Công tác giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN: Những vấn đề đặt ra
Đầu tư cho văn hóa, giáo dục chính là đầu tư thiết thực cho sự phát triển của kinh tế bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hòa nhập và quốc tế hóa hiện nay. Dưới góc độ văn hóa, làm tốt công tác văn hóa sẽ góp phần quan trọng vào công tác vận động cộng đồng NVNONN, vì với số lượng hơn 4 triệu người sinh sống ở trên 103 nước và vùng lãnh thổ, cộng đồng NVNONN không chỉ là đối tượng thụ hưởng những chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mà đồng thời còn là đối tượng tích cực tham gia vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, duy trì tiếng Việt và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
|
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa Việt Nam là một dòng chảy liên tục, phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước. Nền văn hóa Việt Nam vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa tiên tiến hiện đại hiện nay là kết quả của sự giao lưu, tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh, văn hóa thế giới để phát triển, hoàn thiện nền văn hóa của chính mình. Đây là niềm tự hào và là gia tài vô giá mà quê hương dành tặng cho mỗi người con dân Việt, không những chỉ được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở trong nước mà còn được cộng đồng trên 4 triệu đồng bào ta đang sinh sống và học tập tại trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ nâng niu, gìn giữ. Nó cũng là sợi dây vô hình, nhưng bền chặt gắn kết bao thế hệ người Việt Nam cùng chung một tổ tiên, nguồn cội.
Như một “tấm giấy thông hành” để mỗi người con đất Việt khi bước ra với thế giới mà không bị trộn lẫn, người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn cảm nhận văn hóa dân tộc chính là những “khoảng trời xanh”, là bóng mát đem lại cho họ sự bình yên trong tâm hồn khi sinh sống và hòa nhập với xã hội xa lạ, nhất là trong những ngày đầu định cư. Tuy sống xa đất nước, nhưng đối với họ, giá trị văn hóa truyền thống chính là mạch hồn quê hương đem lại sức mạnh gắn kết giữa các cá thể, các gia đình với nhau để tạo nên một cộng đồng đoàn kết, biết thương yêu đùm bọc nhau, và cùng nhau hướng về quê hương, nguồn cội.
|
Mối quan tâm chung của cộng đồng
Ý thức rõ việc bỏ mất văn hóa truyền thống của chính mình đồng nghĩa với việc tự chấp nhận cách nhìn thiếu tôn trọng của các cộng đồng tương cận và của giới chức sở tại, người Việt ở bên ngoài luôn tìm cách giữ gìn và giáo dục con cháu về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp và ngôn ngữ Việt. Có tận mắt chứng kiến và cùng trải nghiệm cuộc sống của người Việt ở bên ngoài mới thấy hết sức sống mạnh mẽ của những giá trị văn hóa truyền thống. Hầu hết các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài đều có bàn thờ tổ tiên, ông bà với không gian thờ cúng được bài trí theo phong tục, tập quán Việt Nam, duy trì truyền thống kính trên, nhường dưới, tôn trọng thứ bậc... Các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới luôn coi trọng và duy trì các lễ hội truyền thống, văn hóa tâm linh, nấu và phổ biến các món ăn mang đậm hương vị quê nhà... Các hoạt động này không chỉ làm thỏa mãn nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ, mà quan trọng hơn thông qua đó các bậc phụ huynh còn dạy cho con em mình biết đạo lý uống nước nhớ nguồn, có hiếu với ông bà, cha mẹ, từ đó thêm tự hào và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Việt.
Qua ý thức giữ gìn phong tục tập quán mang tính kế thừa từ ông bà, cha mẹ đến lớp con cháu cả trong phạm vi gia đình và cộng đồng, NVNONN luôn nhắc nhở, giáo dục con cháu về nguồn gốc tổ tiên, truyền thống yêu nước, thương nòi, trọng nghĩa tình, thủy chung, hiếu thảo với cha mẹ, biết ơn tiên tổ. Đặc biệt, khi khó khăn, hoạn nạn, cộng đồng người Việt đã gắn kết, giúp đỡ nhau vươn lên nơi xứ người, từ đó tạo dựng hình ảnh đẹp về con người Việt Nam giàu lòng nhân ái và mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam. Đấy cũng là lúc người Việt bên ngoài thấm thía nhất hai chữ đồng bào.
Cùng với việc triển khai chính sách hội nhập sâu rộng, hiện nay quan hệ mọi mặt giữa ta và các nước ngày càng phát triển, vị thế và vai trò của Việt Nam cũng khác trước, số lượng kiều bào về thăm quê hương, đầu tư về nước ngày một tăng… Cộng đồng NVNONN ngày càng được các nước sở tại coi trọng, đồng bào ta càng thêm tự hào và quyết tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là để đáp ứng ý thức về cội nguồn trong thế hệ kiều bào trẻ. Có một thực tế là trong những năm gần đây chúng ta thường gặp, trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, câu hỏi của giới trẻ NVNONN về cội nguồn, bản ngã của mình. Đây là một trong những lý do khiến cho trong 5 năm gần đây nhu cầu học tiếng Việt, mong muốn phát triển tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng cao và các bậc phụ huynh ngày càng mong muốn con em mình có thể biết và sử dụng thành thạo tiếng Việt.
|
Những khó khăn và thách thức
Là người Việt, ai cũng nuôi dưỡng trong mình tình yêu Tổ quốc, không ai muốn mất gốc, cho nên bằng mọi cách, các thế hệ NVNONN đều cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết là giữ gìn tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là cùng với nỗ lực hòa nhập vào xã hội sở tại, cùng với những nỗ lực tìm kiếm và khai thác các cơ hội để mưu sinh, lập nghiệp thì những yếu tố văn hóa dân tộc có thể cũng dần bị phai nhạt. Quá trình đó diễn ra tự nhiên, xuất phát từ sức ép của hội nhập văn hóa sở tại, từ những khó khăn của cuộc sống hàng ngày mà không còn thời gian quan tâm đầy đủ đến việc giữ truyền thống văn hóa dân tộc, và duy trì tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo.
Trong các nét văn hóa truyền thống thì ngôn ngữ có lẽ là một trong những điều khó bảo tồn nhất ở môi trường nước ngoài. Để thích nghi với cuộc sống nơi quê người, rõ ràng tiếng nói của nước nơi mình trú ngụ đối với người Việt là rất quan trọng và cần thiết. Ngôn ngữ chính để giao tiếp ngoài xã hội là tiếng sở tại. Vì thế, có rất nhiều người Việt Nam sinh ở nước ngoài nói không sõi tiếng Việt, ngược lại họ nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái Lan… rất thành thạo.
|
Một thực tế khác là hiện nay phần đông những NVNONN sử dụng tiếng Việt tốt hoặc khá đang dần già đi, trong khi đó nhiều thanh, thiếu niên kiều bào, từ thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi, sinh ra và lớn lên ở nước sở tại không nói được tiếng Việt. Những bạn trẻ này cũng hiểu biết ít về văn hóa Việt Nam dù rằng ý thức “uống nước nhớ nguồn” vẫn hiện diện trong tâm thức họ.
Cùng với nguy cơ đó là các bất cập hiện nay của các chương trình phổ biến, truyền bá, trong đó có việc dạy và học tiếng Việt, như phương pháp tiếp cận, phương pháp sư phạm, ngôn ngữ chuẩn và phương ngữ, giáo trình dạy tiếng... Ngoài ra, tại hầu hết các quốc gia lực lượng giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào hiện vẫn đang còn rất thiếu. Phong trào dạy học tiếng và văn hóa Việt diễn ra mang tính tự phát, lẻ tẻ, thiếu đồng bộ, đòi hỏi cần gấp nỗ lực hỗ trợ về tiếng Việt cho kiều bào trên cơ sở triển khai một đề án toàn diện, có tính chiến lược từ trong nước. Sự tranh giành ảnh hưởng giữa các cơ sở dạy tiếng Việt ở bên ngoài và việc còn một số tổ chức, cá nhân tìm cách lợi dụng việc dạy và học tiếng Việt vì các mục tiêu chống đất nước, chống dân tộc là những vấn đề nhức nhối khác.
Làm sao để giữ gìn tiếng Việt trên xứ người, giữ gìn và truyền lại văn hóa, tâm hồn Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba và các thế hệ tiếp sau? Đây chính là mối ưu tư hàng đầu của những bậc phụ huynh Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất. Lo lắng chính đáng của họ là con em mình không nói được tiếng Việt, không đọc được tiếng Việt, không viết được tiếng Việt, thì nguy cơ cây cầu nối với tổ tiên, nguồn cội không còn nữa.
Làm sao để thế hệ kế tiếp giỏi giang, thành đạt nơi đất nước mà họ được sinh ra, ý thức được mình vẫn là một người con của dân tộc Việt, tấm lòng vẫn luôn hướng về cội rễ, tổ tiên? Làm sao để văn hóa Việt theo dòng thời gian khi thế hệ thứ nhất vĩnh viễn về với cát bụi, sẽ không bị đồng hóa và chìm vào văn hóa xứ người?
Đây là những câu hỏi không dễ trả lời. Điều này cần rất nhiều bàn tay, khối óc, tâm sức của mỗi người Việt Nam cùng vun đắp, nuôi dưỡng, truyền dạy văn hóa Việt và tiếng Việt cho các thế hệ tiếp nối.
|
Sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước
Từ lâu, nhất là từ khi tiến hành công cuộc Đổi Mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh một trong những trọng tâm của công tác đối với NVNONN là củng cố và phát triển toàn diện cộng đồng nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng trong cả nhận thức và hiểu biết về văn hóa, lịch sử đất nước, truyền thống dân tộc, đặc biệt là bảo tồn, phát triển và thúc đẩy việc học tiếng Việt khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ nơi bà con kiều bào ta sinh sống. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thiết thực và hiệu quả đã được nêu ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, trong Chương trình hành động của Chính phủ và các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết và đặc biệt trong Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg ngày 6/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ về công tác đối với NVNONN.
Nhiều bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động hết sức phong phú và đa dạng hỗ trợ kiều bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc như: xây dựng trang web riêng hoặc có chuyên mục riêng trong trang web của mình dành cho kiều bào, trong đó phần thông tin văn hóa, dạy tiếng Việt chiếm một vai trò quan trọng; thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số nước; tổ chức thường xuyên các đoàn văn nghệ đi biểu diễn phục vụ cộng đồng tại những địa bàn có đông kiều bào sinh sống như Bắc Mỹ, Châu Âu, Thái Lan…; tổ chức thành công các chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, “Tuần lễ Văn hóa”, “Ngày Văn hóa Việt Nam” ở nhiều nước... Qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đầy ý nghĩa như vậy bà con kiều bào có cơ hội giao lưu với nhau, tăng cường đoàn kết, gắn bó với bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương, nguồn cội. Các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật cũng là dịp để kiều bào thêm tự hào và giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đẹp, đặc sắc trong truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời của dân tộc. Những hoạt động này đã thực sự trở thành những món ăn tinh thần cho cộng đồng và là cầu nối để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới cộng đồng sở tại và bạn bè thế giới.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã đề xuất nhiều biện pháp, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng NVNONN ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội sở tại và hướng về quê hương, đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho kiều bào hiểu biết nhiều hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước, về sự thay đổi của đất nước, về những giá trị văn hoá, truyền thống của dân tộc.
|
Bên cạnh những hoạt động có tính chất thường niên được tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước như Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh, Ngày Thương binh Liệt sỹ…, tạo điều kiện cho kiều bào hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên và các anh hùng liệt sỹ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Uỷ ban cũng chú trọng đến các hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của kiều bào thông qua việc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức lễ cầu siêu tại những địa danh lịch sử như: Côn Đảo, Đường Chín (Quảng Trị), Kỳ Anh (Nghệ An), Nghĩa trang Điện Biên, Nghĩa trang Tân Biên-Tây Ninh… cũng như phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử các đoàn hoằng dương Phật pháp ra nước ngoài tổ chức các hoạt động Phật sự đáp ứng nhu cầu của đông đảo kiều bào theo đạo Phật.
