A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách bố trí mặt bằng sinh hoạt trong không gian nhà sàn Mường

Người Mường có truyền thống văn hoá rất đặc sắc, đặc trưng, rõ nét và ít bị hoà lẫn với tộc người khác. Nhà sàn là một đặc trưng của người Mường, đó là một giá trị truyền thống quý giá. Đặc biệt trong cách bố trí mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà sàn Mường vô cùng độc đáo và có những kiêng kị riêng.

Bố trí mặt bằng sinh hoạt

Nhà sàn Mường cổ truyền thường cấu trúc một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái. Các cửa số, kể cả cửa voóng toông (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước (trên) của ngôi nhà. Khoảng cách từ 2-3m mới có một cửa, phía sau (hay dưới) thường chỉ có một cửa sổ và phía trong cũng chỉ có một cửa.

Nhà người Mường thường chia làm hai phần chính và pên woai (bên ngoài) và pên cloong (bên trong). Pên woai là gian đầu tiên, là phòng khách, là nơi sinh hoạt chung, cũng là gian quan trọng nhất của nhà sàn, là bộ mặt của nhà sàn. Pên cloong được ngăn thành những gian riêng, buồng riêng để cho ông bà, cha mẹ, con gái, con trai... ngủ.

Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt rằng, ai khi nào được vào và ai khi nào không được vào.

Nhà sàn thường phân ra ba mặt bằng: mặt trên cùng là gác để đựng lương thực như ngô khoai, sắn đã thu hoạch, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình; gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, nuôi nhốt gia súc. Nhà sàn có bố trí hai cầu thang; cầu thang chính ở đầu hồi bên trái. Ở cầu thang chính, trước khi lên cầu thang có chỗ để rửa chân. Đó là một phiến đá hoặc tấm gỗ, có nước đựng trong bồn gỗ hoặc các ống tre để rửa chân trước khi lên nhà. Cầu thang phụ chỉ dùng cho những người trong gia đình lên nhà khi đi làm ruộng, làm nương về. 

Từ cầu thang chính bước vào ngoài cùng là hiên nhà, sau đó thường là giường ngủ của vợ chồng chủ nhà, nếu là hai vợ chồng trẻ, nếu đã già thì chỉ là nơi ngủ của người chủ nhà, thường là đàn ông, được bố trí phía gần đầu hồi. Phía trong cùng là không gian thờ tổ tiên. Khoảng giữa của giường ngủ và bàn thờ là tấm phản thường bằng gỗ. Ở đây có thể dùng làm nơi bày cỗ trông ngày tết hay giỗ tổ tiên. Đó là sự bố trí theo chiều dọc. Theo chiều ngang thì trung tâm vẫn là không gian thờ tổ tiên. Bên trong là nơi ngủ của vợ chồng con trai trưởng, trai thứ hoặc con gái chưa lấy chồng. Họ còn có riêng không gian cho khách đến chơi nhà.

Ở gian gốc có một cây cột to hơn các cây cột khác trong nhà gọi là cột gốc (còn gọi là cây cột chồ) ở đầu góc nhà gần cầu thang. Cây cột gốc được người Mường trân trọng đặt khám (bàn thờ) thờ tổ tiên. Mọi người kể cả chủ hay khách đến nhà chơi đều không được bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động. Người Mường quan niệm nếu phạm phải những điều cấm trên thì bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh.

Gian nhà gốc chỉ dành riêng cho nam giới. Phụ nữ trong nhà không được ngồi nghỉ hoặc làm việc ở đây. Trong các ngày trọng đại như hôn lễ, ma chay thì chỉ nam giới có vai vế trong dòng họ được ngồi ăn uống. Tại gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa sổ “voóng” linh thiêng, không ai được đưa vật gì hay chui qua. Cửa sổ voóng chỉ dành để đưa quan tài ra ngoài khi gia chủ có tang ma. 

