Nỗ lực nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài
Ngày 8/8, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt kéo dài trong 2 tuần cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).
Gìn giữ tiếng Việt cho kiều bào là mục tiêu hàng đầu
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của tiếng Việt trong việc duy trì bản sắc, văn hóa dân tộc Việt ở nước ngoài, nhất là cho các thế hệ trẻ sau này và khẳng định việc gìn giữ và phát huy dạy tiếng Việt cho kiều bào là mục tiêu hàng đầu được Ủy ban chú trọng và cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm đó.
Ông Nguyễn Thiện Nam - Chủ nhiệm khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – cho biết: “Thông qua các khóa tập huấn tiếng Việt, học viên sẽ được nâng cao về kỹ năng giảng dạy và hiểu biết hơn về tiếng Việt cũng như sự phong phú của ngôn ngữ Việt, từ đó giúp cho việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài đạt hiệu quả cao hơn”.
Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc giảng dạy và học tiếng Việt luôn là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng NVNONN. Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con em của mình biết nói, đọc, viết tiếng Việt lưu loát. Nhưng do hoàn cảnh, điều kiện sinh sống tại nước sở tại có nhiều sự khác biệt với trong nước, thế hệ trẻ người Việt phải học tập, làm việc rất nhiều để có thể hội nhập thành công vào xã hội sở tại... vì vậy ít có thời gian dành cho việc học tiếng Việt. Để tạo động lực cho trẻ em ở nước ngoài học tiếng Việt có hiệu quả, ngoài sự nhiệt tình và trách nhiệm của giáo viên, tình nguyện viên thì những tài liệu cần thiết như sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy cũng là yếu tố quan trọng.
“Chương trình đã đi đúng hướng, song vấn đề là làm sao phát huy hiệu quả hơn nữa. Hiện nay chúng ta chưa có bộ sách giáo khoa chính thức làm công cụ chuẩn mực cho NVNONN giảng dạy, chúng ta cũng chưa có cách làm thống nhất vì còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể ở từng nơi. Vì vậy làm sao ứng với từng điều kiện đó để có cách dạy, mô hình, sách giáo khoa hiệu quả nhất cho NVNONN” - ông Trần Đức Mậu đưa ra ý kiến về việc giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào.
Vui mừng được tham dự Khóa tập huấn năm nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai - giáo viên tiếng Việt trường Tiểu học Đông Hồ tại Đài Loan, học viên Khóa tập huấn – bày tỏ: "Theo chiến lược phát triển giáo dục của Đài Loan, đến năm 2018, chương trình dạy tiếng Việt sẽ được phổ cập trong các trường học trên toàn quốc, vì vậy, hiện nay, tiếng Việt đang được Chính phủ Đài Loan rất quan tâm. Với vai trò là một giáo viên tiểu học, tôi mong muốn sau khi tham gia khóa tập huấn sẽ trang bị thêm cho mình những kỹ năng mới trong việc truyền dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại Đài Loan".
Cùng với tâm trạng đó, chị Đào Lê Quỳnh Phan - giáo viên Trường ĐH Rajabhat Udonthani, Khoa học Nhân văn và Xã hội tại Thái Lan, cho biết: “Tôi tham gia khóa tập huấn này vì bản thân thấy tiếng Việt của mình chưa tốt, trong khi hàng ngày phải dạy lại các em, nên đôi lúc cũng gặp khó khăn. Vì vậy, tôi mong có một bộ sách tiếng Việt chuẩn và được các thầy cô ở đây truyền giảng thêm về kỹ năng sư phạm để tôi có thể dạy các em tốt hơn”.
Tìm biện pháp nâng cao chất lượng dạy – học tiếng Việt cho kiều bào
Trong buổi Tọa đàm sau Lễ khai mạc với chủ đề “Thực trạng dạy – học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất giải pháp”, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Về thực trạng dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài hiện nay, nhiều ý kiến cho biết, các cơ sở dạy tiếng Việt ở nước ngoài hầu hết đều ở tình trạng thiếu sách giáo khoa, tài liệu dạy tiếng Việt, từ điển, băng đĩa. Những năm gần đây một số nhà giáo, trí thức trong các cộng đồng NVNONN đã tự biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu dạy học để phục vụ cho việc giảng dạy tiếng Việt ở nước sở tại. Tuy nhiên những cuốn sách này nhìn chung chưa theo kịp sự phát triển của tiếng Việt trong nước do người viết không có điều kiện cập nhật đã ít nhiều gây nên những hạn chế trong truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) việc dạy và học tiếng Việt đã có chỉ đạo từ Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”, với mục tiêu nhằm xây dựng và duy trì chương trình dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến (gồm 6 trình độ) căn bản, thiết thực, hiệu quả, phù hợp, dễ tiếp cận cho NVNONN, nhằm giúp cho các thế hệ NVNONN, nhất là thế hệ trẻ có đủ vốn tiếng Việt để thường xuyên sử dụng, góp phần duy trì và phát huy ý thức hướng về cội nguồn, tình cảm hướng về quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ông Sơn cũng cho rằng, tài liệu dạy tiếng Việt chỉ mới là bộ khung cơ bản về ngôn ngữ, còn từ đó cần biên soạn lại cho phù hợp hơn vì kiều bào sinh sống ở mỗi nước đều có đặc thù riêng.
Hiện nay, gần như ở bất cứ một cộng đồng nào ở nước ngoài cũng đều có tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho trẻ em. Vấn đề khó nằm ở chỗ tâm lý phụ huynh, học sinh và môi trường. Thêm nữa, dạy tiếng Việt không khó, chỉ cần vài ba tháng là các em có thể nói, đọc và viết được tiếng Việt. Nhưng để có thể hiểu được sách báo và văn hóa Việt Nam, thì cần phải đọc sách tiếng Việt rất nhiều. Đó mới là điều khó khăn vì sách báo ngoại quốc quá phong phú, trong khi sách báo của chúng ta chưa phổ cập và chuẩn mực để các em có thể hiểu được.
Sau khi nghe chia sẻ về trường hợp sau 2 ngày dạy, các em có thể email bằng tiếng Việt về nhà cho bố mẹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, quan trọng là phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả và phù hợp với từng địa bàn cụ thể.
Trong những năm gần đây, nhu cầu học tiếng Việt ngày càng gia tăng trong cộng đồng NVNONN. Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình có thể biết và sử dụng thành thạo tiếng Việt, để thế hệ thứ ba, thứ tư người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở đây không lãng quên nguồn cội, nuôi dưỡng cho các em hồn cốt Việt và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ý thức được vấn đề đó, việc dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào được các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cũng như các hội, đoàn của người Việt rất quan tâm, coi đó là một trong những trọng tâm trong công tác quần chúng tại địa bàn. Các trung tâm và lớp học tiếng Việt duy trì đều đặn các khóa học tiếng Việt và bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ.
Tại buổi tọa đàm, các học viên cũng chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy hay, nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm gắn bó với nghề của các thầy cô. Cô Lê Thị Bích Hường (giáo viên dạy tiếng Việt tại Ý) đã chia sẻ phương pháp phụ trợ cho việc dạy tiếng Việt qua âm nhạc để học sinh tiếp thu dễ hơn và hiểu hơn văn hóa Việt qua những ca từ. Chị Lê Thị Minh Trang (giáo viên dạy tiếng Việt tại Séc) chia sẻ về việc tổ chức lớp học sao cho hợp lý, đảm bảo công việc của bố mẹ khi phải đưa các em đến lớp học... và cả câu chuyện xúc động của cô giáo Lê Thị Kim Dung khi vận động con em kiều bào tại Biển Hồ đến lớp không chỉ để dạy chữ mà còn dạy về đạo đức cho các em.
Để công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài ngày một hoàn thiện, các học viên tham dự đều mong muốn Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa đến công tác này, như việc nghiên cứu bộ sách giáo khoa áp dụng cho các địa bàn, các nước khác nhau; tăng cường nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên cộng đồng; cử giáo viên trong nước sang giảng dạy; làm việc việc với nước bạn tạo điều kiện, hỗ trợ cở sở vật chất cho bà con mở lớp, trung tâm dạy tiếng Việt...
Phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm, bà Lê Thị Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - cho biết những năm gần đây, công tác dạy và học tiếng Việt luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ủng hộ kịp thời. Bà đánh giá cao những ý kiến tâm huyết và cả những chia sẻ chân tình của các thầy cô giáo tham gia buổi Tọa đàm. Bằng tình yêu và trách nhiệm lớn với cộng đồng, các thầy cô đã làm công việc hết sức ý nghĩa là việc duy trì tiếng mẹ đẻ, duy trì bản sắc dân tộc nơi xứ người. Bà khẳng định, những kiến nghị, đóng góp của các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm sẽ được Ủy ban phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp chuyển lên lãnh đạo cấp trên, để tới đây công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài sẽ thực sự đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của kiều bào ta ở nước ngoài.
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm nay có gần 60 học viên đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Séc, Italy, Tây Ban Nha… Khóa tập huấn sẽ kéo dài từ ngày 7/8 đến ngày 21/8 với chương trình học chuyên môn cao cùng với các buổi học ngoại khóa, tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam tại các di tích lịch sử như Nhà thờ Đá Phát Diệm, Khu sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình và Vịnh Hạ Long. Đây là năm thứ 4 Ủy ban Nhà nước về NVNONN – Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa học này. |
Thu Anh