Thế hệ trẻ kiều bào cũng là đối tượng được Ủy ban Nhà nước về NVNONN đặc biệt quan tâm. Từ năm 2004 đến nay, Ủy ban tổ chức đều đặn “Trại hè Việt Nam” hàng năm với nhiều hoạt động phong phú tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử văn hóa dân tộc, giao lưu với thanh niên, sinh viên trong nước, trực tiếp thực hành tiếng Việt...
Tại Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt” do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức trong tháng 9/2011, một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng NVNONN thời gian tới đã được đưa ra như: thành lập hệ thống các Nhà văn hóa Việt Nam có tầm vóc tại các nước và phát huy hiệu quả vai trò của các Nhà văn hóa để biến đây thực sự trở thành nơi tập trung trí tuệ và tình cảm của người Việt Nam sống ở nước sở tại; có những chính sách để khuyến khích hơn nữa giới trí thức kiều bào nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, tạo điều kiện và khả năng cho trí thức kiều bào tiếp cận các nguồn tư liệu phong phú ở trong nước, nghiên cứu việc kết nạp các nhà báo, nhà văn kiều bào vào các Hội nghề nghiệp tương ứng; tăng cường cung cấp các sản phẩm văn hóa phù hợp với cộng đồng đa dạng khác nhau. Đồng thời, quảng bá rộng rãi ra bên ngoài các tác phẩm và ấn phẩm văn hóa Việt Nam có giá trị cao và xuất bản các ấn phẩm văn hóa Việt Nam bằng tiếng nước ngoài để các thế hệ trẻ kiều bào có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với văn hóa Việt Nam; tăng cường đầu tư xây dựng các chương trình phát thanh truyền hình hướng ra bên ngoài, đặc biệt chú trọng đến cộng đồng NVNONN; đầu tư, tài trợ cho các hoạt động chuyên biệt cho kiều bào nhằm mục đích bảo tồn văn hóa, tiếng Việt; hỗ trợ nhiều hơn nữa việc đưa các đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ cộng đồng; tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật như triển lãm tranh, thi thơ ca, kể truyện…
|
Trong hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn bản sắc văn hóa và dân tộc, Ủy ban xác định việc dạy và học tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lâu dài trong công tác cộng đồng, nhất là đối với thế hệ trẻ kiều bào. Ủy ban đã chủ động xây dựng Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN từ nay đến năm 2020”, trong đó công tác tiếng Việt có nội hàm bao gồm việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, truyền bá tiếng Việt mới nhằm duy trì tiếng Việt, gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc cho NVNONN, xây dựng phong trào học và phổ biến tiếng Việt, phát triển mạng lưới dạy và học tiếng Việt của NVNONN, đồng thời góp phần truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai thực hiện Đề án, Uỷ ban đã xây dựng Dự án “Thí điểm đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở Lào, Campuchia, Nga, Séc, Mỹ và Canada”. Trong tháng 5/2010, Uỷ ban đã triển khai thực hiện tại Vientiane (Lào) và Phnompenh (Campuchia). Các hoạt động thí điểm được Đại sứ quán và cộng đồng đánh giá là thiết thực và bổ ích, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trước những trăn trở về việc truyền lại tiếng Việt, văn hoá Việt cho thế hệ trẻ kiều bào, đồng thời cung cấp cho các giáo viên tiếng Việt tại đây những nhận thức mới về công tác này.
Đầu tư cho văn hóa, giáo dục chính là đầu tư thiết thực cho sự phát triển của kinh tế bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hòa nhập và quốc tế hóa hiện nay. Dưới góc độ văn hóa, làm tốt công tác văn hóa sẽ góp phần quan trọng vào công tác vận động cộng đồng NVNONN, vì với số lượng hơn 4 triệu người sinh sống ở trên 103 nước và vùng lãnh thổ, cộng đồng NVNONN không chỉ là đối tượng thụ hưởng những chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mà đồng thời còn là đối tượng tích cực tham gia vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, duy trì tiếng Việt và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Nguyễn Hà Linh
Vụ Thông tin - Văn hóa
Ủy ban Nhà nước về NVNONN