Gian thứ hai của ngôi nhà (gian kế theo gian gốc) dành cho nam giới ngủ nghỉ. Gian giữa thường là gian để thóc và làm bếp. Lúa gặt ở ruộng nương về phơi khô khi chuyển lên nhà được để ở đây. Họ xếp lúa vào một cái quây như cái bồ thủng đáy đan bằng nứa hoặc giang để gần bếp. Bếp của người Mường làm rất công phu. Khuôn bếp được làm bằng loại gỗ đặc biệt cứng, có đường viền xung quanh, đáy lót bằng bẹ chuối rồi rải bùn lên trên. Khi chuyển bếp mới, người Mường tìm một số loại cỏ thơm như cỏ mật phơi khô để vào bếp đốt lấy tro rồi mới bắc kiềng nấu nướng. Bếp thường đặt trên trục nhà nơi nóc dọi xuống. Có nhà bếp đặt gần cửa sổ để thông gió, tránh khói và hoả hoạn.

Gian cuối cùng là nơi dành cho phụ nữ sinh hoạt có chạn bát, để đồ dùng gia đình, nơi sửa soạn cơm nước. Gian này được ngăn với các gian khác trong nhà bởi một tấm liếp. Đây cũng là nơi người phụ nữ thay quần áo và ngủ nghỉ. Đầu hồi nhà, người Mường để một cái cối đuống và một cối tròn. Cối đuống không chỉ dùng để giã thóc gạo mà còn là phương tiện để gia đình báo nhà có việc lớn như đám cưới và tang ma. Bên cạnh đó, cối đuống còn là một nhạc cụ sử dụng để gõ những bản nhạc vui trong ngày lễ tết, hội hè với những bản đuống rộn ràng âm vang, người Mường gọi là “đâm đuống” hay “châm đuống”. Dưới sàn nhà, người Mường nuôi gà, trâu hoặc để cất các công cụ sản xuất như cày, cuốc, liềm, nong, nia.

Một số kiêng kỵ trong bố trí mặt bằng sinh hoạt

Bố trí tuy có vẻ đơn giản như vậy nhưng có là người Mường, có tìm hiểu về nó thì mới biết trong đó rất nhiều quy định khắt khe.

Con rể mới về nhà bố vợ khi ngồi dưới sàn nhà phải để ý không được ngồi vượt qua ranh giới đòn nóc của ngôi nhà tính theo chiều thẳng đứng từ đòn nóc xuống sàn nhà. Con dâu khi đi từ buồng đi ra cũng không được đi phía trên ranh giới này. Người Mường kiêng không nằm duỗi chân lên cửa voóng, như thế người ta gọi là nằm “đốc” (nằm ngược).

Ngày bình thường, họ kiêng không hát hay hót trong nhà, đàn bà con gái nhất là con dâu không đi ra voóng beng, voóng lại trừ khi có việc quan trọng cần phải đi (đây được coi là nơi có các thần linh và hồn người thân trong nhà đã chết ở, do vậy phải lễ phép với bề trên), chỗ này chỉ dùng để tiếp khách quý và dùng để thờ cúng tổ tiên, thần linh trong dịp lễ Tết.

Cách trải chiếu trên nhà sàn cũng có quy định riêng. Mép dưới của chiếu phía trên phải trải sao cho đè lên mép trên của chiếu phía dưới. Trong nhà có thể trải được nhiều tầng chiếu nhưng phải tuân theo quy định này. Trải chiếu tiếp khách hoặc trải chiếu ăn cơm, người ta trải chiếu ngang nhà, còn trải chiếu để ngủ người ta trải dọc. Khi ngồi ăn cơm, người nhiều tuổi được ngồi phía trên, thứ tự theo tuổi mà ngồi về phía dưới. Nồi cơm được đặt phía dưới cho người ít tuổi xới. Khi người trên đưa bát xuống, người xới cơm phải cầm hai tay và khi xới xong cũng phải đưa trả lại bằng hai tay. 

Đặc biệt trong khi tiếp khách, cử chỉ này được thực hiện rất lễ phép và lịch sự, lúc này cả người đưa cơm và người xới cơm hầu như đều phải đưa bằng hai tay. Nếu đưa một tay người ta cho là vô lễ hay coi thường khách hoặc khách coi thường chủ. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa, nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt rằng, ai được vào và ai không được vào. Cha chồng và con dâu không ai được phép vào phòng của ai.

(Theo Minh Hoàng/ Làng Việt)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu