A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng Việt ở nước ngoài, một vốn bốn lời

Khi nghĩ về chủ đề "Giữ gìn và Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" người ta thường nghĩ ngay đến một công việc và trách nhiệm của xã hội, có tầm vóc quốc gia. Đây là một chủ đề khó, bình cũ rượu mới, vì đã tốn không biết bao nhiêu bút mực, với nhiều cách nhìn và tầm nhìn khác nhau trong đủ mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… và rất động - mục đích cũng như ảnh hưởng thay đổi luôn luôn theo diễn tiến của xã hội.

Ảnh hưởng gia đình ở đâu, của cá nhân ở đâu, sẽ có người đặt câu hỏi. Tôi chỉ dám lạm bàn trong cái tầm nhìn hạn hẹp của một người Việt đang sống ở nước ngoài về sự ý thức bổn phận, trách nhiệm cũng như công việc thực hiện gìn giữ tính chất "Việt" khi sống xa "quê". Con người có tổ có tông / Như cây có cội, như sông có nguồn. Dù rằng, khái niệm về một chữ "quê" cũng đã có thay đổi, có quê hương thứ nhất, quê hương thứ hai… vì bao nhiêu người trên thế giới, không riêng gì người Việt, hiện đang sống trong hoàn cảnh "xin nhận nơi này làm quê hương". Có phải mỗi người chỉ có một "quê", một gốc? Và làm thế nào để không "mất gốc"? Đó là những câu hỏi thật to lớn và sâu rộng, chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực tư duy.

Toàn cầu hóa văn hóa và thông tin

Những năm trước kia người Việt ở nước ngoài còn có khó khăn khi đi tìm một cái gì đó có liên quan đến văn hóa Việt, một cuốn sách, một bản nhạc… hay một bó nhang trầm cũng phải lặn lội đường xá xa xôi để mua. Hiện nay phương tiện chuyên chở văn hóa rất đa dạng và người "làm" văn hóa ở trong và ngoài nước trong mọi bộ môn khoa học nghệ thuật cũng không thiếu. Đa số các tác giả sử dụng tiếng Việt, chỉ có một số ít tác phẩm được dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức để phục vụ độc giả nước ngoài… Cái khó nhất vẫn là câu hỏi làm sao các tác phẩm đến được tay nhiều người Việt.

Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta đang sống trong thời đại thông tin "mạng" của sự kiện toàn cầu hóa, nên được ảnh hưởng rất nhiều. Chỉ cần ngồi nhà bấm chuột, đọc một ngày không biết bao nhiêu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Thêm vào đó, những "chia sẻ" trên mạng đều có tính chất "miễn phí", các chương trình phần mềm đặc biệt cho phép "đào", "tải", "cài", "đặt" tự do. Một khi các tác phẩm đã "lên" mạng, thì tác giả đói… và hạnh phúc. Đói vì không có thu nhập, hay rất ít thu nhập, từ những tác phẩm của mình, nhưng hạnh phúc vì có một phương tiện truyền bá, ít nhiều hữu hiệu.

Trong lĩnh vực khoa học cũng thế, rất nhiều cơ hội để học hỏi và nghiên cứu mở ra trước mắt, chỉ cần qua một cái bấm chuột là thu thập được kiến thức của cả thế giới, nếu biết đọc nhiều thứ tiếng, và nếu có ngồi tự học, tự nghiên cứu trên màn hình 24 tiếng mỗi ngày thì cũng không làm sao sử dụng hết các tài liệu, các tư liệu… đã được tải lên miễn phí.

