léo, kết hợp những nguyên liệu tự nhiên sẵn có của quê hương, người Thạch Xá đã tạo ra một món bánh thơm ngon, mang đậm hương vị làng quê, đã không chỉ chinh phục mà còn đứng vững được ở một thị trường bánh kẹo cạnh tranh như hiện nay. Chính điều này đã giúp người dân Thạch Xá có một cuộc sống ổn định trên chính mảnh đất quê hương mình./.
Thảo Vy- Công Đạt/ Báo Ảnh Việt Nam