Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc – Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước
Chiều 27/9 và sáng 28/9, trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai, Hội nghị chuyên đề với chủ đề “Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc – Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tham dự Hội nghị có 200 đại biểu là các học giả, nhà văn hóa, giáo dục, hoạt động xã hội, từ các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Các đại biểu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, đóng góp ý kiến vì một mục đích chung là làm sao tạo điều kiện, cơ hội tốt hơn nữa để người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, hòa nhập xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếng Việt, hướng về quê hương, đất nước; đồng thời chung tay, góp sức với đồng bào trong nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Qua các phiên thảo luận, với hơn 30 báo cáo, tham luận và phát biểu, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các nội dung: Đánh giá kết quả công tác thông tin-văn hóa, công tác tiếng Việt cho cộng đồng từ sau hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đến nay; Chia sẻ tình hình, thuận lợi, khó khăn và các kinh nghiệm hoạt động, biện pháp nhằm giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hoá, tiếng Việt, công tác thông tin truyền thông của cộng động người Việt Nam ở nước ngoài; Đề xuất, kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực này.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc
|
Theo Giáo sư Vũ Đức Vượng (Hoa Kỳ), bản sắc văn hóa của người Việt là những gì có thể làm chúng ta hãnh diện khi nhìn vào trong gương hoặc đem ra chia sẻ cùng nhân loại. Và quan trọng hơn cả: những gì chúng ta truyền lại cho con cháu chúng ta mà không cảm thấy ngượng với hậu thế. Ông cho rằng có vài điểm “son” trong kho tàng văn hóa Việt ở thời điểm này: một bản sắc lâu đời nhất mà ta biết được là bình đẳng giới; một nghệ thuật độc đáo nhất là múa Rối nước và một món ăn tượng trưng cho người Việt ta là phở. Theo ông, từ thời nguyên sơ, phụ nữ Việt đã có sự bình đẳng. Được thể hiện qua câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long Quân. Ngoài việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy. Ông cũng cho rằng, Rối nước là nghệ thuật hoàn toàn của người Việt. Bởi Rối nước ra đời ở các làng mạc miền đồng bằng sông Hồng khoảng thế kỷ 11. Còn phở tượng trưng cho một bản chất của người Việt. Theo ông, phở nằm trong danh sách các món chúng ta mượn rồi biến chế thành một món ăn đặc trưng của chúng ta, đến nỗi ngày nay đi khắp nơi trên thế giới hầu hết ai cũng có thể nhận ra đây là món ăn Việt. Nhiều nước còn nhận chữ “phở” vào trong từ vựng của họ như một danh từ mới. Phở còn là biểu tượng những làn sóng di dân của người Việt trong thế kỷ trước: từ năm 1954, phở “nam tiến” rồi tiếp thu thêm các rau thơm của miền Nam để đến nay bát phở Pasteur và bát phở Bát Đàn, tuy thực chất không khác gì nhau mấy nhưng không ai không nhận ra là từ miền nào. Rồi từ năm 1975 trở đi, người Việt ta đã xuất khẩu phở ra khắp thế giới, như một lời chào đầu tiên khi chúng ta gặp mọi người: Chúng tôi đến từ Việt Nam! Không ai phủ nhận là trong kho tàng văn hóa Việt còn rất nhiều các “món” khác, cũng hấp dẫn, cũng đặc sắc, và cũng cần được bảo tồn, phát huy như ca dao truyền khẩu, lòng yêu nước, tình yêu, lòng hiếu học, tính hài hòa với thiên nhiên, hoặc một nồi cá bông lau kho tộ, một khúc hát Trịnh Công Sơn, một câu thơ Hồ Xuân Hương hay một câu vè dí dỏm không biết ai sáng tác... Công việc to lớn này là việc của cả nước, cả dân tộc. Ở đây ông chỉ giới hạn vào ba “đặc sản” kể trên.
Cộng đồng người Việt Nam dù ở nơi đâu trên thế giới đều luôn luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, quê hương; quan tâm bảo tồn bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc. Cho đến nay, các cộng đồng dân tộc khác ở các nơi trên thế giới đều đánh giá cao bản sắc, truyền thống văn hóa của cộng đồng người Việt Nam với những thể hiện độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc qua các loại hình văn hóa, nghệ thuật, phong tục, ẩm thực, lối ứng xử. Để có thể lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam ở nước ngoài, các đại biểu dự Hội nghị đã nêu lên các khuyến nghị rất cụ thể. Trong đó có ý kiến là Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trong cộng đồng NVNONN bằng việc thành lập thêm các trung tâm, nhà văn hóa Việt Nam ở các nước, cử các đoàn văn nghệ, văn hóa đi phục vụ cộng đồng trong những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại như: ngày, tuần văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, các hoạt động triển lãm văn hóa Việt để giới thiệu, quảng bá đến cộng đồng người Việt và thế giới. Nhà nước cần hỗ trợ thêm cả về định hướng lẫn công tác tổ chức và cơ sở vật chất cho hoạt động của các hội, đoàn tại những địa bàn khó khăn và tạo điều kiện để các hội người Việt Nam ở các nước được hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục, thể thao với nhau và với các đoàn thể trong nước, qua đó tăng cường tình đoàn kết, sự học hỏi và hiểu biết lẫn nhau.
Cần có chính sách tổng thể trong việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN
|
PSG. TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: Ở hầu hết các địa bàn, nhất là ở những cộng đồng có 3-4 thế hệ cùng chung sống, lại đang diễn ra sự giằng co gay gắt giữa một bên là nhu cầu hội nhập để ổn định cuộc sống ở quốc gia sở tại với một bên là nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt việc duy trì tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh trưởng ở nước ngoài đang là một thách thức rất lớn. Và vấn đề cần quan tâm giải quyết là với thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt Nam sống ở nước ngoài, việc lưu giữ, trao truyền tiếng Việt đang đặt ra những vấn đề không thể không giải quyết. Trong thế hệ trẻ NVNONN, hiện tượng không nói và viết được được tiếng mẹ đẻ không còn là cá biệt. Trong khi đó tiếng nói và chữ viết của cộng đồng không sinh sống ở nơi đất gốc là yếu tố quan trọng để giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Nếu không nói và viết được tiếng mẹ đẻ thì rất khó giữ gìn được bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.
Trong bối cảnh giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài đang là vấn đề được cộng đồng quan tâm, trăn trở, nhiều ý kiến cho rằng rất cần có một chính sách tổng thể, nhất quán từ trong nước để công tác này được triển khai đúng hướng, có bài bản và đạt hiệu quả thiết thực; khuyến khích hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ vì họ là người ít có điều kiện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hỗ trợ sách giáo khoa, đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, xây dựng trường, lớp học tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài, khơi dậy trong các thế hệ cộng đồng ý thức về việc duy trì tiếng Việt và phong trào dạy và học tiếng Việt.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò của báo chí cộng đồng
Về vai trò của báo chí cộng đồng Việt ở hải ngoại, ông Đoàn Công Huynh, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Báo chí cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, đây là nguồn cung cấp thông tin quan trọng từ trong nước đến với cộng đồng NVNONN.
Những nơi có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên thế giới như Nga, Séc, Đức… báo chí cộng đồng đã không ngừng phát triển, đặc biệt với sự hỗ trợ của mạng internet, giúp cung cấp thông tin đa dạng hơn đến với kiều bào. Tại Hoa Kỳ, mô hình chung của các tờ báo do người Việt làm chủ khá gọn nhẹ với số nhân viên khoảng 10 người trong một đơn vị báo chí. Đặc biệt, do lợi thế internet, các tòa soạn một người đã phát triển (có thể kể đến như kênh truyền hình phố Bolsa TV được phát qua Youtube khá thành công). Hiện có một số báo đài có ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng người Việt Nam tại đây là SaigonTV, Little Saigon TV, VBS, VAM, Việt Weekly, Trẻ Online, KBCHN.net...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để cộng đồng nắm bắt đầy đủ, trung thực và kịp thời về tình hình đất nước, về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đơn vị báo chí lớn trong nước phải đóng vai trò là những kênh thông tin đối ngoại quan trọng bắc nhịp cầu nối đến các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Cần tăng cường mối quan hệ tương tác giữa báo chí trong nước với báo chí cộng đồng, đẩy mạnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đào tạo chuyên môn nghiệp vụ giữa trong và ngoài nước. Những cuộc tiếp xúc, giao lưu, gặp gỡ giữa báo chí trong nước và báo chí cộng đồng nước ngoài mới đây đã góp phần tháo gỡ những băn khoăn vướng mắc, thúc đẩy chính sách hòa giải hòa hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó các cộng đồng với quê hương Việt Nam.
Sau 2 phiên họp, qua trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần đoàn kết, Hội nghị đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và nhu cầu cấp bách trong việc nâng cao hiệu quả trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc, công tác thông tin trong cộng đồng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đang có những biến đổi nhanh chóng và sâu sắc; Nhấn mạnh việc tiếp tục nỗ lực hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ và nhân rộng các kinh nghiệm tốt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt và chú trọng chăm lo đến thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài. Đây thực sự là diễn đàn quan trọng và bổ ích để cộng đồng người Việt Nam ở các nước gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và đề đạt với Đảng và Nhà nước về những giải pháp cho các vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng NVNONN.
Phương Thuận