Học sinh trường tiểu học Hữu nghị, Champasak, Lào 

Thời đại mạng toàn cầu đã mở ra cho con người một dụng cụ rất hữu hiệu: muốn tìm một thông tin, một bản nhạc, một bài viết, một cuốn sách… là việc rất dễ và nhanh chóng. Đây chính là nền tảng kỹ thuật cho công việc bảo tồn và phát huy một văn hóa nào đó. Chúng ta không còn thiếu phương tiện, cũng không thiếu người sáng tác, sáng tạo. Vậy thì có gì khó khăn? Cái vẫn thiếu, vẫn cần được thảo luận là cách nhìn, tầm nhìn, sự lựa chọn và một sự tiếp xúc trực tiếp, không ảo.

Thực tế và cái nhìn

Nếu không kể đến những người Việt đã hy sinh xương máu trên các mảnh đất xa lạ từ thời đại chiến thứ nhất qua đại chiến thứ hai thì cộng đồng người Việt tại nước ngoài hiện nay đang có năm thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cái, cháu và chắt. Thế hệ ông bà hiện nay đã chung quanh lứa tuổi 80 gần đất xa trời, thế hệ cha mẹ đang đi vào lục tuần, thế hệ con cái đang trải rộng từ 20 đến 40, thế hệ cháu chắt còn là mầm non đang lớn. Những thế hệ ấy đã làm gì, đã có những thành quả gì trong công việc bảo tồn và phát huy văn hóa của mình ở khắp nơi trên thế giới?

Cộng đồng người Việt ở hải ngoại thường được các quê hương thứ hai chấp nhận, khen ngợi là cộng đồng hòa nhập nhất, ít gây khó khăn cho xã hội sở tại. Những người Việt bị tòa án các nước sở tại xử án vì các tội hình sự như án mạng giết người, lừa đảo, mãi dâm, buôn lậu… đều là những trường hợp thực tế nhưng rất may còn là số ít, báo chí ít đề cập đến. Ngược lại, những nhân tài xuất sắc gốc Việt, nhất là trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật phục vụ cho các công việc nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất, kể cả trong quốc phòng, quân đội, âm nhạc, thể thao… được nêu danh, vinh danh nhiều. Những cái tên như Nhà toán học Ngô Bảo Châu, Giáo sư vật lý Trần Thanh Vân, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận… đã thực sự nổi tiếng. Nhân tài từ các thế hệ thứ hai, thứ ba gốc Việt đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới.

Nói đến bảo tồn và phát huy văn hóa thì phải đặt câu hỏi đầu tiên, cái gì, cho ai, làm sao thực hiện, và nhất là cũng không quên vai trò của tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên Chúa… trong lĩnh vực này. Nhiều quan điểm tốt, nhiều cái nhìn tích cực, tiến bộ xuất phát từ lòng tin tôn giáo…, tin vào những hình ảnh tâm linh dẫn dắt khác của người dân.

Hiện tại, một số gia đình người Việt sống tại nước ngoài được xem là gương mẫu khi con cái đều biết nói tiếng Việt, lấy vợ lấy chồng người Việt, mang tên Việt Nam, gìn giữ nhiều mối quan hệ với gia đình, họ hàng, bạn bè, đối tác kinh doanh làm ăn trong nước. Một số khác bị chê trách là lai căng, mất gốc với những cái tên nửa Việt nửa ngoại, hay chỉ biết bập bẹ tiếng Việt.

Nhưng, sự gương mẫu này cũng sẽ "loãng" đi theo năm tháng và theo từng thế hệ, vì không một gia đình nào có thể sống mãi mãi biệt lập với môi trường xã hội nơi mình sinh ra, sinh sống và phải làm việc kiếm ăn hòa đồng với đủ mọi người khác màu da, khác tiếng nói chung quanh, và không ai cưỡng lại được sự thay đổi của bánh xe thời gian. Mỗi người có một hoàn cảnh sống, một "số phận" riêng, một con đường trần thế riêng, do đó, cái nhìn nên cởi mở hơn, xa hơn, rộng hơn. 

