Bí ẩn tòa thành cổ Tây Đô
Tòa cổ thành Tây Đô (hay còn gọi là Thành đá Nhà Hồ) nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã làm đau đầu các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử và nhà khoa học trong thế kỷ 21 này bởi bản thân nó ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Hơn chục năm nay, các đợt nghiên cứu, khảo cổ xung quanh khu vực tòa thành này chỉ mang đến những giả thuyết mà chưa có một công trình khoa học nào chứng minh đầy đủ cách cha ông chúng ta xây dựng nó như thế nào. Sự bí ẩn đó khiến kênh truyền hình CNN của Mỹ đã xếp Thành nhà Hồ là "1 trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới".
NHỮNG GIẢ THUYẾT KHOA HỌC VÀ TRUYỀN THUYẾT VỀ CÁCH XÂY THÀNH
Thành Tây Đô được xây dựng vào mùa Xuân năm 1397, để phân biệt với Đông Đô (là kinh thành Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong khoảng 7 năm - từ 1400 đến 1407. Trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này, sử sách bị thất lạc, ngày nay công tác nghiên cứu thành cổ chủ yếu dựa vào truyền thuyết lưu lại trong dân gian.
Tận mục sở thị tòa thành cổ này, giới khoa học và du khách đã đặt ra hàng trăm câu hỏi: Cha ông ta đã làm thế nào để gọt đẽo các khối đá vuông vắn nặng hàng chục tấn? Làm cách nào để xếp các khối đá lên nhau thành tường thành? Làm thế nào để xếp các khối đá hình múi cam nặng hàng chục tấn tạo thành 4 cổng chính Đông – Tây – Nam – Bắc với độ chính xác đến từng cm?...
Một số viên đá được phát hiện có hình dạng, kích thước rất vuông vắn, kỹ thuật tương đồng với các phiến đá tại thành nhà Hồ. Các viên đá này được ghè, đẽo hết sức công phu, được chế tác từ 3-4 mặt phẳng, dấu vết đục đá vẫn còn khá rõ. Khu vực phát hiện nhiều phiến đá cổ tại thung lũng có tên gọi dân gian là Thung Chẹt, Đản Hót hay Thung Án Ngựa.
Từ công trường khai thác đá cổ này, các nhà khoa học lại đau đầu với câu hỏi bằng cách nào mà các nghệ nhân và thợ đã tách được các phiến đá khổng lồ nặng vài chục tấn từ trên núi xuống. Cách đây đã 600 năm, chắc chắn mìn chưa có; nếu dùng chất nổ dù ít đến đâu thì đá cũng bị om, rạn nứt. Việc khai thác đá xây dựng thành trì cho đến ngày nay vẫn là một điều khó hiểu.
Mặc dù phát hiện ra công trường khai thác đá cổ nhưng các nhà khoa học lại chưa có căn cứ hay thực nghiệm để khẳng định nhà Hồ sử dụng con đường giao thông đường bộ hay đường thuỷ để vận chuyển những khối đá có trọng lượng từ 10 – 20 tấn về địa điểm xây thành. Tuy nhiên, căn cứ vào những tư liệu dân gian như truyền thuyết con đường Cống Đá, Bí Đá, con lăn, Bến Đá tại sông Mã - nơi tập kết đá và đặc biệt là vị trí thuận lợi của khu vực núi An Tôn so với sông Mã và núi An Tôn so với thành nhà Hồ, các nhà khoa học tạm thời đưa ra 2 giả thuyết về việc vận chuyển đá về xây thành: đá được vận chuyển từ núi An Tôn xuống sông Mã đưa lên bè và chở xuôi dòng xuống khu vực Bến Đá, từ đây đá được vận chuyển theo đường Cống Đá để xây thành.
Nói về vấn đề này, truyền thuyết trong vùng Vĩnh Lộc lưu truyền lại rằng, người chỉ huy đã cho xây dựng một con đường lát bằng đá để vận chuyển đá từ nơi khai thác về thành. Khi vận chuyển, người xưa dùng các con lăn dùng sức trâu, bò kéo và những tảng đá lớn hàng chục tấn thì dùng sức voi. Hiện nay vẫn còn di tích con đường vận chuyển đá ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến.
Còn về nghệ thuật xây thành, đã có hàng trăm giả thuyết được đặt ra. Tác giả Phạm Văn Chấy trong cuốn sách đã xuất bản “Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành đắp lũy” thì đặt ra giả thuyết rằng: Để lắp ghép được các vòm cuốn, các nghệ nhân phải thiết kế và chế tác ra các phiến đá hình múi cam, hình thang cân, hình tứ giác. Phải dùng phương pháp “mực hệt” nghĩa là dùng giấy hoặc cót cắt thành mẫu các loại phiến đá nói trên rồi đem ghép vào nhau thành hình dáng cổng thành, thấy đạt mới chế tác các phiến đá y hệt theo mẫu. Khi lắp ráp cổng thành, người ta dùng đất, cát, sỏi, đắp thành hình dáng cái lòng cổng thành rồi xếp đá lên trên cốt, khi ghép đá xong rồi mới moi đất, cát ra.
Có giả thiết cho rằng, người xưa phải dùng đất đắp nghiêng để vần từng tảng đá xếp chồng lên nhau, sau đó phá các ụ đất đi, chỉ còn lớp thành như giả thuyết người cổ đại xây Kim Tự Tháp. Dẫu sao đó chỉ là giả thiết. Thực tế nói trên phản ánh một điều chắc chắn là, người xưa rất kỳ công và khá thông minh trong điều kiện chưa có máy móc hiện đại.
BÍ ẨN ĐÔI RỒNG ĐÁ
Theo sử sách ghi lại thì đôi rồng đá trên đã được người Pháp phát hiện vào năm 1938 khi họ làm một con đường nội địa trong thành đá Tây Đô. Đôi rồng này có chiều dài 3,8 m, là đôi tượng rồng lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.
Đôi rồng được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh nguyên khối, thân thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, có vảy phủ kín thân. Rồng có bốn chi, mỗi chi có ba móng. Các khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và móc hoa lượn mềm, tỉ mỉ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu điêu khắc, đôi rồng này là loại được chạm khắc trên thềm bậc của các cung điện như hiện thấy ở điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).
Ai đã chặt đầu rồng, câu hỏi này có nhiều lý giải. Người cho rằng sau khi xâm lược, quân Minh đã chặt đầu rồng, biểu tượng quyền lực của nhà Hồ để thể hiện sự diệt vong của vương triều này. Người khác cho rằng việc này là do những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ gây ra. Rồi lại có ý kiến rằng thời kỳ mới chiếm đóng Việt Nam, người Pháp bắt dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa trên con đường dẫn tới đôi rồng đá. Người dân bức xúc nên chặt đầu rồng!? Còn một cách lý giải lưu truyền trong dân gian rằng có thời kỳ làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam thành Tây Đô, thuộc xã Vĩnh Tiến) thường xuyên bị cháy nhà. Người dân cho rằng do rồng quay đầu về làng phun lửa gây cháy nên đã chặt đầu rồng.
Người dân xứ Thanh còn truyền tai câu chuyện nhuốm màu giang hồ như sau. Nghe đồn trong mắt rồng ở cung cấm thường được vua chúa cho yểm rất nhiều vàng ngọc châu báu, một đêm lợi dụng lúc trời đổ mưa như trút nước, trong thành hoang vắng không bóng người qua lại, hàng chục đạo tặc bí mật chặt đầu đôi rồng mang đi xa đập nát để tìm ngọc quý. Cũng chẳng ai nhớ đó là năm nào.
Tiến sĩ Phạm Văn Đấu (Hội sử học Thanh Hoá) đánh giá đôi rồng đá ở thành Tây Đô thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp nhất hiện còn lại ở Việt Nam. Đôi rồng thể hiện nghệ thuật chạm khắc thời Trần lúc hưng thịnh với đặc điểm khỏe khoắn, đầy đặn. “Sử cũ không ghi chép cũng không ai biết đôi rồng đá bị mất đầu từ bao giờ, nhưng giả thiết sau khi xâm lược nước ta, quân Minh cho chặt đầu rồng mang về báo công được nhiều người chấp nhận”, tiến sĩ Đấu nói.
Xung quanh ngôi thành đá hơn 600 năm tuổi vẫn còn vô số bí ẩn đang chờ các nhà khoa học giải mã.
Bài và ảnh: Yên Ninh