A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo cáo tổng hợp ý kiến của các Hội nghị chuyên đề của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn

Tại Lễ Bế mạc “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất”, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến của bốn Hội nghị chuyên đề. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản báo cáo.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đọc báo cáo tổng kết Hội nghị 

Trong các ngày 21-22/11/2009, dưới chủ đề bao trùm của Hội nghị “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, Hội nghị của chúng ta đã phân thành 4 hội nghị chuyên đề và tập trung thảo luận sâu rộng, toàn diện về tất cả những vấn đề liên quan đến việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, thành đạt, hòa nhập vào xã hội sở tại trong khi vẫn giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời luôn hướng về đất nước, cùng phấn đấu cho mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Với sự tham gia của gần 900 đại biểu kiều bào từ 52 nước và nhiều đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các ban, ngành và địa phương, Hội nghị đã thảo luận rất sôi nổi, cởi mở trong bầu không khí dân chủ và xây dựng. Đã có gần 150 tham luận và ý kiến phát biểu với nội dung rất phong phú, thẳng thắn và tâm huyết, cho thấy bức tranh toàn cảnh và sinh động về cộng đồng hiện nay, vừa chia sẻ những bài học thành công vừa chỉ ra những mặt còn hạn chế và kiến nghị các phương hướng, giải pháp thiết thực.

Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tổng kết một số vấn đề lớn, quan trọng nổi lên qua các phiên thảo luận của 4 hội nghị chuyên đề:

1. Về vấn đề xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về quê hương, đất nước

Các đại biểu nhất trí đánh giá đây là nội dung cơ bản và nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN. Trên vấn đề này, chúng ta đã đạt được nhiều kết quan trọng, cụ thể là:

- Thực trạng địa vị pháp lý của NVNONN ở 1 số địa bàn hiện nay đã được nâng lên một bước đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng hội nhập bền vững vào xã hội sở tại. Công tác bảo hộ công dân ngày càng được các cơ quan chức năng ở trong nước và Cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài thực hiện một cách chủ động và hiệu quả, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà con, đặc biệt là trong những thời điểm cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài đã trở thành một nội dung quan trong trong hoạt động đối ngoại của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

- Các tổ chức hội đoàn tích cực trong cộng đồng phát triển mạnh, hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức hoạt động phong phú thu hút ngày càng đông đảo bà con tham gia hưởng ứng. Tại một số địa bàn, các hội người Việt khác nhau đã có sự liên kết và hợp nhất lại thành Tổng hội, phản ánh xu hướng tích cực gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn của cộng đồng.

- Chủ trương hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước với các chính sách rộng mở, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ đã đem lại những kết quả hết sức tích cực, được đại đa số bà con hưởng ứng và đánh giá cao. Trong cộng đồng ngày càng có nhiều tiếng nói tích cực công khai phản đối những hoạt động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và đất nước. Truyền thống tốt đẹp gắn bó với quê hương, đất nước của kiều bào ngày càng được phát huy với nhiều biểu hiện sinh động, trong đó nổi lên là các nghĩa cử giúp đỡ nhân dân trong nước khi gặp thiên tai, dịch bệnh, các hoạt động đầu tư về nước nhằm “ích nước, lợi nhà”, trí thức kiều bào về nước tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác khoa học v.v…

- Công tác vận động thế hệ trẻ kiều bào hướng về quê hương, đất nước được quan tâm đặc biệt với nhiều hình thức hấp dẫn, thu hút được sự tham gia với số lượng ngày càng đông của thanh thiếu niên kiều bào, giúp thế hệ trẻ kiều bào hiểu rõ hơn những truyền thống tốt đẹp về lịch sử, văn hóa của dân tộc, qua đó góp phần nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và hướng về cội nguồn.