Trên thực tế, một số ít người gốc Việt, mang tên Việt, ông hay bà, cha hay mẹ của họ là người Việt, nhưng không nhận mình là người Việt nữa, họ đã hòa đồng hoàn toàn với xã hội sở tại, đã lựa chọn cho mình một "identité" (gốc tích). Có muốn chê trách họ cũng không được, vì đó là những trường hợp thứ nhất minh chứng rằng ảnh hưởng của xã hội lớn hơn ảnh hưởng của gia đình. Sự hòa hợp nhiều dòng máu, có những đứa trẻ sinh ra mang trong thân thể của mình bốn, năm dòng máu, trong đó có gốc Việt, là một điều tốt cho nhân loại, giảm bớt sự kỳ thị chủng tộc. Hy vọng còn lại là một ngày nào đó, biết đâu, qua một sự kiện đòn bẩy nào đó, thì cái tình cảm "Việt" sẽ sống lại trong những người có một chút gốc Việt ấy.

Mới đây một vài báo chí Pháp châm chọc bà Fleur Pellerin, Bộ trưởng đặc trách về Công ty hạng trung, Sáng tạo và kinh tế vi tính (Ministre Déléguée chargée des PME, de l'Innovation et de l'Économie numérique) trong chính phủ Hollande/Ayrault, vì bà là người gốc Đại Hàn, nhưng được nhận làm con nuôi lúc mới được 6 tháng và tâm hồn bà là một tâm hồn Pháp thuần túy. Ở Đức, sự kiện tương tự là ông Philipp Rösler, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Khoa học kỹ thuật kiêm nhiệm Chủ tịch Đảng FDP, cũng là người gốc Việt nhưng mang tâm hồn Đức.

Trong thế hệ thứ hai, thứ ba, có những người Việt phân vân giữa hai cái gốc, gốc Việt của cha mẹ, của mình, và cái "gốc" nơi mình sinh ra và lớn lên. Người ta thường nói, qua kinh nghiệm và trải nghiệm rằng, tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành trong đời người là hai khoảng thời gian quan trọng nhất ghi "dấu ấn" về cảm giác, ấn tượng gốc tích của người ấy.

Lớp học tiếng Việt tại Pháp 

Những kỷ niệm, hoài niệm thuở nhỏ luôn luôn nuôi dưỡng tấm tình "hoài hương" về một nơi chốn xưa cũ trong tiềm thức. Hình ảnh một con đò, một cái cầu khỉ, một lũy tre, một cây đa, một cái bánh, một em bé… rất nhiều hình tượng nho nhỏ của quá khứ có thể làm cho người Việt bật khóc, thương nhớ quê hương, dù hai mươi năm, năm mươi năm qua đã không trở về quê cũ nữa.

Thì cũng như thế, thế hệ người Việt sinh ra ở nước ngoài, cũng mang nặng hình ảnh "quê hương" của nơi họ sinh ra, vườn trẻ, trường học, bạn bè, mùa hè, mùa đông, cùng những con đường mang nhiều kỷ niệm…

Tôi đã gặp vài bạn trẻ, họ có cảm tưởng là thiếu hạnh phúc vì phải học ngành học do cha mẹ lựa chọn, và bị ngăn cấm kết hôn với người sở tại. Họ là những người "phân vân" nhưng chính họ lại là những người kết hợp cả hai nền văn hóa. Phân vân vì họ là những người thường suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn và kết hợp những cái hay, cái tốt, cái đẹp của cả hai "bên". Trong nhà của họ là những thói quen thực hành của gia đình, của cha mẹ như tổ chức những ngày Tết, ngày giỗ, cúng vái, đi chùa, đám cưới, đám tang theo phong tục Việt Nam, những lần về du lịch Việt Nam đem về theo nhiều hình ảnh và ấn tượng về đất nước phong cảnh cũng như về những người Việt đang sống trên đất Việt… Ngoài đường của họ là bạn bè, người yêu, chồng vợ, gia đình, hàng xóm láng giềng, việc học hành thi cử, việc đi làm kiếm cơm, tương lai, thành đạt hay thất vọng, có chỗ đứng hay không có chỗ đứng nơi mình đang sống… Những yếu tố đó là những "sức nặng" của hai nền văn hóa Đông-Tây níu kéo, làm cho phân vân và kết hợp.

Có người, nhờ thời vận và hoàn cảnh thuận lợi, thì có quyết định trở về hẳn Việt Nam lập nghiệp, sinh sống. Có người, thiếu cơ hội, thiếu dịp may, không ai giúp đỡ, tạo cầu nối… thì không thể nào nghĩ đến việc "về" cả, nên việc định cư ở nước ngoài trở thành một quyết định cho cả đời người. Không thể vì thế, mà vội vã cho rằng họ là những người "mất gốc", như một thành kiến, một định kiến nặng nề. Chỉ nội số lượng kiều hối trên 9 tỉ đô la Mỹ (USD) do người Việt ở nước ngoài chuyển về nước trong năm 2011 cũng là một yếu tố đảm bảo rằng họ không phải là những người quên cội quên nguồn.

Khả năng và tiếp thụ

Mỗi người Việt ở nước ngoài có một hoàn cảnh riêng, một tâm tình riêng, trong một khung cảnh lấy quê người làm quê hương thứ hai của mình, từ châu Úc, châu Mỹ, châu Âu, châu Phi… đều là những môi trường sinh sống rất khác biệt nhau. Có người giàu, người nghèo, người rất thành đạt, người thất bại lâu dài. Nhiều gia đình "lực bất tòng tâm", dù trong thâm tâm có muốn cũng không có điều kiện để dạy dỗ con cháu theo kiểu Việt Nam. Không nên chê trách, ghét bỏ mà nên thông cảm.

Trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội Việt Nam vì thế mà lớn hơn trách nhiệm và bổn phận của từng người riêng lẻ. Các hình thức sinh hoạt cộng đồng, đông người, có giao tiếp, có quan hệ… đem lại nhiều ảnh hưởng, nhiều khuyến khích, động viên. Tiếp xúc và tiếp thụ trực tiếp tạo ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài hơn là qua mạng ảo. Cơ hội thì không thiếu, từ tết Nguyên Đán đến Rằm tháng Tám, Tết Trung Thu, từ lễ Phật đản cho đến đêm Giáng sinh, tết Tây… cho đến những đêm nhạc, đêm thơ, đêm văn hóa… Việc lựa chọn để tiếp thụ văn hóa Việt thì thuộc phạm vi cá nhân.  Xã hội tạo được một nền tảng văn hóa tốt, đặc sắc, thì mỗi cá nhân, là một "cánh tay nối dài", có thể lọc lựa trong cái vốn liếng xã hội đó những gì mình muốn truyền bá và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Học tiếng Việt tại Đức 

Những lớp dạy tiếng Việt ở nước ngoài là rất nên làm và rất nên giữ. Nên quý những bậc cha mẹ ráng sức đưa con, đưa cháu đến học. Nên trân trọng những thầy cô tự động tổ chức ở các nơi, lo lắng dạy học và những người học trò còn bập bẹ tiếng Việt. Nên động viên và giúp đỡ những người sáng tạo văn hóa Việt, những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, triết gia… luôn cả những người đầu bếp giữ gìn văn hóa ẩm thực Việt. Đó là vốn liếng tinh thần và văn hóa của dân tộc chúng ta về lâu về dài.

Nói cho cùng, và ở đâu cũng thế, tiếng Việt còn thì người Việt còn, ngôn ngữ của một dân tộc là thành trì văn hóa đầu tiên và cuối cùng của dân tộc ấy. Cứ còn một người nói được tiếng Việt, là còn có hy vọng. Mất một người không biết tiếng Việt, là mất đi một chút hy vọng.

Mathilde Tuyết Trần (Pháp)


Các tin khác

Tin tiêu điểm