Cùng đất nước nhìn lại và hướng tới
Thế là một thập kỷ đã trôi qua đầy chuyển biến và nhiều thăng trầm, giông bão khi nền kinh tế Việt Nam chuẩn bị hội nhập và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều và quá nhiều những quyết sách, những nghị quyết và tham luận, hội thảo để cho Việt Nam phát triển hiện tại và tương lai.
Trong bức tranh nhiều sắc mầu này có một phần không nhỏ được tạo nên bởi một bộ phận không thể tách rời đó là hơn 4 triệu kiều bào đang sống, lao động, học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lực lượng này đã góp phần không nhỏ vào nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Lượng kiều hối hàng năm chuyển về Việt Nam (từ 6 tỷ USD đến 10 tỷ USD/năm) tương đương với vốn ODA hàng năm. Không những thế dòng đầu tư chất xám cũng không ngừng nghỉ để tiếp cận với thị trường nội địa đang phát triển, đầy tiềm năng.
Công ty IQLink tại Hải Dương do ông Nguyễn Hoài Bắc là chủ đầu tư |
Bên cạnh những gì chúng ta đã đạt được, còn không ít những vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ và xử lý nghiêm túc để thực sự đưa các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như trong công tác bảo hộ công dân, người Việt Nam ra nước ngoài du lịch hay công tác khi gặp sự cố (mất hộ chiếu, bị trộm cắp…) tìm đến Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại để được giúp đỡ vẫn còn gặp vướng mắc về thủ tục. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư của kiều bào về trong nước, khi gặp kiện tụng tranh chấp với các đối tác tại Việt Nam, kiều bào còn mang nặng tâm lý lo lắng phần thua rơi về mình mặc dù họ thực hiện đúng và nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật và các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng. Kể cả khi thắng kiện thì việc thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ theo phán quyết của Tòa án cũng kéo dài và khó lấy lại được những gì đã mất.
Thời điểm này- năm 2012 - cả dân tộc ta, đất nước ta, bà con kiều bào xa xứ và hơn 80 triệu người Việt Nam đang sống trong nước hơn lúc nào hết cần đến sự đồng lòng, đồng sức, đồng tâm và nhìn lại chính mình xem đã thực sự làm được gì cho Tổ quốc, cho quê hương. Cùng chung tay vì đất nước và cùng với quyết tâm chúng ta sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn hiện nay về kinh tế cũng như những thách thức trong bảo vệ biên cương hải đảo, kiên quyết bảo vệ và sẽ bảo vệ được từng mét đất biên cương, từng hải lý trên biển đã từng thấm đẫm máu xương của cha anh để gìn giữ cho đến hôm nay.
Nhìn người bên cạnh ta là Đài Loan. Trong những năm 60 của thế kỷ 20, xuất phát điểm của Đài Loan cũng là một nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, dân trí lại thấp, thiên tai nhiều... Để có thể đạt được mong ước đưa nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ cao và công nghệ điện tử bán dẫn, bên cạnh việc đổi mới tư duy, Đài Loan đã tập trung tạo đột phá thành công trong giáo dục-đào tạo để mỗi người dân hiểu và tiếp cận được những gì họ phải học và phải làm. Điều đó dẫn đến họ làm chủ được những gì họ muốn làm. Và hiện nay Đài Loan trở nên giầu có, thịnh vượng và có ảnh hưởng lớn trong nền công nghệ và sản xuất các sản phẩm bán dẫn. Chỉ cần họ ngưng sản xuất và cung cấp các thiết bị bán dẫn (chip điện tử) một thời gian ngắn thôi, cả thế giới công nghệ IT sẽ thế nào? Thật khó tưởng tượng bởi vì trên thế giới ngày nay mỗi người ít nhất cũng sử dụng một lần sản phẩm do Đài Loan sản xuất.
Xa hơn nữa với chúng ta là Canada, một đất nước rộng lớn với diện tích đất đai nhất nhì trên bản đồ thế giới. Dân số 32 triệu người, nằm cạnh một siêu cường thế giới là Hoa Kỳ. Trong quá khứ Canada từng phải đối mặt với không ít thách thức từ Hoa Kỳ, nhưng Canada đã vượt qua được những thách thức đó và ngày nay là một quốc gia phát triển-một thành viên của G7, kinh tế đứng hàng thứ 6, thu nhập bình quân 24.000 USD/năm. An sinh xã hội 7 năm liên tiếp đứng đầu thế giới. Để có được như ngày hôm nay, Chính phủ Canada định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước này là giáo dục và đào tạo chuyên về tiềm năng mà họ vốn có như thủy điện, viễn thông, nông nghiệp công nghệ cao (nhớ rằng sản lượng lúa mỳ của Canada cung cấp 30% cho thế giới).
Khu nghỉ dưỡng DaLat Edensee lake Resort & Spa do ông Tiêu Như Phương |
Nhìn lại Việt Nam, sau 10 năm phát triển, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đến những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục, đầu tư dàn trải và chưa bền vững. Phải chăng chúng ta có quá nhiều thứ để làm, để phát triển dẫn đến những “mũi nhọn kinh tế” nhiều, khắp nơi mà nhiều nhà kinh tế ví von như hình hài của quả mít. Trên mặt bằng của 64 tỉnh, thành phố đâu đâu cũng thấy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nở rộ, thậm chí nhiều khu công nghiệp chiếm một vùng ruộng đất đắc địa rộng lớn. Điều này có phần xuất phát từ những yếu kém trong việc tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, nhưng cũng có nguyên nhân của việc chưa thoát hẳn khỏi tư duy của cơ chế xin-cho như một sự rơi rớt của tư tưởng thời còn bao cấp đã kéo chậm sự hội nhập và các chính sách mở của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, và Chính phủ.
Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, với những bài học được đúc kết và trải nghiệm bằng thực tế của 10 năm qua, đặt ra những đòi hỏi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã chỉ ra: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối. Những người đang sống, đang mang dòng máu Việt Nam phải phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, làm tròn trách nhiệm của mình với đất nước, với lịch sử, để chèo lái con thuyền Việt Nam qua khỏi vùng sóng dữ. Hào khí non sông, sinh khí của tiền nhân và bản lĩnh nghị lực đã được tô thắm bằng mồ hôi, nước mắt và những giọt máu của cha ông để giữ gìn và dựng xây đất nước này. Nhân dân ta, đất nước ta quyết không sợ hãi bất cứ trở lực nào từ quốc nội đến quốc ngoại. Chúng ta sẽ tìm ra một định hướng chiến lược thập toàn để xây dựng và phát triển cho nhiều thế hệ mai sau.
Nguyễn Hoài Bắc (Canada)