Tương lai của cộng đồng – Những vấn đề của hội nhập và phát triển
Trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai, Hội nghị chuyên đề với chủ đề “Tương lai của cộng đồng – Những vấn đề của hội nhập và phát triển” đã diễn ra trong hai phiên chiều 27/9 và sáng 28/9 dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự Hội nghị có gần 220 đại biểu, gồm khoảng 200 đại biểu kiều bào và 20 đại biểu của 9 cơ quan trong nước (Bộ Tư pháp, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh).
Ông Nguyễn Lam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Lam - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: đánh giá chuyển đổi cơ chế, chính sách, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ cộng đồng từ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đến nay, cũng như kinh nghiệm về mô hình thành công của cộng đồng trong hội nhập, phát triển ở xã hội sở tại về cả nội dung, hình thức và biện pháp; xác định vai trò, vị trí của cộng đồng trong quá trình hội nhập của đất nước nói chung cũng như trong hội nhập với xã hội sở tại nói riêng; kinh nghiệm xây dựng, phát triển, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, các tổ chức quy tụ thế hệ trẻ kiều bào, các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động đoàn kết, tương trợ cộng đồng, hướng về quê hương, đất nước; đấu tranh với các hoạt động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và đất nước.
Với tinh thần đổi mới, thiết thực và hiệu quả, các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các nội dung của Hội nghị. Đã có hơn 20 lượt ý kiến phát biểu từ các tham luận, báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự-Bộ ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội đoàn người Việt Nam tại các nước Mỹ, Pháp, Séc, Hungary, Lào, Thái Lan, Campuchia…
Ban Tổ chức đã tiếp thu tối đa những ý kiến và đánh giá rất cao tâm huyết và các nội dung mà đại biểu đóng góp vì lợi ích chung của cộng đồng và đất nước. Các ý kiến cho thấy bức tranh toàn cảnh khá sinh động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, về những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng đang gặp phải cũng như những nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp trong bối cảnh nhiều nước đang phải đối phó với không ít khó khăn, thách thức về kinh tế-xã hội, các bài học kinh nghiệm, các biện pháp đề xuất nhằm giúp cộng đồng có một tương lai xán lạn hơn, tiếp tục hội nhập và phát triển tại quốc gia sở tại.
Cộng đồng phát triển, địa vị kinh tế, pháp lý được cải thiện rõ nét
Đánh giá về tình hình cộng đồng hiện nay, các ý kiến đều thống nhất cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển, địa vị kinh tế, pháp lý đã được cải thiện rõ nét và nâng lên một bước đáng kể. Ở hầu hết các nước, phần lớn cộng đồng có quy chế cư trú hợp pháp, thậm chí nhiều người nhập quốc tịch nước sở tại, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng trong việc hội nhập lâu dài. Tuy nhiên, ở một số nơi, cộng đồng sinh sống không tập trung, điều kiện kinh tế, pháp lý còn khó khăn.
Báo cáo trước Hội nghị, ông Cao Văn San, Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan cho biết: Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan ra đời với phương châm củng cố niềm tin, hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt. Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã trở thành cầu nối cho tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan. Các hội là cầu nối giữa Sở giáo dục và trường Đại học địa phương với các trường Đại học tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, giao lưu văn hóa, tổ chức Trại hè thiếu niên 3 nước Việt Nam - Lào - Thái... Về mặt kinh tế và du lịch, các hội là cầu nối xúc tiến các doanh nghiệp về đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan...
Về hoạt động của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh các hội truyền thống, từng có quy mô về tổ chức và nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước, thì nhiều nơi đã xuất hiện nhiều tổ chức mới của người Việt như các hội đồng hương, hội cùng sở thích, nghề nghiệp, các câu lạc bộ với nhiều lứa tuổi, các hội sinh viên, du học sinh, cô dâu… Ở nhiều nước có hàng chục, thậm chí hàng trăm tổ chức. Nhưng cũng cần thừa nhận hạn chế trong việc các hội đoàn truyền thống còn lúng túng trong việc đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, thiếu kinh phí hoạt động...
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, bà Thérèse Nguyễn Văn Ký nhận định, một số chính sách đột phá như miễn thị thực được kiều bào nhiệt liệt hoan nghênh và thúc đẩy họ xích lại gần thêm với Tổ quốc. Bà cũng cho biết, ngoài việc chú trọng dạy tiếng Việt cho con em ở nước ngoài, hiện nay cần phải có thêm các chính sách mạnh dạn đối với thế hệ kiều bào thứ 2, 3 để động viên, thúc đẩy thế hệ kiều bào trẻ đóng góp chất xám cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.
Các đại biểu cũng cho rằng, các hoạt động từ thiện, nhân đạo hướng về quê hương đất nước vẫn được duy trì và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau như ủng hộ con em các liệt sỹ, thương binh của “Đoàn tàu không số” tại Hải Phòng, ủng hộ Đồn biên phòng Y Tý (Lào Cai) và Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ, hưởng ứng tích cực cuộc vận động của Ủy ban quyên góp ủng hộ xây dựng Nhà bia ghi nhớ công lao của các liệt sỹ và những người yêu nước đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại đảo Song Tử Tây và tặng Bộ Tư Lệnh Hải quân xuồng chủ quyền để phục vụ công tác cứu hộ. Điều này thể hiện truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” quý báu của dân tộc ta.
Công tác về NVNONN có nhiều chuyển biến tích cực
Đánh giá hiệu quả công tác NVNONN trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện các chính sách liên quan tới NVNONN và các biện pháp hỗ trợ cộng đồng ổn định cuộc sống, nâng cao địa vị pháp lý trong xã hội sở tại, các ý kiến đều cho rằng, từ sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã xây dựng và ban hành thêm nhiều văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho kiều bào trong các lĩnh vực quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, sở hữu đất đai, nhà ở, đầu tư, hồi hương… Tuy vậy, một số văn bản pháp luật (thuộc lĩnh vực quốc tịch) còn bị chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc cho kiều bào trong quá trình thực thi. Việc này dẫn tới những bất cập trong lĩnh vực đất đai, nhà ở…
Ông Hoàng Lộc - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Anh - bày tỏ: Trong những năm vừa qua, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước đã được thể hiện qua một loạt các chính sách hướng tới bà con kiều bào, về miễn thị thực, quốc tịch, nhà ở... tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trở về nước đầu tư làm ăn như người trong nước.
Ông Lộc đã bày tỏ một số suy nghĩ và nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam tại Anh quốc được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện nhiều hơn cho bà con kiều bào về thăm quê hương, đầu tư đóng góp cho đất nước; mong muốn được thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thực tế của Việt Nam, tạo điều kiện tối ưu để giữ quan hệ trên mọi lĩnh vực nhằm củng cố sức mạnh cộng đồng, gắn kết với tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Về công tác bảo hộ công dân, Cục Trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Hữu Tráng cho biết, công tác này đã được coi trọng và thực hiện ngày một hiệu quả. Đảng và Nhà nước quan tâm tới vấn đề hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn trước và đây trở thành nội dung quan trọng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta mỗi khi đi thăm hoặc tiếp đón lãnh đạo nước sở tại. Các biện pháp hỗ trợ cộng đồng về địa vị pháp lý, bảo hộ công dân, hỗ trợ bà con giải quyết các vấn đề khó khăn trong làm ăn kinh doanh, hòa nhập cuộc sống, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của người Việt trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu, các biện pháp quản lý NVNONN đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cuộc sống ổn định cho bà con kiều bào ở sở tại.
Về công tác vận động tập hợp kiều bào hướng về đất nước, hằng năm, đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa dành cho kiều bào, nổi bật là hoạt động “Xuân Quê hương”, Đoàn đại biểu kiều bào dự các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, Đoàn đại biểu kiều bào về thăm đất nước nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, “Trại hè Việt Nam”..., đặc biệt trong năm qua đã tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sỹ nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Ông Hoàng Lộc cho rằng, những hoạt động cụ thể dành cho kiều bào do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức rất thành công, trong đó có Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tại Hà Nội tháng 11/2009, đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm hết sức to lớn, sâu sắc của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào ở xa Tổ quốc.
Các biện pháp hỗ trợ cộng đồng
Trên cơ sở tình hình cộng đồng NVNONN và công tác đối với NVNONN, các đại biểu dự Hội nghị đã nêu lên các khuyến nghị cụ thể như: Nhà nước cần tiếp tục phát huy, tạo thế, hỗ trợ các hoạt động của các hội NVNONN; Kịp thời khen thưởng, động viên lãnh đạo và hội viên có nhiều thành tích, đóng góp, tiếp tục giải quyết khen thưởng, chính sách cho kiều bào tham gia các cuộc kháng chiến trước đây; Tạo điều kiện để Hội có vai trò, vận động kiều bào và sở tại đóng góp tham gia các hoạt động trên; Nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trung tâm thương mại của kiều bào, tạo nhiều việc làm và đóng góp cho sinh hoạt cộng đồng; Sớm có chính sách, biện pháp đột phá, khuyến khích, sử dụng chuyên gia, trí thức kiều bào, đặc biệt là trí thức trẻ đóng góp xây dựng quê hương; Đẩy mạnh chương trình dạy tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền cho NVNONN, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với các nước, bạn bè quốc tế; Tăng cường thông tin thường xuyên, cập nhật các vấn đề của đất nước, quan hệ với các nước, vấn đề biên giới biển đảo để giúp kiều bào hiểu hơn về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống lại các luận điệu, thế lực đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước ta; Khuyến khích, hỗ trợ thanh niên, sinh viên, du học sinh tham gia sinh hoạt cộng đồng, hoạt động của hội; Tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, trại hè, hoạt động về nguồn; Tăng cường trao đổi, ký kết các hiệp định củng cố địa vị pháp lý của cộng đồng, tăng cường bảo hộ công dân, hỗ trợ bảo đảm an ninh, trấn áp các hoạt động tội phạm trong cộng đồng, tăng cường kiểm tra, xử lý các công ty đưa người lao động, du học, môi giới, kết hôn trái phép, lừa đảo hoặc thông tin không đúng sự thật; Thúc đẩy, phối hợp xây dựng, hoàn thiện sớm các chính sách, quy định nhằm “luật hóa” Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó điều chỉnh, sửa đổi ngay các văn bản hướng dẫn Luật quốc tịch 2008 để kiều bào được giữ và được cấp chứng nhận có quốc tịch Việt Nam (vấn đề vướng mắc hiện nay), chứng nhận là người gốc Việt Nam, cải cách hành chính… để thuận tiện cho kiều bào về nước cư trú, mua nhà, đầu tư để thế hệ trẻ thêm gắn bó với quê hương.
Phương Thuận