- Công tác thông tin cho cộng đồng, nhất là những vấn đề mà cộng đồng quan tâm được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực với số lượng các chương trình dành riêng cho kiều bào ngày càng tăng và phong phú về nội dung như VTV 4, IPTV, kênh Truyền hình Thuần Việt, Tạp chí Quê hương. Một loạt báo chí kiều bào ở các địa bàn hợp tác về nội dung với báo chí trong nước. Các trang mạng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc  cung cấp những thông tin chính xác và cập nhật cho kiều bào về mọi mặt của tình hình đất nước…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, đó là:

- Tại một số địa bàn, nội bộ hội đoàn vẫn còn biểu hiện của sự thiếu nhất trí, thậm chí mất đoàn kết trong Ban Chấp hành, ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả hoạt động của Ban chấp hành và của Hội. Tại nhiều hội đoàn, lực lượng cán bộ nòng cốt đã cao tuổi trong khi lực lượng kế cận còn mỏng và ít kinh nghiệm chưa thể thay thế dẫn dắt phong trào hội đoàn hoạt động như mong muốn của cộng đồng. Tại một số nơi, công tác xây dựng, phát triển hội đoàn chưa được quan tâm đúng mức.

- Công tác thông tin cho cộng đồng về tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tuy đã tăng cường, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thông tin đến với cộng đồng chủ yếu qua các luồng không chính thức hoặc bị các phần tử xấu bóp méo, xuyên tạc.

- Tại nhiều địa bàn, nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của bà con rất lớn và ngày càng tăng nhưng sự hỗ trợ từ trong nước chưa được nhiều. Một số phần tử phản động đang lợi dụng tình hình này để tìm cách lôi kéo bà con vào các hoạt động tâm linh không lành mạnh hoặc đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, đất nước và dân tộc.

- Việc phối hợp thực hiện một số chính sách cụ thể về hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc còn chưa thật nhịp nhàng, thủ tục nhiều khi còn phức tạp dẫn đến hiệu quả chưa thật như mong muốn. Một số chính sách quan trọng, đáp ứng quyền lợi thiết thân của kiều bào triển khai còn chậm. Công tác quản lý xuất khẩu lao động, du học sinh còn một số yếu kém, tạo ra những khó khăn và phức tạp cho cộng đồng.

- Việc phối hợp giữa các cơ quan và địa phương liên quan trong công tác đối với NNVNONN còn chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ.

2. Về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc

- Các đại biểu đã khẳng định người Việt Nam dù ở nơi đâu trên thế giới vẫn mang trong mình bản sắc văn hóa Việt Nam, là đại diện cho văn hóa Việt Nam, đồng thời là nhân tố quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên tác động đến quan niệm, nhận thức và tình cảm của người nước ngoài đối với Việt Nam. Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam với những nét độc đáo về nghệ thuật, ẩm thực, thời trang, thuần phong mỹ tục và lối sống đã tạo nên một nét riêng của người Việt Nam ở nước ngoài, phân biệt với các dân tộc Châu Á khác. Điều này khiến chúng ta tự hào và tự tin vào sức sống của dân tộc, không sợ bị hòa tan trong khi hòa nhập với xã hội sở tại.

- Tuy còn nhiều việc phải làm nhưng Đảng và Nhà nước ta đã và đang hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng NVNONN giữ gìn và phát huy bản sắc và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phẩm giá con người Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa, nghệ thuật đáp ứng đời sống tinh thần của bà con, tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với nhân dân sở tại. Cộng đồng là cầu nối trực tiếp và hiệu quả trong việc quảng bá tốt nhất cho văn hóa, thương hiệu và hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam, giúp nhân dân thế giới ngày càng hiểu biết đúng đắn và thêm yêu quý Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường quan hệ về các mặt, nhất là về giao lưu văn hóa và thu hút du lịch giữa Việt Nam với các nước.

- Đồng bào ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của việc duy trì tiếng Việt đối với sự tồn tại và phát triển của người Việt ở bên ngoài với tư cách là một cộng đồng có bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất và cũng là băn khoăn, trăn trở của các đại biểu là thực tế tiếng Việt có nguy cơ bị mai một trong thế hệ trẻ. Các cơ quan trong nước cũng rất coi trọng việc hỗ trợ, giúp đỡ việc dạy và học tiếng Việt, tuy nhiên còn nhiều bất cập trong các chương trình phổ biến, truyền bá như về phương pháp sư phạm, ngôn ngữ chuẩn, giáo trình giảng dạy, chất lượng đội ngũ giáo viên, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng về tiếng Việt…

3. Vai trò của chuyên gia, trí thức và doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước

- Đội ngũ trí thức được các đại biểu nhất trí đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng và có đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đa số trí thức kiều bào sống ở các nước có trình độ cao về KHCN, có thể đóng góp trên nhiều mặt như: chuyển giao trí thức, công nghệ, giảng dạy, đào tạo, tư vấn, thẩm định, cung cấp thông tin, làm cầu nối hợp tác khoa học, giáo dục-đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển…, có thể góp phần giúp đất nước rút ngắn chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện có nhiều lĩnh vực trí thức kiều bào đang nghiên cứu hợp tác có hiệu quả như tin học và ứng dụng tin học, điện tử, viễn thông, y học, giáo dục-đào tạo, tài chính-kế toán, ngân hàng, xây dựng, công nghệ in, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây, nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải công nghiệp v.v... Đặc biệt, với kinh nghiệm và tri thức của mình, trí thức kiều bào còn góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

- Các đại biểu cũng quan tâm nhiều và thảo luận sôi nổi, hào hứng về các ý tưởng, những lĩnh vực KHKT và công nghệ mà trí thức kiều bào có thể đóng góp,  đặc biệt việc xác định nhu cầu, lĩnh vực cần ưu tiên vận động, khuyến khích chuyên gia trí thức kiều bào. Việc giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực ở trong nước, thu hút du học sinh về nước cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, gợi ý việc đổi mới phương pháp giáo dục-đào tạo, các hình thức đào tạo, nghiên cứu gắn liền với quá trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế Việt Nam.

- Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho sự đóng góp của chuyên gia, trí thức kiều bào còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nổi lên một số nguyên nhân chủ quan như những bất cập về cơ chế, chính sách; chưa có hệ thống thông tin đầy đủ về khả năng của chuyên gia, trí thức và nhu cầu cụ thể của các cơ quan đối tác; đầu mối chỉ đạo chưa đủ mạnh nên chưa có được định hướng tốt để có thể huy động chuyên gia, trí thức kiều bào tập trung giải quyết có kết quả những vấn đề mũi nhọn của KHCN hay kinh tế của đất nước…

- Về vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, các đại biểu nhất trí đánh giá tiềm năng lớn nhất của doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào là vai trò làm cầu nối, mở đường cho hàng hóa, doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới. Hàng năm, số lượng người về nước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tăng lên đáng kể, tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng, nuôi trồng và chế biến thủy sản, may mặc, khách sạn, dịch vụ du lịch… Tuy nhiên, so với tiềm lực của cộng đồng, số vốn này còn manh mún và bó hẹp trên một số lĩnh vực.

Các đại biểu tập trung đề xuất đầu tư vào một số thị trường tiềm năng ở nước ngoài. Các cơ quan chức năng trong nước đã tập trung thông tin cho các doanh nghiệp về các chính sách thương mại, thuế quan, đầu tư, đặc biệt những ưu đãi đầu tư và các dự án lớn đang triển khai trong nước nhằm khuyến khích doanh nhân kiều bào nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đây là nội dung được rất nhiều doanh nghiệp kiều bào quan tâm và hưởng ứng tích cực, thông qua các cuộc trao đổi sôi nổi giữa các đại biểu với đại diện các cơ quan chức năng trong nước xoay quanh một số vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính và ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp kiều bào trong các lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam. Tại phiên trao đổi, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp kiều bào và lãnh đạo địa phương, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư của địa phương cũng như chính sách ưu đãi riêng của địa phương dành cho doanh nghiệp kiều bào.

4. Tổng hợp kiến nghị của các Hội nghị chuyên đề:

Trong bầu không khí thảo luận cởi mở, dân chủ và xây dựng, các đại biểu đã tập trung trí tuệ, đưa ra rất nhiều sáng kiến và kiến nghị đề cập đến hầu hết các khía cạnh và lĩnh vực liên quan tới mục tiêu xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh và thành đạt, đồng thời đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Tổng hợp lại, các đề xuất và kiến nghị tập trung vào các nhóm vấn đề sau đây:

a. Về xây dựng cơ chế, chính sách

- Cần rút ngắn thời gian thể chế hóa, cụ thể hóa và đề ra những biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các đường lối, chủ trương và chính sách đúng đắn, rộng mở của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài. Cần đặc biệt chú ý loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với kiều bào; có những chính sách mới mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ chuyên gia, trí thức kiều bào; có chính sách ưu tiên để chuyên gia, trí thức đào tạo ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước; cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng và thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào. Đồng thời, cần tập trung thúc đẩy, phối hợp xây dựng và hoàn thiện sớm các chính sách quy định về tạo thuận lợi và mở rộng diện NVNONN được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, đăng ký công dân, thủ tục về nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam; đăng ký thường trú cho người hồi hương; tạo điều kiện cho kiều bào được tiếp tục hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi hồi hương về Việt Nam.

b. Về công tác vận động và hỗ trợ cộng đồng

- Nhiều ý kiến tập trung đề cập về việc Nhà nước cần có chiến lược đồng bộ hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, tăng cường liên kết các tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam tại từng địa bàn và cả trên quy mô tất cả các nước có người Việt sinh sống. Các hình thức tổ chức và tập hợp cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn nữa với nhiều hình thức đa dạng với phương châm “nơi nào có người Việt, nơi đó có tổ chức”. Các hình thức tổ chức hội đoàn cần chú ý đến cả vấn đề giới tính (kiến nghị xem xét việc thành lập Hội phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài, hội cô dâu người Việt tại các địa bàn có đông chị em lấy chồng nước ngoài), lứa tuổi, đặc điểm nghề nghiệp. Tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ, các hình thức liên kết để tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng, giữa các cộng đồng và giữa kiều bào với trong nước.

- Đối với chuyên gia, trí thức kiều bào, cần có một tổ chức đầu mối với các hình thức linh hoạt (câu lạc bộ, Website…) để tập hợp thông tin và hỗ trợ lực lượng này về nước đóng góp. Cần sớm thành lập nhóm chuyên gia trí thức đầu ngành ở từng lĩnh vực quan trọng nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, đóng vai trò hỗ trợ tư vấn chính sách về định hướng chiến lược, các dự án lớn của nhà nước như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, công nghệ cao. Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức kiều bào về từng lĩnh vực.

- Đối với các doanh nhân NVNONN, đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các hội Doanh nghiệp Việt Nam tại các nước.

- Các cơ quan, ban, ngành chức năng trong nước cũng như các cộng đồng kiều bào khác có điều kiện thuận lợi hơn cần tập trung quan tâm hỗ trợ các cộng đồng kiều bào nghèo và gặp nhiều khó khăn như ở Lào, Campuchia và châu Phi.

- Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại hướng tới NVNONN, quảng bá hình ảnh và thương hiệu của đất nước, văn hoá và con người Việt Nam để cộng đồng nắm bắt đầy đủ và kịp thời về tình hình đất nước, về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để các nước trên thế giới hiểu biết hơn về văn hoá, nghệ thuật Việt Nam. Đẩy mạnh việc đưa VTV 4 và các chương trình thông tin đối ngoại vào truyền hình cáp ở Mỹ, Úc và các nước khác. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến các tác phẩm, sáng tác của người VNONN.

 - Tăng cường tính chủ động trong công tác bảo hộ công dân và pháp nhân NVNONN. Nhà nước cần đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các Hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương và tác động ở cấp cao trong quan hệ với các nước có đông người Việt nhằm hỗ trợ bà con có vị trí pháp lý ổn định để bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú. Đồng thời, các cơ quan chức năng trong nước cần phối hợp chấn chỉnh công tác quản lý lao động và du học sinh, ngăn chặn việc vi phạm hợp đồng và pháp luật, kịp thời ngăn chặn các hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo trong xuất khẩu lao động, trong vấn đề nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài.

- Đẩy mạnh các hình thức hoạt động giao lưu giữa thế hệ trẻ trong và ngoài nước như trại hè, gặp gỡ thanh niên sinh viên kiều bào, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, hoạt động từ thiện… để thế hệ trẻ kiều bào gắn bó với cội nguồn, dân tộc.

c. Về việc giữ gìn và phát huy bản sắc và truyền thống dân tộc

- Cần tăng cường hỗ trợ về cơ sở vật chất, hướng dẫn tổ chức hoạt động cho các hội đoàn tại những địa bàn khó khăn và tạo điều kiện để các Hội người Việt Nam ở các nước, các địa bàn được hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục, thể thao với nhau và với các đoàn thể trong nước, qua đó tăng cường tình đoàn kết, sự học hỏi và hiểu biết lẫn nhau.

- Trong các hoạt động truyền bá văn hoá, nghệ thuật nên chú trọng đến việc chuyển tải tư tưởng của đạo Phật, vì đạo Phật là một yếu tố quan trọng tạo nên văn hoá dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và đáp ứng các nhu cầu tâm linh ngày càng phát triển của kiều bào.

 - Hoạt động dạy và học tiếng Việt, nói rộng hơn là công tác tiếng Việt, phải được tiến hành chủ động, có chiến lược, giải pháp đồng bộ, nhất quán, hợp lý và thích đáng từ trong nước với sự tham gia tích cực của NVNONN để đáp ứng nhu cầu chính đáng, vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài về tiếng Việt của đồng bào.

d. Về việc củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác NVNONN

 - Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chuyên trách là Ủy ban Nhà nước về NVNONN cần được củng cố và tăng cường vai trò hơn nữa để có thể trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng của kiều bào và tham mưu cho Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác này. Bộ máy và công tác về NVNONN cũng cần được tăng cường về nhân lực, kinh phí để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước nhằm tăng cường sự chỉ đạo thống nhất trong công tác NVNONN.

 - Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần mở rộng hơn về phạm vi và đối tượng tiếp xúc, vận động; tăng cường công tác bảo hộ công dân và pháp nhân; tranh thủ một số nhân vật mới nổi nhằm phục vụ công tác vận động. Để làm tốt công tác này, cần củng cố các Cơ quan đại diện ta về nhân lực, kinh phí để đáp ứng nhu cầu về công tác cộng đồng, đặc biệt là phải có cán bộ tinh thông tiếng địa phương và không nên giới hạn nhiệm kỳ công tác chỉ ba năm như hiện nay.

Tất cả những ý kiến quý báu của các đại biểu tại Hội nghị lần này sẽ được chuyển đầy đủ và chi tiết tới các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước để tiếp thu và nghiên cứu nhằm đưa ra các biện pháp thiết thực phục vụ cho việc hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn, phù hợp với đặc thù của đời sống chính trị - xã hội sở tại. Đồng thời, đây cũng sẽ là cơ sở phục vụ cho việc hoạch định những chính sách có hiệu quả và thiết thực nhằm hỗ trợ việc xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, vững mạnh, có vị trí trong xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Những ý kiến đóng góp của đại biểu kiều bào tại Hội nghị còn là cơ sở quan trọng phục vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với NVNONN vào năm 2010 và qua đó phát huy trí tuệ của cộng đồng NVNONN đóng góp vào việc chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng.

Với những kết quả đạt được trong hai ngày qua tại các phiên thảo luận, Hội nghị của chúng ta đã thành công tốt đẹp, thể hiện cao nhất tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phản ánh ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp và thế hệ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới hướng về đất nước vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Ngoại giao,
Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN


Các tin khác

Tin tiêu điểm