Mỗi người mẹ là một cô giáo dạy tiếng Việt
Nhân ngày Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (8/9), cùng lắng nghe những chia sẻ và ước nguyện của kiều bào Trung Quốc về việc giữ gìn tiếng Việt nơi xa xứ.
Chị Nguyễn Huyền Trang (Thượng Hải, Trung Quốc): Sự kiện có ý nghĩa cộng đồng
Là một người con xa quê hương, xa đất nước, tình yêu và nỗi nhớ quê hương luôn ăn sâu trong máu thịt chúng tôi. Tình yêu ấy luôn âm ỉ cháy trong tim, có khi da diết, có khi sục sôi, có khi lại thổn thức. Có lẽ đấy là cảm xúc chung của tất cả những người con xa xứ như chúng tôi, và phải ở trong hoàn cảnh ấy mới thấm thía nỗi nhớ quê da diết đến nhường nào… Con gái tôi năm nay gần hai tuổi. Từ sau khi sinh, tôi và bà ngoại bé luôn chú ý giao lưu bằng tiếng Việt, tôi gắng gìn giữ văn hoá Việt và luôn hướng về cội nguồn.
Nhân dịp Lễ tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tôi bày tỏ lòng biết ơn về những con người luôn gắng giữ gìn bản sắc văn hoá tiếng Việt. Sự kiện này thật ý nghĩa với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Chị Lê Thị Kim Cương (Thiểm Tây, Trung Quốc): Ngày tôn vinh tiếng Việt tiếp cho tôi động lực dạy tiếng Việt cho con
Ngôn ngữ là văn hóa và văn hóa chính là thứ tạo ra sự khác biệt. Là một người Việt xa xứ, thiết nghĩ mọi người cũng như tôi, cũng từng trải qua cảm giác “đau đầu” về việc làm thế nào để giữ gìn và truyền dạy Tiếng Việt cho thế hệ sau. Chuyện dạy tiếng Việt càng khó khăn hơn trong những gia đình chỉ có một bên là người Việt khi mà bố mẹ rất dễ nảy sinh tâm lý thỏa hiệp với những kháng cự ngôn ngữ của trẻ. Tôi từng nghĩ mình là một kẻ thất bại trong việc truyền dạy Tiếng Việt, nhưng may thay, sự ra đời của ngày “Tôn vinh Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” càng tiếp thêm nhiều động lực cho tôi, để tôi biết mình không hề cô độc trên con đường gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà tôi luôn rất tự hào.
Chị Vũ Thị Lan (Sơn Đông, Trung Quốc): Mong có nhiều câu lạc bộ tuyên truyền tiếng Việt
Tiếng Việt được coi là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam chúng ta, là cầu nối là phương tiện thể hiện giá trị văn hoá dân tộc Việt. Tôi cho rằng, mọi người dân Việt ta, dù ở bất cứ nơi nào, cũng đều nên biết gìn giữ, quý trọng và nên có những phương án hành động thiết thực, làm cho tiếng Việt ngày càng được phổ biến, và trở thành ngôn ngữ giao lưu chính nhất là với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và cũng như cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc chúng tôi nói riêng.
Tôi cũng là một trong số trong những người dân Việt đang sinh sống tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, con gái tôi hơn mười tuổi, trước đó mỗi năm về nước cùng gia đình bên ngoại giao lưu bằng tiếng Việt rất tốt, nhưng sau khi về lại bên này đi học, ở trường và các bạn cùng những người xung quanh đều nói tiếng Trung, nên tiếng Việt dần bị lãng quên.
Sau những sự kiện chia sẻ kêu gọi giữ gìn văn hoá tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào Trung Quốc thời gian vừa qua, tôi cũng thấy rõ được áp lực và trách nhiệm của người mẹ Việt Nam dạy con tiếng Việt ở nước ngoài.
Chúng tôi tích cực truyền đạt dạy tiếng Việt cho thế hệ con cái mình để sau này, chúng sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp xúc và giao lưu với người Việt. Hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động câu lạc bộ tuyên truyền tiếng Việt và văn hoá Việt Nam trong công đồng người Việt tại Trung Quốc.
Tiến sĩ Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc (Sơn Đông, Trung Quốc): Mỗi người hãy là giáo viên dạy tiếng Việt cho con mình!
Tôi cho rằng, kiều bào ta ở nước ngoài, chính mỗi người mẹ sẽ là 1 cô giáo dạy tiếng Việt. Con tôi năm nay 4 tuổi, từ khi sinh ra, tôi đã ý thức được rằng, con mình mang dòng máu Việt thì phải nói được tiếng Việt! Vì vậy, từ những câu hát “ầu ơ ví dầu cầu ván đong đưa…” đến những câu chuyện kể trước khi đi ngủ, hay những câu nói giao tiếp hàng ngày, tôi đều sử dụng tiếng Việt. Và tôi tranh thủ mọi cơ hội để đưa con về Việt Nam cho có hoàn cảnh giao lưu ngôn ngữ.
Tôi không bao giờ phản hồi bằng tiếng Trung với bé. Khi bé nói tiếng Trung thì tôi sẽ trả lời “Con nói gì, mẹ không hiểu, tiếng Việt là gì vậy con?” thì bé sẽ rất ngượng nghịu tìm những từ thay thế yêu cầu muốn nói. Khi ấy tôi chỉ bổ sung, sửa sai, hỗ trợ thôi. Khi lên mẫu giáo, bé nhà tôi nói với cô giáo rằng: “mẹ con là người Việt Nam, mẹ không biết nói tiếng Trung, nên con phải dùng tiếng Việt Nam để nói chuyện với mẹ!”.
Chúng tôi định cư ở phía Bắc Trung Quốc, về vĩ độ vị trí địa lý là ngang Hàn Quốc, nơi đây rất ít người Việt, chúng tôi khát khao được nói tiếng Việt mỗi ngày, mỗi bài hát Vọng cổ hay Đờn ca tài tử … đều thể làm chúng tôi bật khóc vì nhớ nhà!
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có chia sẻ cho chúng tôi rất nhiều file tài liệu giáo trình dành cho học sinh hay giáo viên. Giữ gìn tiếng Việt, chính là giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ta bới xứ người, là nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả với mỗi người con Việt. Vì vậy, những người làm mẹ chúng ta, hãy là những giáo viên dạy tiếng Việt cho con em mình…
Phạm Lý/ thoidai.com.vn