A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký sự: Nơi đầu sóng Trường Sa bất khuất

Chia tay biển đảo Trường Sa - một miền Tổ quốc “đẹp như gấm hoa”, trong chúng tôi lại dội về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ thuở mở nước ấy, biển và rừng đã là máu thịt. Năm mươi người con lên rừng, năm mươi người con xuống biển. Từ lịch sử đến hôm nay và mãi mãi về sau, con cháu Lạc Hồng luôn vang mãi những câu hò biển khỏe khoắn, vững chãi, kiên gan. Quá khứ-Hiện tại - Tương lai, Đất liền - Hải đảo và cả bầu trời nước Việt, trong những không gian ấy là những dòng chảy nối dài những trái tim luôn khát khao hòa bình, kiên cường, bất khuất… làm nên sức mạnh Việt Nam.

 



Cầu tàu Đảo Trường Sa Lớn 

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa…

Nhói lòng, se sắt. Những vần thơ chất chứa bao nỗi niềm của tác giả Nguyễn Việt Chiến như thôi thúc người con xa quê phải một lần đến với nơi đầu sóng, ngọn gió Trường Sa. Nơi bóng giặc vẫn chập chờn, nơi người lính kiên cường nằm xuống để giữ gìn mảnh đất quê hương, viết thành thiên hùng ca ngời sáng cho dân tộc ngàn năm hiên ngang, bất khuất.

8 giờ sáng ngày 21/4, sau lễ chào cờ trang trọng, con tàu HQ561 hú một hồi còi, tạm biệt đất liền rẽ sóng rời cảng Cát Lái ra khơi. Tò mò, háo hức, 50 kiều bào từ Nga, Mỹ, Pháp, Na Uy, Đức, Thái Lan, Singapore… những con Lạc, cháu Hồng từ khắp 5 châu về với Trường Sa bằng tình yêu quê hương mãnh liệt. Hãnh diện, may mắn và cả vinh dự khi tất cả được đi trên con tàu hiện đại của Hải quân Việt Nam với sức chứa khoảng trên 200 người với đầy đủ các phương tiện y tế hiện đại… Sóng biển mạnh dần lên sau khi vượt qua cửa biển Vũng Tàu. Đứng trên boong, phóng tầm mắt, những chiếc tàu vỏ sắt công suất lớn đang dàn hàng vươn khơi xa bám biển, mang theo cả niềm tin, hi vọng của người ở lại.

Ban đêm, nước biển như chuyển sang một màu đen kịt cuồn cuộn trôi. Giữa mịt mùng bóng tối của đại dương bao la, đã có những giọt máu hồng hòa mình trong nước biển Đông. Hiên ngang. Bất khuất. Kiên cường giữ từng tấc đất của cha ông. Có con dân Việt nào không nhớ ít nhất từ thế kỷ 16, ngay từ đầu thời chúa Nguyễn hải đội Hoàng Sa đã được thành lập với binh, phu khỏe nhất đi bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đó đến nay Lễ khao lề thế lính hàng năm vẫn được nhân dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức vào các ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch để ghi tạc công ơn của cha ông. Rồi dưới thời Minh Mạng lực lượng thủy quân của mình tiếp tục vươn xa hơn ra ngoài biển khơi, khẳng định một cách rõ ràng, mạnh mẽ chủ quyền trên các hải đảo, nhất là tại Vạn lý Hoàng Sa. Ông đã nhiều lần sai các thuyền ra vẽ bản đồ các đảo, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc lập bia, dựng miếu thờ, trồng cây…

Ngày nay, câu chuyện ấy vẫn đang được viết tiếp, vẫn được thắp lên từ lòng quả cảm của nhân dân, của những người lãnh đạo đất nước. Từ nước Nga xa xôi, tôi đã tận tai nghe và đọc những lời phát biểu hùng hồn của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng tôi muốn được thấy nhiều hơn bằng đôi mắt và cả trái tim...

45 giờ lênh đênh trên biển, đảo Song Tử Tây đã hiện ra trước mắt với ngọn hải đăng cao sừng sững, mái chùa cong cong thấp thoáng dưới tán cây cổ thụ. Ngồi trên xuồng máy, vượt sóng vào bờ, cảm giác bình an, ấm áp đã trở lại khi bắt gặp những ánh mắt thân thương, cái bắt tay thật nồng ấm của người lính đảo. Không xác xơ, trơ trụi như từng tưởng tượng, hiện ra trước mắt tôi là những ngôi nhà khang trang, sân bóng rộng rãi. Và còn có cả tượng đài Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn sừng sững hiên ngang nhìn ra biển khơi. Tiếng trẻ em líu lo, tiếng chuông chùa ngân vang hòa vào tiếng sóng…

Đảo Nam Yết là nơi thứ hai chúng tôi đến thăm, vẫn những nụ cười rạng rỡ, sự chu đáo, ân cần của những người con của đảo. Vẫn những ngôi nhà khang trang, tượng đài Trần Quốc Tuấn, mái chùa với những tiếng chuông ngân vang… và năm ngôi mộ của những người lính trẻ đến từ mọi miền của Tổ quốc, được đồng đội chăm chút cẩn thận, nằm tĩnh lặng ngay gần bờ biển luôn hướng về đất liền khiến chúng tôi bồi hồi xúc động. Họ đã rời xa đồng đội, gia đình, họ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước. Thắp nén nhang thơm, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các liệt sỹ, lòng cầu mong đất nước được bình an.

Đảo Trường Sa lớn. Thật xứng với cái tên của nó, tàu cập bến mà không cần phải neo đậu ngoài xa. Cầu tàu rộng rãi thênh thang. Những người lính trang nghiêm đứng đón đợi, những cư dân trên đảo mặc áo dài dân tộc, đi cùng những đứa trẻ xinh tươi, ngộ nghĩnh và rắn rỏi trong bộ đồ hải quân. Nếu không nhìn thấy biển, có lẽ ta sẽ nghĩ đây là một thị trấn trên đất liền. Giữa đảo là một đường băng để máy bay cất và hạ cánh nối đảo với đất mẹ thân thương. Cột mốc chủ quyền đặt ở vị trí trung tâm. Chùa Trường Sa Lớn linh thiêng, trầm mặc. Nhà tưởng niệm Bác Hồ gần gũi, uy nghiêm. Đài tưởng niệm liệt sỹ ẩn mình trong rừng cây cổ thụ. Nhà khách khang trang, hội trường rộng lớn…

Mặc dù cuộc sống trên các đảo còn nhiều khó khăn, nước ngọt là “tài sản” vô cùng quý giá, thế nhưng, ở nơi gian khổ ấy, con người, cây cối, động vật như đều cùng nhau “vượt khó” để tồn tại một cách vững vàng. Những cây phong ba tươi mát luôn “đứng chắn gió” nơi bờ biển, những cây bàng vuông xanh tươi tỏa bóng mát. Những chú gà trống chuyền cành cây như những chú chim, những con gà mái cần mẫn ấp trứng trong hốc cây giữa trời nắng gần 40 độ. Giữa trưa nắng chang chang, vài chú lợn rừng vẫn nhởn nhơ đi dạo trên sân bóng, những chú chó nhìn rất hiền lành, thân thiện nhưng khi cần thì sẵn sàng nhảy ngay xuống biển săn cá cùng bộ đội. Câu chuyện về những chú bò thường xuyên phải ăn bìa catton và thỉnh thoảng còn “ăn vụng” cả những tờ báo của bộ đội khi trót bỏ quên trên ghế đá thật thú vị.

Đảo chìm Len Đao, đảo Đá Bạc, Đá Nam đến trong tôi với một lòng xúc động khôn tả. Tàu hạ neo gần đảo chìm Len Đao, từ xa lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trước gió. Đảo nhỏ, không một bóng cây xanh, chỉ có những người lính và khối nhà bê tông kiên cố. Chúng tôi lên thăm đảo, tuy không có nhiều thời gian trò chuyện, nhưng cũng đủ làm ấm lòng các chiến sĩ trên đảo, đủ cho chúng tôi cảm nhận sự kiên cường của những người lính đang bám biển bảo vệ biên cương nơi đầu sóng ngọn gió.


Nhà Giàn DK - công trình được các nhà khoa học đánh giá là phi thường

Nhà Giàn DK1/18, DK1/7... và nhiều nhà giàn khác được xây trên nền san hô, nền đất bùn yếu với mực nước sâu hàng chục mét. Đây là những công trình được các nhà khoa học đánh giá là phi thường. Sừng sững giữa biển khơi với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển. Tàu hạ neo cách nhà giàn không xa, biển động dữ dội. Trên boong tàu, một buổi lễ tưởng niệm “Những liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam” được tổ chức trang trọng, xúc động. Những nén hương thơm, những bông hoa tươi cùng những giọt nước mắt như theo sóng biển đến với linh hồn các liệt sĩ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và cầu mong cho linh hồn các anh được siêu thoát. Tổ quốc luôn ghi công các anh.

Sóng mỗi lúc một to, cả tàu ai cũng quyết tâm lên nhà giàn thăm các chiến sĩ. Xuồng đã được cẩu xuống, một tốp chiến sĩ hải quân lên xuồng mang theo quà và thăm dò xem xuồng có thể tiếp cận với nhà giàn hay không. Không khí thật hồi hộp, cả đoàn nín thở chờ tin của những người tiền trạm. Thế nhưng, thật không may, thời tiết không chiều lòng người, các chiến sĩ trên xuồng thông báo về “xuồng không thể tiếp cận được nhà giàn”. Một không khí nặng nề bao trùm lấy chúng tôi. Đi mấy ngày trên biển, giờ đây, chỉ cách mấy trăm mét thôi mà không thể lên thăm các chiến sĩ trên nhà giàn được. Tôi biết, các anh ngày đêm sống giữa biển khơi, tuy vật chất không thiếu thốn nhưng rất mong mỏi được nhìn thấy những ánh mắt, nụ cười, những cái bắt tay của người ở hậu phương.

Ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Trưởng đoàn công tác số 6 - bật khóc: “Tôi cảm thấy như mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, cảm thấy như mình thực sự có lỗi với các chiến sĩ trên nhà giàn…”. Cách đây 16 năm, với vai trò một nhà báo ông đã tới nơi này, nhưng lần trở lại này, không lên được nhà giàn ông thấy thật áy náy. Không riêng gì ông Mậu, xung quanh ông, những đôi mắt đỏ hoe, nhiều người đã khóc. Chúng tôi đành phải trò chuyện với chiến sĩ nhà giàn qua hệ thống loa phát thanh, đoàn văn hóa nghệ thuật quân đội hát cho các chiến sĩ nghe qua bộ đàm trong tâm trạng vô cùng xúc động. Tàu nhổ neo, Thuyền trưởng HQ561 cho tàu chạy quanh nhà giàn, tất cả chúng tôi đứng trên boong, những cánh tay vẫy chào tạm biệt, những tiếng hô “Tạm biệt các anh!” “Chúng tôi yêu quý các anh!”, “Hẹn gặp lại!”… vang lên. Phía nhà giàn, các chiến sĩ hải quân cầm cờ Tổ quốc vẫy chào… Tạm biệt nhà giàn, chúng tôi tiến về đất liền, tạm chia tay với những con người dũng cảm, kiên cường của Tổ quốc Việt Nam.

Đại biểu kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền Đảo Trường Sa Lớn 

Giản dị, chân tình nhưng kiên cường, bất khuất, những người lính của quân đội nhân dân Việt Nam thật đa tài nhưng cũng rất lãng mạn. Đó là những sĩ quan dày dạn kinh nghiệm, những chiến sĩ trẻ rắn rỏi, hồn nhiên yêu đời mà chúng tôi gặp trên các đảo, ngoài giờ luyện tập căng thẳng, họ vẫn tranh thủ thời gian để trồng rau xanh, nuôi lợn, chăn bò trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt. Đó là những chiến sĩ - nghệ sĩ của Đoàn văn hóa nghệ thuật quân đội tài hoa đi cùng chúng tôi trên con tàu HQ561. Họ thật trang nghiêm trong bộ quân phục, nhưng nhí nhảnh, yêu đời, mềm mại trong các điệu múa. Là nghệ sĩ Bá Nha đa tài, chơi đủ các loại nhạc cụ, là Thiết Ploong người con của núi rừng Tây Nguyên với giọng hát thật khỏe. Là những ca sĩ giàu kinh nghiệm nhưng cũng hồn nhiên yêu đời như Hương Giang... Họ say sưa hát cho bộ đội trên các đảo chìm, đảo nổi. Mặc dù say sóng, họ vẫn đến tận phòng nơi các kiều bào ở để động viên và hát giao lưu. Đó là những sĩ quan chỉ huy tàu dày dạn kinh nghiệm, là những anh nuôi luôn tất bật phục vụ gần 200 thành viên trên tàu trong điều kiện vô cùng khó khăn khắc nghiệt. Vậy mà, khi giao lưu văn nghệ, họ là những nghệ sĩ tài ba, thả hồn vào những vần thơ, điệu nhạc như người nghệ sĩ thực thụ.


Tác giả gặp lại người bạn thời học phổ thông 
đang công tác tại Đảo Song Tử Tây 

Thật kỳ diệu khi tại Đảo Song Tử Tây, tôi đã gặp lại một người bạn học phổ thông, nay đang làm Chính trị viên của đảo - thượng tá Nguyễn Mạnh Hồng. Hai chúng tôi cùng quê, nhưng hiện tại đều phải sống xa nhà. Hồng nhận nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó, giữ vững chủ quyền biển đảo thân yêu. Còn tôi cùng hơn 4 triệu kiều bào ở khắp nơi trên thế giới vẫn hàng ngày chăm chỉ, cần mẫn lao động, học tập, nghiên cứu và lòng luôn hướng về quê hương.

Chia tay Hồng, chia tay biển đảo Trường Sa - một miền Tổ quốc “đẹp như gấm hoa”, trong chúng tôi lại dội về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ thuở mở nước ấy, biển và rừng đã là máu thịt. Năm mươi người con lên rừng, năm mươi người con xuống biển. Từ lịch sử đến hôm nay và mãi mãi về sau, con cháu Lạc Hồng luôn vang mãi những câu hò biển khỏe khoắn, vững chãi, kiên gan. Quá khứ-Hiện tại - Tương lai, Đất liền - Hải đảo và cả bầu trời nước Việt, trong những không gian ấy là những dòng chảy nối dài những trái tim luôn khát khao hòa bình, kiên cường, bất khuất… làm nên sức mạnh Việt Nam.

Ngô Tiến Điệp (LB Nga) 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm