Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển thịnh vượng

Tiềm lực của bà con Việt kiều là rất lớn, đã được minh chứng sau những năm 1996 trở lại đây, với gần 400 ngàn người có bằng cấp được đào tạo bài bản - đây là nguồn lực lớn cho chúng ta chung tay phát triển đất nước, lấy TP Hồ Chí Minh là điểm đột phá chiến lược.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Getty Images

Ngược về quá khứ trước năm 1975, TP Hồ Chí Minh được gọi tên Sài Gòn. Những năm tháng đó, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” và chắc chắn cái tên này cũng minh chứng một điều về giá trị thực của nó với khu vực và thế giới. Thời gian qua đi, những gì của sau gần 50 năm đã chỉ còn lại trong ký ức và trở thành hoài niệm của những thế hệ thứ hai và thứ ba sau chiến tranh. Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh đã thay đổi, sự thay đổi lớn lao nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới thì chưa xứng với tầm vóc của nó. Câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo và người dân toàn thành phố phải có lời trả lời thoả đáng và nghiêm túc.

Thể chế và cơ chế cho một thành phố trẻ đầy năng động và sáng tạo chưa phù hợp. Thời gian không chờ đợi cho tư duy khô cứng và duy ý trí tồn tại đã và đang kiềm hãm sự phát triển của con người của kinh tế thị trường. Thành phố chưa tạo được cú hích mang tính đột phá và hiệu quả cho cộng đồng xã hội phát triển… Nhận diện được những vấn đề nêu trên, người đứng đầu Chính phủ cũng như lãnh đạo thành phố đã và đang soi lại mình để cải cách thể chế, thay đổi tư duy quản lý và tạo điều kiện cho cộng đồng xã hội, cho doanh nghiệp phát triển với phương châm nhất quán, xuyên suốt “… Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển…”, thu hút mọi nguồn lực trong xã hội cũng như trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế.

Đã nhiều lần TP Hồ Chí Minh phát động phong trào huy động mọi nguồn lực trong xã hội cũng như nguồn lực của kiều bào đóng góp hiến kế, tham vấn cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, để tìm ra giải pháp thúc đẩy kinh tế và hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế. Đã có nhiều những đóng góp hữu ích và tâm huyết của các nhà khoa học và doanh nhân VNONN cho thành phố. Những tham luận và ý kiến được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và chính quyền ghi nhận và đánh giá cao. Nhưng để áp dụng, thực thi chính sách và đi vào cuộc sống thì còn rất hạn chế vì nhiều lý do khác nhau. Những lý do đó phản ánh một phần nào về cơ chế, chính sách của nhà nước còn hạn hẹp và thay đổi chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của đất nước và thị trường thế giới. Cơ quan chính quyền nhìn hơn 4,5 triệu NVNONN còn nhiều nghi ngại, được thể hiện rõ nét như: cần họ đầu tư chất xám cho Việt Nam; cần họ mang tiền, công nghệ đầu tư vào Việt Nam; cần họ chia sẻ, ủng hộ khi trong nước gặp khó khăn về kinh tế, thiên tai, bão lụt… Nhưng không cần họ tham gia vào các tổ chức, bộ máy công quyền; không cần họ có vị thế trong các tổ chức chính trị từ cấp cơ sở cho đến trung ương. Có chăng duy nhất là họ được tham gia vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Khu công nghệ cao TPHCM

Nhiệm kỳ mới của Chính phủ chính thức từ tháng 4/2016, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang đến cho cộng đồng xã hội và doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam một luồng gió mới, một niềm tin vào sự đột phá được bắt đầu bằng những nhà quản lý trong hệ thống chính trị và tầm nhìn chiến lược sau câu nói đầy ấn tượng “… Chúng ta tìm người tài hay tìm người nhà…”, chỉ có người tài mới thay đổi được những vấn đề bất cập trong điều hành và quản lý đất nước và sau đó là doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Những văn kiện, những quy định và những đạo luật đã và đang thay đổi tiến bộ hơn, hợp cuộc sống và tiếp cận với thế giới để tháo bỏ chiếc áo cũ chật chội được làm bằng chất liệu khô cứng. Với TP Hồ Chí Minh – thành phố đầu tàu của cả nước, nói đến Việt Nam, ai cũng nhắc đến TP Hồ Chí Minh. Đúng vậy, thành phố này là nơi hội tụ tinh hoa của kinh tế và tri thức, nhưng thực tế sau nhiều năm cũng chưa làm tốt trọng trách của mình. Việc thu hút nhân tài trong nước cũng như NVNONN được ví như “bắt cóc bỏ dĩa”. TP Hồ Chí Minh muốn đột phá để phát triển vượt bậc, theo quan điểm của tôi, nên:

a- Tạo sân chơi không giới hạn cho các nhà trí thức và doanh nghiệp thực hiện các dự án, ước mơ của mình mà pháp luật không cấm.

b- Tiến tới quản lý điều hành con người và kinh tế trên nguyên tắc xã hội hiện đại, pháp luật phải được thượng tôn triệt để.

c- Tập trung vào nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, thương mại hoá các nghiên cứu, phát minh phục vụ cho các ngành nghề trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

d- Hãy cho những Việt kiều tiêu biểu, xứng đáng, có tâm, có tầm tham gia vào các tổ chức bộ máy công quyền để họ được cống hiến, được phát huy khả năng và trí tuệ cho đất nước.

Nhìn lại thành quả trong công tác ngoại giao của Việt Nam trong những năm tháng qua, thành tích đáng tự hào là đã đáp ứng được yêu cầu trong từng giai đoạn của lịch sử. Từ sau Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài năm 2004, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập trung kết nối với bà con kiều bào, đẩy mạnh việc quảng bá về đầu tư trong nước và xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài.

Tiềm lực của bà con Việt kiều là rất lớn, đã được minh chứng sau những năm 1996 trở lại đây, với gần 400 ngàn người có bằng cấp được đào tạo bài bản - đây là nguồn lực lớn cho chúng ta chung tay phát triển đất nước, lấy TP Hồ Chí Minh là điểm đột phá chiến lược. Đặc biệt trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10% - 15%/năm. Riêng năm 2015, số lượng kiều hối gửi về nước đạt 12,25 tỷ USD, trong đó TP Hồ Chí Minh đạt hơn 5,5 tỷ USD. Ngoài ra, cho đến nay, đã có trên 1100 doanh nghiệp do NVNONN đầu tư tại 52/63 tỉnh thành của Việt Nam với tổng số vốn đăng kí gần 40 ngàn tỉ đồng.

Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, với những bài học được đúc kết và trải nghiệm bằng thực tế của hơn 10 năm, điều này như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) từ cách đây 5 năm đã chỉ ra và đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối. Những người đang sống, đang mang dòng máu Việt Nam phải phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, làm tròn trách nhiệm của mình với đất nước, với lịch sử, để chèo lái con thuyền Việt Nam qua khỏi vùng sóng dữ.

Từ dẫn chứng trên ta nhận thấy sự thành công trong chính sách của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này minh chứng cho việc kết nối trong nước và nước ngoài có tâm huyết của bà con Việt kiều luôn hướng về quê hương đất nước, đâu đó còn chính kiến khác nhau cũng là điều bình thường của con người và của các quốc gia. Điều này không cản được sự phát triển của một dân tộc hơn 90 triệu dân và chúng ta sẽ thành công. Hào khí non sông, sinh khí của tiền nhân và bản lĩnh nghị lực đã được tô thắm bằng mồ hôi, nước mắt và những giọt máu của cha ông để giữ gìn và dựng xây đất nước này. Nhân dân ta, đất nước ta quyết không sợ hãi bất cứ trở lực nào từ quốc nội đến quốc ngoại. Chúng ta sẽ tìm ra một định hướng chiến lược thập toàn để xây dựng và phát triển cho nhiều thế hệ mai sau.

Hà Nội, tháng 10/2016
Nguyễn Hoài Bắc (Canada)


Các tin khác

Tin tiêu điểm