Bia Tiến sĩ Văn Miếu- Quốc Tử Giám: Sự tôn vinh và niềm tự hào trí tuệ Việt
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám |
Ngày 9/3/2010, UNESCO đã ghi danh 82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu thời Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào danh mục Di sản tư liệu - Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 26/5/2011, 82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu thời Lê-Mạc được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu - Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14/1/2015, 82 bia Tiến sĩ này được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (thờ Khổng Tử và là trường đại học đầu tiên của Việt Nam) được thành lập từ cuối thế kỷ XI, là nơi hun đúc truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống trọng hiền tài của dân tộc. Với vai trò là trung tâm giáo dục lớn nhất Việt Nam thời xưa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đào tạo được hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước.
Bia Tiến sĩ được khởi dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Tính đến thời nhà Mạc, 82 bia đá đã khắc ghi họ tên và quê quán của 1307 lượt người đỗ của 82 khoa thi được tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779. Việc dựng bia Tiến sĩ đã tác động to lớn vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài của đất nước. Được ghi tên trên bia là niềm khích lệ lớn trong việc học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước và xã hội.
Giá trị đặc biệt của Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là bài văn bia (bài ký) bằng chữ Hán chứa đựng nhiều thông tin lịch sử. Một bài văn bia gồm: dòng tiêu đề của khoa thi, năm tổ chức khoa thi, nội dung ca ngợi triều vua đang trị vì, tên các vị quan tổ chức khoa thi; cách thức tổ chức thi; họ tên và quê quán của người thi đỗ; tên nhóm người tham gia dựng bia.
Phần ký của văn bia cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử của nền giáo dục, thi cử nước nhà và quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài.
Theo cố GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các khoa thi tiến sĩ là khoa thi cao cấp nhất trong hệ thống thi cử theo Nho học phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, chỉ ở Việt Nam mới có việc dựng bia đá để vinh danh những người đỗ đạt. Đây là cách thức đặc biệt thông minh để biểu dương người hiền tài và khuyến khích nhân dân học tập; khuyên răn những người đã thành đạt giữ mình trong sạch, tránh làm điều xấu, có hại cho dân, cho nước.
Ngày nay, khu vườn Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm tham quan, học tập, thu hút rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Du khách vô cùng thích thú và ngưỡng mộ lịch sử và văn hóa của Việt Nam khi đã để lại cho nhân loại hệ thống bia Tiến sĩ độc đáo và vô cùng ý nghĩa này.
Diệp Hương (tổng hợp)