Bò một nắng – đặc sản vùng chảo lửa Tây Nguyên
Bò một nắng - Muối kiến vàng, đặc sản vùng chảo lửa Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Đặc sản Bò một nắng Krông Pa có xuất xứ từ lâu đời, bởi nơi đây là vùng người Jrai bản địa sinh sống. Trước đây, khi làm thịt gia súc, ăn không hết trong ngày, bà con thường đem phơi nắng để bảo quản dùng lâu. Ngày nay, người dân Krông Pa tận dụng chất lượng nguồn bò cỏ để mang đặc sản địa phương đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Bà Trần Ngọc Giao, chủ cửa hàng Bò một nắng Nhân Giao, huyện Krông Pa chia sẻ: Để món ăn này có mùi vị đặc trưng của vùng chảo lửa, thịt bò phải lấy từ phần thịt đùi tươi của bò tơ, xắt mỏng khoảng 1cm, ướp các gia vị hỗn hợp gồm muối, bột ngọt, ớt, tỏi, sả, vừng… Gia vị ướp vừa phải, nếu quá mặn khi sử dụng sẽ mất độ ngọt của bò, nếu nhạt quá sẽ không bảo quản được lâu. Ướp chừng 30 phút, thịt bò được trải đều trên phiến lạt và đem phơi. Krông Pa có khí hậu tương tự vùng đất cát đồng bằng, nắng gắt, bò chỉ cần phơi một nắng đã rút nước, đủ độ khô, khi cầm, miếng thịt không dính tay là được.
Để làm ra một 1 kg thịt Bò một nắng cần 1,5-1,7 kg thịt bò tươi nên giá của đặc sản này dao động từ 450.000đ-550.000 đồng/kg. Do nguồn bò tươi dồi dào, lượng hàng bán ra liên tục nên các cửa hàng sản xuất Bò một nắng Krông Pa không dùng chất bảo quản sản phẩm và đáp ứng đầy đủ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi bò phơi đủ độ nắng, người dân lấy vào để trong mát khoảng 1-2 tiếng rồi tiến hành bỏ vào túi, hút chân không. Thành phẩm được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, khi ăn đem ra nướng lại trên bếp than hồng. Miếng thịt cháy vàng cạnh, dậy mùi thơm hòa quyện của thịt bò, sả, ớt kích thích vị giác thực khách. Đây là món không thể thiếu trên các bàn tiệc của người dân địa phương. Du khách cũng có thể mua mang theo các buổi dã ngoại hoặc dùng làm thức ăn trong gia đình.
Loại muối chấm ăn kèm Bò một nắng cũng là một trong những đặc sản vùng chảo lửa Tây Nguyên mà ít nơi nào có được, đó là muối kiến vàng. Kiến vàng là loại kiến sống trên các cây cao vùng rừng núi hoặc trong các vườn cây ăn quả của vùng Krông Pa. Kiến vàng chứa thành phần dinh dưỡng cao, ăn có vị chua. Khó nhất của công đoạn làm loại muối này là đi bắt kiến. Người dân vào rừng phải bịt kín người, tránh trường hợp kiến đốt, rồi dùng sào có cột sẵn lưỡi dao, chặt tổ kiến cho rớt vào phần lưới giăng sẵn. Kiến mang về rang sơ trên bếp để loại bỏ lá cây, tạp chất sau đó đem giã với ớt, muối, bột ngọt.
Muối kiến vàng hòa quyện giữa vị chua của trứng kiến, vị cay của ớt, vị mặn của muối. Nhiều nơi, người dân còn cho thêm lá é trắng, một loại cây thuộc loài rau quế chỉ mọc ở vùng đất khô cằn Krông Pa mới có mùi thơm đặc trưng. Muối kiến vàng là thức chấm làm tăng thêm độ hấp dẫn của đặc sản Bò một nắng Krông Pa. Trong mỗi gói thành phẩm Bò một nắng thường được bán kèm một hũ Muối kiến vàng. Du khách cũng có thể mua riêng Muối kiến vàng để chấm những loại thịt nướng, thịt luộc hoặc trái cây đều được. Muối kiến vàng tùy thuộc vào nhu cầu người mua, khoảng từ 20.000 đồng trở lên là đã có một hũ muối kiến vàng.
Bò một nắng Krông Pa đã có thương hiệu từ rất lâu và là một trong những niềm tự hào của người dân địa phương. Đến với vùng đất đỏ Tây Nguyên, ngoài tiêu, cà phê, măng khô, đặc sản Bò một nắng cũng là món quà địa phương để lại dấu ấn đặc trưng vùng miền trong lòng du khách.
Hồng Điệp/ Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi