Trại hè Việt Nam 2016: Thảo luận về di sản văn hóa cùng sinh viên Học viện Ngoại giao
Buổi hội thảo do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao (Ủy ban) phối hợp cùng Học viện Ngoại giao tổ chức với sự tham dự của khoảng 200 người, trong đó có khoảng 110 đại biểu thanh niên kiều bào có thành tích xuất sắc trong học tập đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban cho biết: Cho đến nay, Việt Nam đã có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại và di sản văn hóa của thế giới. Ngày nay, bên cạnh việc khai thác, sử dụng các di sản thì việc quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản hết sức quan trọng, cần sự tham gia của cả cộng đồng. Chính vì vậy, trong khuôn khổ Chương trình Trại hè Việt Nam 2016, Ủy ban phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: “Tuổi trẻ Việt Nam với di sản văn hóa dân tộc” với mong muốn các đại biểu kiều bào cùng thanh niên, sinh viên trong nước trao đổi để tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Tại buổi Hội thảo, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền đã giới thiệu đến các bạn trẻ tham dự buổi hội thảo về khái niệm của di sản văn hóa, phân loại di sản văn hóa, các hình thái của di sản văn hóa cũng như các biện pháp bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, ông cũng đã giải đáp các câu hỏi, thắc mắc về di sản văn hóa Việt Nam của các bạn thanh niên, sinh viên kiều bào và sinh viên Học viện Ngoại giao.
Ngoài ra, để nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn về các di sản văn hóa Việt Nam, thanh niên, sinh viên kiều bào cùng sinh viên Học viên Ngoại giao đã chia thành 4 nhóm thảo luận về một số vấn đề như: Vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa; Giữ gìn và bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Ý nghĩa của việc đưa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới; Bảo vệ các di sản văn hóa ở Việt Nam.
Em Dương Minh Đức, đại biểu về từ Ucraina hào hứng chia sẻ: “Nhóm của em được giao đề tài Giữ gìn và bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ban đầu chúng em rất lúng túng, không biết phải lựa chọn phương pháp trình bày như thế nào, sau đó, nhờ sự cố gắng của cả tập thể, chúng em quyết định trình bày đề tài này thông qua diễn những tiểu phẩm, qua đó, gửi đi thông điệp của thanh niên người Việt đang sinh sống tại nước ngoài, đó là Dù đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng chúng em đều là người Việt, chúng em yêu tiếng Việt và chúng em yêu Việt Nam”.
Em Nghiêm Thị Thùy Linh, đại biểu về từ Slovakia, cho biết: “Buổi thảo luận diễn ra trong không khí rất vui vẻ, cởi mở. Chúng em được thoải mái trình bày những ý kiến của mình về di sản văn hóa dân tộc và làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản đó. Theo em, giữ gìn văn hóa cần bắt đầu bằng việc giữ gìn tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ. Có giữ gìn và học tốt tiếng Việt, mới có thể hiểu và bảo tồn những di sản văn hóa khác”.
Em Trần Bùi Nguyên Hải, về từ Mỹ, chia sẻ: “Em cùng một số bạn trong đoàn tham gia thảo luận về đề tài Vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chỉ trong một giờ thảo luận ngắn ngủi, chúng em đã cùng nghiên cứu, trao đổi, thậm chí có những lúc tranh luận rất sôi nổi. Mỗi thành viên trong nhóm đều lần lượt trình bày những ý kiến của mình, qua đó đi đến thống nhất và đưa ra những giải pháp trong vấn đề bảo tồn và giữ gìn văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa”.
Có thể nói, buổi hội thảo về di sản văn hóa Việt Nam đã để lại trong lòng các bạn trẻ những ấn tượng rất sâu sắc. Với các nhóm đề tài nêu trên, các bạn trẻ đã say mê thảo luận, hăng hái trình bày về vấn đề mình nghiên cứu bằng rất nhiều hình thức như: thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, trình chiếu slide… Qua đó, thể hiện được thông điệp mà các bạn trẻ muốn truyền tải, đó chính là: “Chúng tôi yêu Việt Nam và chúng tôi hứa sẽ cùng chung tay giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc Việt”.
Sau buổi hội thảo, bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban đã có buổi tiếp và mời cơm Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2016. Sáng mai, Đoàn sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Di tích Phủ Chủ tịch và Hoàng thành Thăng Long.
Chương trình Trại hè Việt Nam là hoạt động thường niên do Ủy ban tổ chức dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào hiện đang sinh sống và học tập ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Trại Hè Việt Nam đã trở thành sự kiện lớn hàng năm, thu hút sự tham dự của đông đảo thế hệ trẻ kiều bào trên toàn thế giới.
Thủy Trần