Bông súng chấm với mắm kho
Trong ao đìa hay các lung sâu, bông súng mọc dày đặc. Người dân nơi đây phân biệt thành hai loại: bông súng đồng cọng lớn, dài, bông màu trắng, nhụy có pha sắc vàng; bông súng ma cọng nhỏ hơn, bông trắng có pha sắc xanh…
Dân miệt bưng biền ngập nước ở miệt đất kênh rạch chằng chịt này không ai lạ gì câu ca dao:
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm.
Bông súng thường nở trắng đồng vào buổi sáng sớm, dân quê chống xuồng nhổ bông súng từ lúc mặt trời chưa mọc, đến xế chiều thì về vì khi ấy bông súng dần tóp lại, lẫn vào bạt ngàn một màu xanh mênh mông giữa đồng rộng, khó bề nhổ được loại thực vật hoang dã này.
Cọng bông súng nhổ về, lặt bỏ vỏ, xắt khúc bằng lóng tay, bóp qua nước muối. Nhiều khi bắt được cá lóc, tôm, tép… thì trộn gỏi bông súng để nhâm nhi vài chung rượu đế với anh em láng giềng gần xa.
Ngày trước nhà tá điền nghèo, mùa lũ giáp hạt cũng là lúc đói ăn. Cọng bông súng có mặt trong nồi cháo loãng giúp cho người bình dân qua cơn túng ngặt.
Đặc biệt, bông súng thường không thể thiếu trong dĩa rau đồng để chấm lẩu mắm hay mắm kho. Lẩu mắm tạo ấn tượng bởi vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng riêng từ mắm. Mắm cá sặc, hay cá linh, cá chốt, cá lưỡi trâu, cá rô… được bỏ vô nồi nước nấu sôi cho rả hết thịt, rồi dùng rổ lượt hết xương, nêm chút đường cho vừa ăn.
Lẩu mắm miền Tây dân gian thường có thêm cá lóc, cá kèo, cá rô, lươn, cá bông lau, tôm, mực… Ăn lẩu mắm không thể thiếu rau đặc biệt là bông súng.
Bông súng đã có mặt trong đời sống người dân quê từ những ngày đầu đến đây khai phá, mở đất. Nó dã giúp cho bụng người nghèo được no, giúp cho những bữa ăn thêm ngon miệng. Và dưới góc độ văn hóa dân gian, bông súng có mặt trong dòng chảy mà tiền nhân lưu truyền lại cho hậu thế từ món ăn đến câu hò, điệu lý dân gian:
Cảm ơn bông súng, củ co/ Nợ nần trả hết, anh lo cưới nàng. (ca dao).
Tửu Hoàng/ nongthonviet.com.vn