Cá sơn mùa nước bạc
Từ lâu, cá sơn đã trở thành sản vật mùa nước lụt của cư dân sống hai bên bờ sông Thu Bồn. Năm nào cũng vậy, cứ từ độ tháng mười, mười một âm lịch, khi con nước bạc về là cá sơn lại xuất hiện. Cá sơn có kích thước cỡ chừng ngón tay cái, thân hình thoi, màu trắng trong suốt, da có vảy nhỏ. Thực ra, đầu bếp khéo có thể chế biến cá sơn thành nhiều món, món nào cũng tuyệt, cũng ngon như nướng, nấu canh chua, kho nghệ… Nhưng cá sơn kết hợp khế được người dân xem như một cặp trời sinh. Khế mà kho cùng với cá sơn - loại cá có tác dụng bổ sung can xi, chữa đau lưng mỏi gối, giải nhiệt sẽ tạo nên một vị thuốc bổ dưỡng.
Cá sơn mới bắt được hay mua về còn búng tưng tưng, để nguyên con ngâm liền rồi xả nước muối, chà xát bằng rổ tre cho sạch vảy, sạch chất nhớt, rong rêu. Làm mang, ruột sạch sẽ trước khi ướp cá chừng mười lăm phút với các loại gia vị: muối, nước mắm, mì chính, hành, tỏi, đặc biệt không thể thiếu nghệ.
Riêng khế kho với cá phải chọn được loại không quá non cũng chưa chín tới, cắt thành từng lát mỏng. Cho cá vào nồi um nhỏ lửa độ năm phút rồi bỏ khế đã cắt lát mỏng. Đun cho mẻ cá sôi bùng rồi thêm một ít nước, hạ lửa thật nhỏ, xóc nhẹ mẻ cá đôi ba lần, khi nước sền sệt, cả khế và cá đều thấm gia vị là được.
Cá sơn kho khế nấu càng kỹ vị càng ngon, thịt cá không tanh, mềm mà không nát, cái béo, ngọt từ thịt cá ngấm vào làm lát khế thêm thanh nhẹ. Ngày mưa gió, cả nhà xúm xít quanh nồi cơm còn nóng hôi hổi với các món cá sơn kho, bữa cơm đạm bạc ấy vậy mà ai cũng tấm tắc khen. Thịt cá sơn vừa thơm, vừa ngọt lại thêm vị chua của khế vườn nhà tạo nên hương vị ngon không thể lẫn vào đâu được.
Thanh Ly/ Báo Quảng Nam