A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Trại hè Việt Nam 2015 thăm Địa đạo Vịnh Mốc và Thành cổ Quảng Trị

Tiếp tục cuộc hành trình của Trại hè Việt Nam 2015, ngày 20/7, các bạn trẻ kiều bào đã đến thăm Địa đạo Vịnh Mốc và Thành cổ Quảng Trị - địa danh đã trở thành chứng tích tiêu biểu về sự hy sinh và ý chí quật cường của người Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt bảo vệ nền độc lập dân tộc.

 



Đoàn thăm Thành cổ Quảng Trị

Đến với địa đạo Vịnh Mốc, các đại biểu hiểu hơn về sự hy sinh chịu đựng và gan góc chiến đấu vì độc lập, tự do của người dân Vịnh Mốc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Được đến thăm, nghe giới thiệu và trải nghiệm thực tế tại Địa đạo Vịnh Mốc, các bạn thanh niên, sinh viên kiều bào đều cảm thấy khâm phục về sức sáng tạo, sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh đi trước và tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.

Bạn Triệu Thị Hồng Thúy, về từ Liên bang Nga, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được đến thăm Địa đạo Vịnh Mốc, được trải nghiệm thực tế, em cảm nhận được ý chí và công sức to lớn của cha ông đã tạo nên công trình độc đáo này. Em thấy rất tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng với ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Hàng năm, bố mẹ em vẫn tạo điều kiện cho em thăm quê hương vào những dịp Hè như thế này. Em sẽ tiếp tục đến thăm những di tích lịch sử để hiểu thêm về đất nước".

Bạn Nguyễn Đình Nguyên, về từ Canada, hào hứng: "Được đến thăm Địa đạo giúp em hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Chúng em sống xa đất nước nên việc tiếp cận tài liệu để hiểu về quê hương còn nhiều hạn chế, hôm nay thật may mắn được trải nghiệm thực tế về cuộc sống của người dân cách đây mấy chục năm trong lòng đất. Ở trong Địa đạo một thời gian ngắn mà em đã cảm thấy ngột ngạt vì thiếu không khí, trong khi đó, thế hệ cha anh đã sống, sinh hoạt hàng ngày tại đây trong nhiều năm... Em cảm thấy thật khâm phục và tự hào về họ và quê hương Việt Nam. Em sẽ giới thiệu tới bạn bè của em tại Canada về công trình này và những con người nơi đây".

Rời Địa đạo Vịnh Mốc, các bạn trẻ tiếp tục đến thăm và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, các bạn đã được nghe giới thiệu về lịch sử xây dựng và cuộc chiến đấu gian khổ, khốc liệt của quân và dân Việt Nam tại nơi này.

Được nghe về sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ cách mạng tại Thành cổ Quảng Trị, bạn Nguyễn Thanh Sơn, về từ Belarus, xúc động cho biết: "Hôm nay, em cùng Đoàn được đến thăm Thành cổ Quảng Trị, được nghe những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh đi trước, trong em lòng yêu nước và tự hào dân tộc như trào dâng. Em thực sự xúc động khi được nghe câu chuyện về bức thư gửi lại mẹ và vợ con của người chiến sĩ biết trước mình hy sinh nhưng vẫn động viên những người thân ở lại. Chiến tranh đã lùi xa, hậu quả chiến tranh vẫn còn để lại nhưng những tấm gương hy sinh và lòng quả cảm của thế hệ đi trước mãi mãi trường tồn. Chúng em là những học sinh, sinh viên sống ở nước ngoài mong muốn học tập thật tốt để sau này có những đóng góp thiết thực cho quê hương".

Bạn Vương Hiền Vương, trở về từ Lào, tâm sự: "Qua chuyến thăm quan hai địa danh Vịnh Mốc và Thành cổ Quảng Trị, em cảm thấy rất may mắn và tự hào về đất nước Việt Nam thân yêu. Qua đó em thấy trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước phải sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước".

Buổi thăm quan để lại trong các bạn trẻ những ấn tượng khó phai về truyền thống cách mạng và ý chí sáng tạo, sức sống quật cường của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong công cuộc dựng xây đất nước.

Ngày mai, Đoàn tiếp tục hành trình thăm quan Cố đô Huế, tìm hiểu về nét văn hóa và công trình kiến trúc cha ông xưa.

Địa đạo Vịnh Mốc là một pháo đài thép của miền Bắc XHCN trong suốt bảy năm liền (1966 - 1972) chống lại cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của đế quốc Mỹ. Vịnh Mốc không chỉ là địa đầu miền Bắc mà còn là địa điểm thuận lợi cho việc tập kết lương thực, vũ khí tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo có vị trí quan trọng cho việc án ngữ vùng biển Vĩnh Linh (cách Vịnh Mốc 28km). Địa đạo dài gần 2km gồm 3 tầng sâu dưới mặt đất, được đào xong trong vòng 2 năm, với khoảng 6.000m3 đất đá. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài gần 2km, chia thành 3 tầng: tầng một sâu dưới mặt đất khoảng 13m; tầng 2 khoảng 15m và tầng 3 sâu trên 23m; gồm 13 cửa ra vào đồng thời cũng là những cửa thông hơi (bẩy cửa thông ra biển và sáu cửa đi lên đồi). Địa đạo được thiết kế như một làng dưới mặt đất với 94 căn hộ gia đình, có giếng nước ngọt đáp ứng sinh hoạt của người dân địa đạo, có hội trường đủ sức chứa khoảng 60 người, bảng tin, nhà hộ sinh, nhà vệ sinh, phòng phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm (loại bếp nấu được dưới lòng đất mà hạn chế khói bốc lên), kho gạo, trạm đặt máy điện thoại, đài quan sát, trạm gác, hầm tránh bom khoan...

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng và đắp bằng đất từ đầu thời vua Gia Long (1802) tại làng Tiền Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Đến năm 1809, vua Gia Long cho dời thành đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2, thị xã Quảng Trị). Năm 1837, vua Minh Mạng đã cho xây lại thành bằng gạch nung cỡ lớn, kết dính bởi vôi, mật mía và một số phụ gia khác. Thành có dạng hình vuông với chu vi gần 2.000m, cao 9,4m, chân thành dày 12m. Bao quanh tường thành là hệ thống giao thông hào rộng. Bốn góc thành có 4 pháo đài cao, chính giữa 4 mặt thành là các cửa: Tiền (trước) - Hậu (sau) - Tả (trái) - Hữu (phải), mỗi cửa rộng 3,4m, được xây theo kiểu vòm cuốn, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói. Trong nội thành có các công trình kiến trúc như: hành cung, dinh Tuần Vũ, cột cờ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết…

Trong thời kỳ chiến tranh, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến Thành cổ Quảng Trị thành khu quân sự và nhà lao giam giữ các chiến sĩ cộng sản yêu nước. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, tiêu biểu là trận đánh của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chống lại các đợt phản kích tái chiếm Thành cổ Quảng Trị của ngụy quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 (từ 28/6 đến 16/9/1972).

* Một số hình ảnh hoạt động của đoàn:

- Đoàn thăm Địa đạo Vịnh Mốc:

 

 

 

 

 

- Đoàn thăm Thành Cổ Quảng Trị:

 

 

 

 

Cảnh Tiêu


Các tin khác

Tin tiêu điểm