Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào với phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức của TP Hồ Chí Minh

Với mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm khoa học công nghệ, kinh tế tri thức hàng đầu khu vực, sáng 13/11, Phiên Hội nghị chuyên đề 3 với chủ đề: “Kiều bào với phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức của TP Hồ Chí Minh” đã diễn ra với sự tham dự của hơn 100 đại biểu kiều bào là chuyên gia, trí thức có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), kinh tế tri thức.

Chủ trì Hội nghị chuyên đề 3 gồm có: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm; ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giáo sư Dương Nguyên Vũ, kiều bào tại Pháp và Giáo sư Nguyễn Đức Khương, kiều bào tại Pháp.

Khoa học công nghệ, kinh tế tri thức - Động lực phát triển TP Hồ Chí Minh

Phát biểu dẫn đề Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đặt ra mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh “sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KHCN của khu vực Đông-Nam Á”, trong đó xác định: “Phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức; ưu tiên đầu tư cho KHCN so với các lĩnh vực khác; gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất – kinh doanh”. Một trong những chỉ tiêu tổng hợp là nâng tốc độ tăng năng suất lao động từ 5.6% lên 6.5%, và chỉ số đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) từ 32% lên hơn 35%. Để thực hiện mục tiêu trên, kế hoạch hành động về KHCN và đổi mới sáng tạo của TP sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Hoạt động nghiên cứu phát triển gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP; Thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Phát triển tiềm lực KHCN và Phát triển thị trường công nghệ.

Tại Hội nghị chuyên đề này, các đại biểu đã cùng trao đổi, giải quyết các vướng mắc, lựa chọn và đầu tư cho các lĩnh vực nghiên cứu, KHCN tiên tiến, có tính đột phá để sớm đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm KHCN, kinh tế tri thức phát triển trong khu vực.

Theo GS Hồ Tú Bảo, kiều bào tại Nhật, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), từ vài chục năm lại đây các bệnh viện đều có hệ thống thông tin bệnh viện. Các hệ thống thông tin bệnh viện ở thời đầu của công nghệ thông tin thường khá đơn giản, được tạo ra và dùng để quản lý bệnh viện và người bệnh với những dữ liệu cơ bản, và luôn được cải tiến hoặc thay bởi các hệ thống thông tin bệnh viện có những chức năng mới theo sự tiến bộ rất nhanh của công nghệ thông tin. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cần triển khai áp dụng các hệ thống thông tin bệnh viện hiện đại, đây là những hệ thống thông tin phức tạp với ba nhóm chức năng mới: Kết nối ba yếu tố viện phí, thuốc điều trị và bảo hiểm y tế cho người bệnh; Sử dụng hiệu quả dữ liệu cận lâm sàng (dữ liệu xét nghiệm, siêu âm, nội soi, X-quang, CT scan, MRI...); Xây dựng và khai thác sử dụng bệnh án điện tử.

Để xây dựng nền kinh tế tri thức phát triển tại TP Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Đăng Bằng, kiều bào tại Anh, cho rằng cần xây dựng hạt nhân tri thức của hệ sinh thái tức là xây dựng một trường đại học nghiên cứu mới hoàn toàn, đây sẽ làm trung tâm nghiên cứu và là hạt nhân công nghệ, trong đó ưu tiên thu hút nghiên cứu sinh là người Việt ở nước ngoài, hoặc người nước ngoài. Nơi đây sẽ xây dựng một số mũi nhọn nghiên cứu như: Công nghệ sinh học, Phần mềm và trí tuệ nhân tạo, Vật liệu cao cấp, Điện tử, Cơ khí chính xác - chế tạo máy… Ngoài ra, cần nghiên cứu và xây dựng hệ thống các tổ chức hỗ trợ như: Trung tâm khởi nghiệp công nghệ cao, Quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn sơ khởi, Quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn sau…

Liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ, TS Mai Xuân Lý, kiều bào tại Ba Lan, hiện đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP Hồ Chí Minh kiến nghị Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cần quan tâm đúng mức tới khoa học cơ bản; Tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, kỹ thuật giỏi nước ngoài (không nhất thiết là Việt kiều) tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất ở Việt Nam; Có những chính sách phù hợp hơn với thực tế phát triển khoa học và công nghệ tính toán; Tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt kiều cảm thấy mình là chủ chứ không phải là khách trên quê hương của mình…

Kiều bào góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm khoa học công nghệ, kinh tế tri thức

Tại Hội nghị chuyên đề này, các tham luận xoay quanh một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, trí thức kiều bào, bao gồm: những thành tựu và khả năng ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến; mối liên hệ hữu cơ giữa công nghiệp, đại học và giáo dục; cơ chế chuyển giao công nghệ; tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học; đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; các chính sách, biện pháp thu hút, trọng dụng trí thức kiều bào nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế-xã hội TP Hồ Chí Minh trong hội nhập kinh tế quốc tế...

Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu mang tính xây dựng và thực tiễn cao. Thông qua việc đối thoại, trao đổi sau mỗi tham luận, các đại biểu đều nhất trí cho rằng muốn phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, TP Hồ Chí Minh cần chú trọng phát triển các lĩnh vực mũi nhọn; lưu ý đến tình hình đặc thù của TP; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng một số ngành công nghệ như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ y sinh, công nghệ năng lượng, công nghệ tính toán…; đầu tư phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm...

Để khoa học-công nghệ thực sự trở thành động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiến dần tới nền kinh tế tri thức, đưa TP Hồ Chí Minh phát triển thành trung tâm khoa học công nghệ, các đại biểu cho rằng vai trò của kiều bào chiếm vị trí rất quan trọng.

Ông Lê Vũ Hải, kiều bào tại Úc, cho biết: Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành nhiều phương hướng để thu hút các giáo sư Việt Nam ở nước ngoài trở về để đóng góp vào sự phát triển của Thành phố. Đây là việc rất nên làm, nhưng những hoạt động hiện nay chủ yếu xoay quanh việc tạo điều kiện cho các giáo sư kiều bào tham gia xây dựng và đào tạo nhân lực nhưng không chú trọng đến việc gắn liền đội ngũ này với nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ mới ở Việt Nam. Tôi kiến nghị rằng việc thu hút chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài để đào tạo và làm công trình khoa học ở Việt Nam không phải chỉ để đào tạo cán bộ KHKT với đầu ra là các bài báo nghiên cứu trên các tạp chí trong nước và trên thế giới, mà còn phải gắn liền với chuyển giao và phát triển công nghệ mới cho phù hợp với môi trường ở Việt Nam. Cụ thể hơn, TP nên thu hút giáo sư kiều bào để tham gia xây dựng, đào tạo nhân lực đồng thời làm chuyên viên trong việc chuyển giao, phát triển công nghệ ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu trong những lĩnh vực KHKT với sự tham gia của giáo sư kiều bào ngoài nghiên cứu cơ bản phải gắn liền với phát triển công nghệ để giải quyết những vấn đề cấp bách mà TP quan tâm.

Nhiều trí thức kiều bào bày tỏ mong muốn tham gia đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về nước làm việc để đóng góp chất xám của mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước; sẵn sàng làm cầu nối để giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nên dành ngân sách ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu hiện đại để các trí thức kiều bào có môi trường làm việc tốt nhất có thể. Ngoài ra, cần xây dựng nhóm chuyên gia đầu ngành nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân trong quá trình tham gia xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học tại TP Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Quốc Bình cho rằng để phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tri thức tại TP Hồ Chí Minh cần nhiều yếu tố, trong đó một yếu tố quan trọng là sự giúp đỡ của Lãnh đạo Thành phố, các sở, ban ngành của Thành phố phải coi xây dựng phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ của mình, hỗ trợ tối đa các chính sách ưu tiên khác nhau cho dự án như: ưu tiên bố trí vốn, mặt bằng, học bổng đào tạo nước ngoài cho cán bộ Trung tâm, lương bổng cho chuyên gia, cho các nhà khoa học… để dự án được thành công.

Tổng kết Hội nghị chuyên đề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: Hội nghị đã nghe các bài tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu trình bày các nội dung về hệ sinh thái của kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các giải pháp đưa TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, trung tâm kinh tế tri thức của khu vực… Đây là những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của các kiều bào đối với TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị đã đưa ra những khuyến nghị, đề xuất cụ thể, tập trung vào các nhóm vấn đề: xây dựng một môi trường sinh thái cho nền kinh tế tri thức; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thu hút, vận động trí thức kiều bào...

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các khuyến nghị của đại biểu, phối hợp với TP Hồ Chí Minh để sớm triển khai những giải pháp thiết thực nhất.

Thủy Trần


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm