Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế
Trải qua 41 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, to lớn, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Để đạt được những thành tựu to lớn, cơ bản và toàn diện đó, Thành phố không thể thiếu sự đóng góp của kiều bào.
Cách đây 105 năm, từ Thành phố này, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và vô vàn kính yêu - với lòng yêu nước nồng nàn và nghị lực phi thường cùng với hoài bão cách mạng cháy bỏng, đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Mảnh đất này cũng đã ghi dấu thời khắc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Cách đây 40 năm, Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã vinh dự được chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua 41 năm xây dựng và phát triển, Thành phố đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, to lớn, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện là đầu tàu kinh tế của cả nước, là hạt nhân của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai chủ trương hội nhập quốc tế. Trong nhiều năm qua, Thành phố luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, trung bình hàng năm đóng góp khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 44% dự án đầu tư nước ngoài, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thành phố còn là cửa ngõ giao lưu quốc tế năng động của Việt Nam với việc thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế với 41 địa phương nước ngoài khắp năm châu; và hơn 6.300 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư là 40,86 tỷ USD.([1]) Ngoài ra, Thành phố còn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, với việc thành lập Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ Cao - SHTP, Khu Nông nghiệp Công nghệ Cao, Trung tâm Công nghệ sinh học.
Thành phố Hồ Chí Minh với công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Để đạt được những thành tựu to lớn, cơ bản và toàn diện, Thành phố không thể thiếu sự đóng góp của kiều bào. Vì vậy, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được Thành phố đặc biệt xem trọng và luôn được triển khai toàn diện và mạnh mẽ với nhiều nội dung phong phú và hình thức đa dạng.
Cụ thể, Thành phố đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình trong nước và Thành phố đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo Thành phố với kiều bào, nhất là các doanh nghiệp kiều bào, nhằm cập nhật tình hình đầu tư kinh doanh của kiều bào, đồng thời giúp bà con tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ quen thuộc để kiều bào và thân nhân liên hệ tìm hiểu các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, lao động, lưu trú, quốc tịch,…
Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, Thành phố tổ chức Chương trình Họp mặt Kiều bào mừng Xuân nhằm cập nhật cho bà con kiều bào về tình hình phát triển của Việt Nam và Thành phố, qua đó tăng niềm tin và niềm tự hào của bà con đối với những thành quả đổi mới và phát triển của quê hương, đất nước. Đồng thời, Thành phố tổ chức nhiều sự kiện và lễ hội nhằm giúp bà con có những ngày xuân ấm áp bên gia đình. Hàng năm, Thành phố tổ chức “Trại hè Thanh thiếu niên Kiều bào và Tuổi trẻ Thành phố” dành cho thanh thiếu niên kiều bào về thăm quê hương. Trại hè đã thực sự tạo ra sân chơi bổ ích, giúp các em hiểu biết nhiều hơn về lịch sử vẻ vang và các giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời tăng cường sự kết nối giữa các em và các bạn trẻ Thành phố.
Đặc biệt, Thành phố đã chủ động kiến nghị với Trung ương nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào khi trở về sinh sống và làm việc tại quê hương, như: miễn thị thực, việc giữ quốc tịch Việt Nam, chính sách nhà cửa, cư trú, đi lại,… Việc gia tăng đều đặn các dự án đầu tư của kiều bào tại Thành phố, cũng như lượng kiều hối chuyển về đã khẳng định các thành quả của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tích cực triển khai. Theo ước tính, trong tổng số hơn 1100 doanh nghiệp do NVNONN đầu tư trên phạm vi cả nước với tổng số vốn đăng kí gần 40 ngàn tỉ đồng ([2]) (chưa tính đến số lượng doanh nghiệp của NVNONN chuyển đổi sang hình thức đầu tư trong nước), thì số doanh nghiệp kiều bào đầu tư tại TP Hồ Chí Minh đã chiếm từ 80-85%; 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn của kiều bào với tổng vốn đầu tư trên 260 triệu USD.([3]) Hàng năm, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh chiếm gần 50% của cả nước, tăng trung bình từ 10% - 15% mỗi năm;([4]) 9 tháng năm 2016 đạt 2,85 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ. Ngoài ra, hiện nay có hàng trăm chuyên gia, trí thức kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Thành phố, đặc biệt là các giáo sư, tiến sĩ kiều bào đang tham gia cố vấn, nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học của Thành phố.
Thành phố không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào trở về thăm, sinh sống và làm việc tại quê hương, đất nước mà còn quan tâm, chia sẻ với một bộ phận kiều bào ta có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại Campuchia và Lào. Kiều bào ta tại các nước đã đồng hành cùng Thành phố trong các việc làm ý nghĩa này, cũng như trong việc triển khai các hoạt động xã hội, từ thiện như: cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ bà con vùng thiên tai, xây dựng nhà tình thương,…
Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố ra sức phấn đấu “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. Thành phố xác định bốn ngành công nghiệp trọng điểm([5]) và chín ngành dịch vụ([6]), cùng với bảy chương trình đột phá([7]), nhằm đưa Thành phố không ngừng phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Vì vậy, tiếp nối thành công của Chương trình “Xuân Quê hương 2015 - Tổ quốc Vinh quang”, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp tổ chức Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” nhằm lắng nghe ý kiến của kiều bào trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu nêu trên. Hội nghị được tổ chức thành bốn phiên trao đổi chuyên đề về: (1) các vấn đề phát triển bền vững, (2) nguồn nhân lực và giáo dục; (3) khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức; và (4) đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ.
Qua Hội nghị, Lãnh đạo Thành phố mong muốn huy động, phát huy trí tuệ của chuyên gia, trí thức và doanh nhân kiều bào hiến kế, chung sức tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả cho các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của thành phố. Tâm huyết và những đề xuất của kiều bào tại Hội nghị sẽ là những đóng góp quý giá cho sự phát triển không ngừng của thành phố mang tên Bác./.
Lê Thanh Liêm
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TPHCM
----------------
Chú thích:
[1] Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
[3] Website Báo Điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Doi-song/Nguon-luc-to-lon-cua-cong-dong-nguoi-Viet-o-nuoc-ngoai/247069.vgp.
[4] Webiste Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, http://ubvk.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/hoat-dong-co-quan.
[5] 04 ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm: (1) Cơ khí chế tạo; (2) Điện tử - công nghệ thông tin; (3) Hóa chất - cao su - nhựa; và (4) Chế biến tinh lương thực thực phẩm;
[6] 09 ngành dịch vụ bao gồm: (1) Thương mại; (2) Trung tâm Tài chính (ngân hàng - thị trường vốn); (3) Dịch vụ (kho vận - cảng); (4) Khoa học công nghệ; (5) Bất động sản (xây dựng đô thị mới; nhà ở, thị trường cho thuê; thế chấp); (6) Viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng; (7) Du lịch; (8) Giáo dục chất lượng cao; và (9) Y tế kỹ thuật cao.
[7] 07 chương trình đột phá gồm: (1) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (2) Cải cách hành chính; (3) Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; (4) Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; (5) Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; (6) Giảm ô nhiễm môi trường; và (7) Chỉnh trang và phát triển đô thị.