Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Trại hè Việt Nam 2015 khám phá vẻ đẹp phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn

Tạm biệt cố đô Huế với những lăng tẩm, đền đài cổ kính của vương triều Nguyễn, ngày 22/7, các đại biểu Trại hè Việt Nam 2015 tiếp tục hành trình khám phá vẻ đẹp hai di tích xứ Quảng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn (Thánh địa Mỹ Sơn).



Khám phá vẻ đẹp phố cổ Hội An

Vẻ đẹp hấp dẫn cùng với những câu chuyện lịch sử về phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn giúp các bạn trẻ kiều bào thêm yêu đất nước. Đến với Hội An – thương cảng một thời tấp nập tàu bè vào ra, nơi sinh sống các cư dân người Việt, người Hoa, người Nhật Bản,… giúp các bạn  hiểu hơn về quá trình giao lưu thương mại và hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Cuộc sống của con người nơi đây hiền hoà, gần gũi và hiếu khách, những chủ gia đình ân cần, thân thiện, những phụ nữ dịu dàng, khéo tay, nhân hậu, những trẻ em lễ độ, ngoan ngoãn... tạo nên một cộng đồng cư dân hoà thuận sống bình dị, êm đềm bên nhau qua bao thế hệ và cứ như vậy tiếp nối.

Đến với Thánh địa Mỹ Sơn với những đền tháp đã phủ màu thời gian giúp các bạn hiểu hơn về lịch sử một thời huy hoàng của Vương quốc Chăm Pa, đồng thời thấy được nét tài hoa và triết lý nhân sinh đẹp đẽ trong quan niệm của người Chăm xưa còn để lại trong những di tích. Bạn Nguyễn Anh Tuấn trở về từ Hungary đã rất ấn tượng bởi những ngôi đền trong Thánh địa Mỹ Sơn, bạn đã khoe bức ký họa nhanh về ngôi tháp cổ. Những bức ký họa về những di tích bạn đi qua sẽ là ảnh minh họa sinh động để bạn giới thiệu tới bạn bè về đất nước Việt Nam.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Mai trở về từ Đức chia sẻ: “Em rất vui khi lần đầu tiên được đến thăm hai di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đến với Hội An em rất ấn tượng về những ngôi nhà cổ san sát nhau và đặc biệt là những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc. Đến với khu đền tháp Mỹ Sơn em hiểu thêm về lịch sử, về cộng đồng dân tộc Việt Nam trong đó có đồng bào Chăm. Những công trình ở đây góp phần tạo nên sự đa dạng sắc màu văn hóa của dân tộc Việt Nam”.  

Bạn Nguyễn Văn Cương trở về từ Bungary cùng chung cảm xúc ấn tượng về các di sản văn hóa đã tâm sự: “Được đến tham quan hai di tích nổi tiếng của đất nước là phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa đất nước, đặc biệt là những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm. Được chứng kiến tận mắt những công trình kiến trúc của Vương quốc Chăm Pa xưa tại khu đền tháp Mỹ Sơn, em cảm thấy rất khâm phục về chiều sâu văn hóa và sự sáng tạo của họ trong việc xây dựng các công trình đền tháp tuyệt đẹp cách đây gần chục thế kỷ. Em sẽ giới thiệu tới bạn bè của em khi đến thăm Việt Nam hãy đến với những di tích này”.

Một ngày thăm quan hai Di sản Văn hóa Thế giới tại xứ Quảng Nam đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng các bạn trẻ về nét đẹp văn hóa, tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong nước cũng như quan hệ tình bằng hữu, mối giao hảo giữa dân tộc Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực từ rất lâu đời tại hai di tích phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Ngày mai, Đoàn tiếp tục tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giao lưu với thanh niên, sinh viên Đà Nẵng.

Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.

Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…

Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc cổ ở Hội An hầu hết được làm lại mới từ đầu thế kỷ 19, mặc dù năm khởi dựng có thể xưa hơn nhiều. Kiến trúc cổ thể hiện rõ nhất ở khu phố cổ. Nằm trọn trong địa bàn của phường Minh An, khu phố cổ có diện tích khoảng 2km², tập trung phần lớn các di tích nổi tiếng ở Hội An. Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống: gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng. Nơi đây đã thu hút được các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ của người Hoa, người Nhật, người Việt, người Chăm... cho nên mỗi công trình để lại hôm nay còn in dấu ấn văn hoá khá đa dạng, phong phú của nhiều dân tộc.

Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km, xung quanh là đồi, núi, trong mạch núi cao khoảng 100m đến 400m từ Đông Trường Sơn qua Mỹ Sơn đến kinh đô Trà Kiệu.

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam, cách thành phố Hội An khoảng 40km.

Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Mỗi vị vua, sau khi lên ngôi, đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng ngôi đền bằng những vật liệu rất bền vững, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ.

Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru - trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.

* Đoàn thăm quan phố cổ Hội An:



Đoàn nghe giới thiệu về lịch sử Chùa Cầu



Tham quan Phúc Kiến Quán



Tìm hiểu về kết cấu ngôi nhà cổ tại Hội An

* Đoàn thăm quan Thánh địa Mỹ Sơn:

 


Đoàn nghe giới thiệu về khu di tích đền tháp Mỹ Sơn



Bạn Nguyễn Anh Tuấn (đại biểu Hungary) đang ký họa nhanh về đền tháp Mỹ Sơn



Cùng tạo dáng bên ngôi tháp cổ

Cảnh Tiêu


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm