Kiều bào về với Trường Sa trên những chuyến tàu đại đoàn kết
.... Có lẽ tình yêu biển đảo, yêu quê hương, đất nước là chất keo dính gắn kết mỗi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, luôn hướng về Tổ quốc trên những chuyến tàu đại đoàn kết.
Trường Sa thiêng liêng là chất liệu sáng tác bất tận của nhiều nghệ sĩ. Không chỉ vậy, tôi có cơ duyên biết đến nhiều kiều bào là những nghệ sĩ không chuyên về Trường Sa.
Dù không qua đào tạo tại trường lớp chuyên nghiệp, trong cuộc đời họ hiếm khi viết hay sáng tác, đến khi viết, họ không đặt mục tiêu xuất bản ra một tác phẩm để đời, mà lựa chọn bộc bạch những nỗi niềm, cảm xúc chân thực nhất của mình về Trường Sa qua những áng văn, câu thơ.
Chuyến về với Trường Sa vừa qua, tôi có dịp trò chuyện với anh Đinh Hùng Cường, một nhà khoa học trẻ hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Anh Cường hóm hỉnh và rất nhiệt tình. Sau chuyến đi, anh Cường có tác phẩm “Nhật ký Trường Sa”, ghi chép và kể lại những hoạt động, từng dòng chia sẻ, tâm sự của đại biểu kiều bào tham gia Đoàn công tác số 8 năm 2022 trên chuyến tàu 571.
Đọc lại những dòng nhật ký của anh, từng hình ảnh về những con người, sự vật mà chúng tôi có duyên gặp gỡ, những rung động, cảm xúc hiện ra rõ ràng và sinh động. Chúng tôi khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, tính cách, hay quan điểm cá nhân, nhưng chúng tôi gắn kết với nhau bởi một sợi dây vô hình mang tên “đồng bào”, với mẫu số chung là “tình yêu quê hương, đất nước”. Đó cũng chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc thể hiện xuyên suốt chuyến đi Trường Sa vừa qua của đoàn kiều bào.
Niềm mong mỏi trở về với biển đảo quê hương
Đoàn kiều bào về với Trường Sa năm nay gồm hơn 40 thành viên đến từ 17 quốc gia. Nhiều đại biểu chia sẻ chuyến đi về với Trường Sa là niềm mong mỏi của nhiều bà con kiều bào, nhất là sau hai năm 2020-2021 gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Đối với bà con kiều bào, Trường Sa, biển đảo quê hương luôn là những danh từ vô cùng thiêng liêng. Đây là nơi tuyến đầu của Tổ quốc, cũng là nơi việc bảo vệ độc lập, chủ quyền vẫn còn gặp nhiều thách thức. Ở nơi xa xứ, việc kiểm chứng thông tin về tình hình trong nước đôi khi còn gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, nên nhiều bà con luôn hy vọng được trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu và cập nhật những thông tin đầy đủ, chính xác nhất về tình hình biển đảo Tổ quốc.
Tại nhiều địa bàn, mỗi năm, bà con đều háo hức, chờ mong thông tin từ các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc tổ chức chuyến đi, tiếp sau đó là cả một quá trình đăng ký tham gia và chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện sức khỏe, tinh thần, thu xếp ổn thỏa công việc, gia đình để về nước tham gia một chuyến hải trình dài ngày.
Trong một lần trò chuyện với ông Lê Xuân Lâm, kiều bào tại Ba Lan, tôi được biết, nhiều bà con đã đăng ký ngay sau khi nhận được thông tin mà không cần đắn đo suy nghĩ, bởi lẽ đi Trường Sa ít nhất một lần trong đời là điều mà nhiều người luôn mong mỏi, thậm chí một số bà con đã chuẩn bị sẵn sàng từ một hay vài năm trước.
“Chú đã có tuổi rồi, nhưng sau mấy chục năm bôn ba nơi xứ người, chú vẫn luôn mong một lần được về thăm Trường Sa. Chuyến đi lần này là một cơ hội mà chú trân trọng và thấy thật xứng đáng với những mong mỏi trước đó. Có những điều chỉ đọc, chỉ xem thôi chưa đủ mà phải trực tiếp cảm nhận. Trường Sa là một trong những điều như vậy cháu ạ…” - ông Lâm chia sẻ trong buổi gặp cuối cùng với tôi ở thành phố Cam Ranh, khi Đoàn kiều bào đã hoàn thành chuyến hải trình 09 ngày đáng nhớ tới Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Những chuyến tàu đại đoàn kết
Đáp ứng mong mỏi của bà con kiều bào, từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đã phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chương trình thường niên Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đến nay, đã có 9 Đoàn công tác được tổ chức với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu kiều bào đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là dịp để bà con kiều bào được tận mắt chứng kiến cuộc sống, công việc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa; giao lưu, trò chuyện, thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ; tìm hiểu về những thành tựu của quân, dân ta trong công cuộc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đáng quý là qua các chuyến đi này, bà con ta ở nước ngoài đã thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với biển đảo quê hương thông qua những hành động, đóng góp cụ thể, thiết thực và ý nghĩa.
Không thể không kể đến vai trò của kiều bào trong lan tỏa thông tin chính xác về những điều bà con được mắt thấy, tai nghe, góp phần đấu tranh trên mặt trận thông tin, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai lệch về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cụ thể, sau mỗi chuyến đi, bà con thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, Czech… Quỹ vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Quỹ Tiếp sức Trường Sa tại Singapore...; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh, tổ chức triển lãm về Trường Sa…
Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp về vật chất để trực tiếp hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như trao tặng xuồng chủ quyền, tặng nhiều hiện vật có giá trị và ý nghĩa thiết thực như giàn pin năng lượng mặt trời, máy phát điện mini, bộ dụng cụ tập thể dục đa năng ngoài trời, ô che nắng, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác…
Kiều bào đã tích cực đóng góp xây dựng công trình “Nhà văn hóa đa năng” trên đảo Trường Sa, thành lập Dự án “Trường Sa - Nhà giàn DK1: Hành trình của trái tim” để trao các suất học bổng cho con các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa và Nhà giàn DK1, tích cực đóng góp vào Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”…
Thành công trong việc tổ chức các đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 là kết quả của những quan điểm được thể hiện xuyên suốt, nhất quán qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).
Cụ thể, cộng đồng NVNONN được coi “là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với NVNONN “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Kế thừa các văn bản chỉ đạo quan trọng trong công tác NVNONN là Nghị quyết 36-NQ/TW (ngày 26/3/2004) và Chỉ thị số 45-CT/TW (ngày 19/5/2015), mới đây vào ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận 12-KL/TW là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc”, từ đó “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026. Nghị quyết 169/NQ-CP nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp do Bộ Chính trị đề ra, giao đầu mối chủ trì và các cơ quan phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, từ đó triển khai có hiệu quả các mặt của công tác NVNONN.
Bên cạnh việc thể hiện tính nhất quán trong chủ trương, chính sách đối với NVNONN, coi đây là “bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam” và là một thành viên trong khối đại đoàn kết dân tộc, Kết luận 12-KL/TW và Nghị quyết 169/NQ-CP còn thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho bà con, nhằm tạo những bước tiến lớn trong công tác về NVNONN, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.
Đây cũng chính là động lực để những chuyến tàu đưa bà con kiều bào về với Trường Sa thực sự trở thành những chuyến tàu đại đoàn kết.
Bởi lẽ “Đảo là nhà, biển là quê hương”
Trước khi Đoàn bắt đầu chuyến công tác, chúng tôi được các đồng chí hải quân cắt nghĩa rằng không phải “đi” hay “đến” mà Đoàn chúng tôi “về” với Trường Sa, về với một phần máu thịt của Tổ quốc.
Kiều bào dù ở bất kỳ đâu vẫn chung dòng máu đỏ da vàng, chung cội nguồn dân tộc, nên việc bà con hướng về quê hương, đất nước đã trở thành lẽ đương nhiên, không cần tranh cãi. Bởi lẽ đó, Kết luận 12-KL/TW nhấn mạnh việc kiên trì vận động để giúp kiều bào củng cố niềm tin, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc.
Câu chuyện của ông Nguyễn Trọng Đức, kiều bào tại Mỹ, là một ví dụ điển hình. Ông Đức còn được biết đến với những cái tên khác là Đức “đầu bạc” hay David Nguyễn, đã từng có những ý kiến trái chiều. Sau chuyến đi Trường Sa lần đầu tiên vào năm 2014, ông Đức đã được tận mắt chứng kiến sự thật về tình hình quê hương, đất nước, từ đó ông dần dần có những thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành động.
Trong lần trở lại Trường Sa năm nay, lần đầu tiên ông Đức đã mặc trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng với dòng chữ “Trường Sa trong tim tôi” trên ngực.
Chia sẻ tại buổi làm việc của Đoàn công tác trên đảo Trường Sa, ông Nguyễn Trọng Đức cho biết: “Trong gần 10 năm qua, tôi luôn cho rằng mình là một chiến sĩ Trường Sa ở tuyến đầu hải ngoại, truyền tải thông điệp biển đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam…”.
Cảm xúc của ông Đức có lẽ cũng là những cung bậc cảm xúc chung của các đại biểu kiều bào mỗi lần ghé thăm Trường Sa. Nhìn từ chiếc ca-nô chở đại biểu từ tàu 571 vào thăm đảo, hình ảnh đầu tiên và rõ nét nhất là lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió và dòng chữ “Đảo là nhà, biển là quê hương”.
Đặt chân lên mỗi điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc như đặt chân trở về nhà sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, trò chuyện với những cán bộ, chiến sĩ thân thiết như trò chuyện với những người anh em trong gia đình, mỗi kiều bào đều thấm thía ý nghĩa câu nói ấy.
Có lẽ tình yêu biển đảo, yêu quê hương, đất nước là chất keo dính gắn kết mỗi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, luôn hướng về Tổ quốc trên những chuyến tàu đại đoàn kết.
Đọc những dòng nhật ký của anh Cường, tôi hoài niệm sâu sắc những kỷ niệm Đoàn chúng tôi đã có với nhau trong suốt 09 ngày nằm trong vòng tay của mẹ biển cả, trong những cái ôm thắm tình quân dân và nghĩa tình đồng bào.
Trong những tiếc nuối khi Đoàn công tác không thể ghé thăm đảo Đá Đông như kế hoạch ban đầu do điều kiện thời tiết không thuận lợi, anh Cường viết một bài thơ về Đoàn kiều bào và những tình cảm da diết của kiều bào dành cho Trường Sa thân yêu.
Chuyến đi đã kết thúc được một thời gian, nhưng dư âm của chuyến hải trình ấy vẫn còn mãi vang vọng cùng tiếng sóng vỗ, quện trong lời nhắn nhủ được chúng tôi hô vang mỗi lần chia tay người lính đảo: “Kiều bào yêu Trường Sa” rồi được các anh hồi đáp ngay tắp lự: "Trường Sa yêu kiều bào".
“Ngoài trời sóng nổi, mưa to
Đá Đông lừng lững hiên ngang giữa trời
Kiều bào bốn bể, năm Châu
Về đây hội ngộ, sum vầy Đá Đông
Nào là Đức, Séc, Ba Lan
Cạnh ngay biên giới có anh Cam, Lào
Bờ Tây nước Mỹ vẫy chào
Mông Cổ du mục, Nam Phi một phòng
Thái Lan Việt có Udon
Hân hoan nước Úc, Hà Lan, Nga kiều
Malay Hồi giáo ngay đây
Xa hơn một chút đó là Israel
Nhật Bản chẳng mấy xa xôi
Nửa vòng Trái đất là Gia Nã Đại
Rumani Đông Âu ta đó
Từ năm châu 17 nước gặp mặt
Hướng về biển đảo thân yêu
Việt Nam ơi Trường Sa phần máu thịt
Kiều bào là người nước Nam
Dù ở đâu cũng hướng về đất mẹ
Trường Sa ơi luôn ở trong tim tôi”.
(Bài thơ của tác giả Đinh Hùng Cường)
Đào Thu Hiền