A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm Tổ quốc nơi ấy – Trường Sa

Sau hải trình 11 ngày, những con dân đất Việt từ khắp nơi đã kết nối với nhau bằng tấm lòng trọn vẹn hướng về quê hương, chung một quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ ấp ủ trong mình bao dự định và việc làm sau chuyến hành trình này để quảng bá, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về lập trường quan điểm chính nghĩa của Việt Nam, về chủ quyền thiêng liêng của đất Việt. Họ cũng mong muốn con em mình, những người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài cũng được về với Trường Sa, Hoàng Sa để thêm hiểu, thêm yêu biển đảo Tổ quốc.

Tiếp nối thành công của các chương trình kiều bào về thăm Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức liên tục hằng năm từ năm 2012, từ 16-28/4/2016, Đoàn công tác số 6 gồm khoảng 80 đại biểu kiều bào từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trở về và đại biểu khách mời, do bà Lê Thị Thu Hằng – quyền Vụ trưởng Ủy ban Nhà nước về NVNONN dẫn đầu, đã về thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. Đây là chuyến đi có đông bà con kiều bào tham gia nhất từ trước đến nay.

Hơn 10 ngày lênh đênh trên biển quê hương, các đại biểu đã có nhiều trải nghiệm ý nghĩa trên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những cái bắt tay thân mật, những tiếng hô vang "Trường Sa, Hoàng Sa!” được cất lên từ sâu thẳm những trái tim yêu nước như một giai điệu quân hành, gắn kết người Việt ở khắp năm châu trở về đất mẹ.

Vững chắc một niềm tin

Rạng sáng 18/4, quân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) nhộn nhịp hơn khi các thành viên Đoàn công tác số 6 tề tựu để lên tàu KN490 ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Sự háo hức, xúc động hiện rõ trên từng khuôn mặt của những người con xa xứ, bởi phần lớn trong số họ đều là lần đầu tiên được đi thăm Trường Sa.

Thời tiết cũng như ủng hộ lòng người, chúng tôi đã có một chuyến hải trình thật êm ả. Tàu KN490 đưa đoàn chúng tôi lên thăm và tặng quà cán bộ chiến sĩ tại 14 điểm đảo và nhà giàn, gồm: Đá Lớn A, Đá Lớn B, Đá Lớn C, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa Đông, Trường Sa, Cô Lin và hai nhà giàn DK1/17 và DK1/18.

Đặt chân lên mỗi điểm đảo, đón chúng tôi là những nụ cười rạng rỡ mặn mòi vị biển, những cái bắt tay ấm tình quân dân của các chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ mà đã dạn dày sóng gió. Cái cảm giác được đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu xa xôi của Tổ quốc, được tận tay chạm vào những cột mốc chủ quyền thiêng liêng, sao mà thân thương, ấm áp, sao mà xúc động lạ thường…

Ở nơi tưởng chừng chỉ có nắng, gió, trời và biển, những hòn đảo thân thương hiện lên như những “ngôi làng Việt” với cây xanh, trường học, trạm xá và cả ngôi chùa- nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho người dân trên đảo, tạo cảm giác thật gần gũi. Đâu đây những vườn rau xanh rì, những chậu hoa làm dịu mát không gian. Những tấm pin năng lượng mặt trời, hàng cột điện gió vẫn ngày đêm tạo năng lượng thắp sáng hải đảo quê hương. Thông tin liên lạc (điện thoại, internet) giờ đã vô cùng thuận tiện, các chiến sĩ đã có thể ngày ngày nói chuyện với cha mẹ, vợ con ở nhà, giúp xóa nhòa khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Đó là những minh chứng cụ thể nhất mà các đại biểu thấy được về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đời sống cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa.

Là một trong những kiều bào trẻ tuổi nhất thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này, anh Phạm Túc Đạt, 29 tuổi, Việt kiều Ba Lan, không khỏi háo hức chờ đợi. Vừa đặt chân lên đảo Đá Lớn B, anh cùng nhiều kiều bào đã chạy thật nhanh đến vị trí đặt cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên hòn đảo này để chụp ảnh kỷ niệm. Cũng như các kiều bào khác, Đạt rất xúc động khi được chia sẻ tình cảm, gửi những lời thăm hỏi động viên đến từng chiến sĩ đang ngày đêm bám biển, bám trời ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc này. Những cái bắt tay, cái ôm thật chặt của những người con xa xứ với các chiến sĩ, rồi lời ca tiếng hát của anh chị em nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc quân đội Việt Nam khiến cho bầu khí trên đảo trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Đạt chia sẻ: “Ngay trước chuyến đi này, tôi đã tham gia cuộc tuần hành hòa bình quy mô do cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức trước trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Warsava để phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Là thế hệ trẻ Việt Nam sống xa Tổ quốc, chúng tôi luôn nhận thức rằng, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của mỗi chúng tôi. Lần đầu tiên được đặt chân đến đây, nhưng tôi đã cảm thấy Trường Sa rất gần gũi và thân thương”.

Đến với mỗi đảo, chúng tôi đều được nghe và chứng kiến thực tế đời sống của cán bộ chiến sĩ trên đảo. Bằng thực tế cuộc sống và chiến đấu, các anh đã khẳng định với đoàn công tác về ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương, tạo niềm tin cho bà con kiều bào cũng như đồng bào nơi đất liền. Những lời hứa thể hiện sự quyết tâm sẽ làm mốc “chủ quyền sống”, luôn chắc tay súng bảo vệ mảnh đất cha ông, khiến nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi vô cùng xúc động.

Bôn ba nhiều nước trên thế giới để mưu sinh đã hơn 30 năm, vợ chồng ông Lê Văn Minh và bà Lê Ánh Tuyết, người Việt định cư tại Mỹ, mới có dịp ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Bà Tuyết xúc động bày tỏ: “Trước đây, chúng tôi chỉ nhìn thấy đất nước mình, những hòn đảo qua bản đồ. Tôi hay sờ tay lên những cái chấm đỏ - nơi đánh dấu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thật không ngờ hôm nay lại được đặt chân lên đây. Nhìn thấy biển trời bao la rộng lớn, những người con xa xứ như chúng tôi rất đỗi tự hào. Nhìn những chiến sĩ trẻ như con trai mình đứng nghiêm trang bảo vệ chủ quyền giữa biển khơi thật đáng khâm phục”.

Trong đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa lần này có một vị khách đặc biệt luôn nhiệt tình với các hoạt động của Đoàn, đó là ông Lý Thừa Vĩnh, Chủ tịch Hội hậu duệ dòng họ Lý gốc Việt đời thứ 28 tại Hàn Quốc. Ông rất hãnh diện mỗi khi mặc chiếc áo đỏ có in hình sao vàng 5 cánh và tấm bản đồ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa tranh thủ ghi lại hình ảnh chiến sĩ canh gác trên đảo Nam Yết, ông Vĩnh vừa chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được mời tham gia và đã bỏ tất cả để dự chuyến đi ý nghĩa này, trong khi lẽ ra tôi đã về Đền Đô - Bắc Ninh để tham gia giỗ tổ dòng họ Lý. Là người con mang dòng máu Việt, tôi luôn tự hào khi nói rằng, Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam! Vì thế, tôi tham gia chuyến đi để được tận mắt chứng kiến chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Tôi muốn có những hình ảnh cụ thể, chân thực nhất để chia sẻ với các bạn Hàn Quốc về vấn đề này”.

Trong các buổi gặp gỡ, trò chuyện với bà con tại các đảo, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái - Phó Tham mưu trưởng Hải quân, đều giải thích cho bà con kiều bào hiểu rõ hơn về thực tế tình hình biển đảo quê hương. Ông nhấn mạnh, bà con kiều bào và các đại biểu ra đến đây đã tận mắt chứng kiến thực tế biển đảo của đất nước. Điều này là minh chứng rõ ràng để xua tan tâm lý băn khoăn của một số đại biểu về những thông tin xuyên tạc, bóp méo về tình hình biển đảo quê hương. “Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hết sức để tạo dựng môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước; đồng thời chú trọng quan tâm và quyết tâm gìn giữ từng tấc đất của cha ông. Mong rằng sau chuyến thăm, các đại biểu sẽ chia sẻ, cập nhật thông tin để bà con và bạn bè quốc tế hiểu hơn về tình hình Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam”.

Trong hải trình đầy ý nghĩa này, con tàu chở Đoàn chúng tôi còn neo đậu tại vùng biển Gạc Ma và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc để làm lễ tưởng niệm những người con đã hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Bài diễn văn tưởng niệm của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái về sự hy sinh anh dũng, quả cảm của những người giữ đảo đã gieo vào lòng những người con đất Việt những suy tư, đau đáu khôn nguôi.

Thiết thực hướng về biển đảo quê hương

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông, đặc biệt trước những hành động phi pháp của Trung Quốc thời gian qua như việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (năm 2014), rồi đưa vũ khí ra các điểm đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam, mở đường bay ra các đảo này… xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, cùng với Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước, bằng nhiều hình thức, đồng bào ta ở nước ngoài đã mạnh mẽ lên tiếng bày tỏ thái độ, góp sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều cuộc biểu tình, tuần hành, mít tinh, ra thông cáo, hội thảo… của người Việt Nam ở các địa bàn khắp năm châu đã diễn ra (như ở Mỹ, Canada, Cuba, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Áo, Italia, CH Síp, CH Séc, Slovakia, Ba Lan, Ucraina, Bulgary, Hungary, Romania, Thụy Sỹ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Uzbekistan, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE, Úc, New Zealand, Angola, Mozambique…).

Không chỉ vậy, cộng đồng NVNONN còn tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ lực lượng thực thi pháp luật trên biển Đông và quân dân Trường Sa. Trong những năm qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN là một trong những địa chỉ tin cậy để bà con trao gửi tình cảm, ủng hộ vật chất và tinh thần tới các cán bộ chiến sĩ ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Những hành động yêu nước đó đã thể hiện tình cảm và trách nhiệm của những người con xa quê đối với Tổ quốc.

Vượt ngàn dặm xa xôi, chuyến đi này đã mang 80 kiều bào từ nhiều quốc gia về thăm hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong số đó không ít người là nòng cốt và tích cực tham gia các hoạt động kể trên. 11 ngày đêm được sống trong tình yêu quê hương nơi đảo xa, trái tim của những người con xa xứ càng được lấp đầy tình yêu, niềm tự hào, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và mong muốn thể hiện tình yêu đó bằng những hành động thiết thực.

Ngay trong đêm giao lưu đầu tiên trên tàu, tưởng chừng chỉ là buổi giao lưu gặp gỡ để các đại biểu có thêm cơ hội gắn kết, chia sẻ với nhau về tình yêu biển đảo quê hương, nhưng thật không ngờ khi cuối buổi giao lưu Ban Tổ chức nhận được thông báo bà con muốn thông qua Ban Tổ chức gửi những món quà tới quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Từng cá nhân, nhóm đại biểu từ các nước cứ lần lượt lên sân khấu trao tặng những món quà bằng tiền mặt và hiện vật, tuy không lớn nếu xét về giá trị vật chất, nhưng chứa đựng trong đó là cả tấm lòng, sự chia sẻ, tình cảm trân trọng của bà con dành cho các chiến sĩ, với mong muốn các anh luôn vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” giữa cái nắng nóng ngoài đảo xa vẫn thoăn thoắt leo lên ngọn hải đăng đảo Sơn Ca để thu trọn vào tầm mắt, vào trái tim quang cảnh hùng vĩ của biển đảo quê hương, khiến tôi nhớ mãi. Đó là cô Trương Thị Kim Anh, đại biểu kiều bào về từ Hoa Kỳ. Cô tâm sự: “Tôi đã nhiều lần được mời tham gia chương trình của đoàn kiều bào nhưng vì thời gian không cho phép nên không đi được. Lần này tôi quyết định tham gia chuyến đi, vì nghĩ rằng mình không còn nhiều thời gian nữa. Thực sự trước khi đi thăm Trường Sa, tôi chưa có nhiều thông tin đúng về biển đảo của ta, thậm chí tại Mỹ còn nhiều luồng thông tin trái chiều về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thế nhưng, khi về đây, gặp các chiến sĩ ở đây, thì tôi thấy không đúng như vậy. Và tôi nghĩ rằng mình cần làm một việc gì đó có ý nghĩa cho đất nước chứ không chỉ đơn giản là những lời nói suông”. Nước mắt trào ra, cô nghẹn ngào nói: “Đây là lần đầu tiên ra thăm đảo nên tôi không biết các chiến sĩ cần gì và thiếu gì. Song, ngay sau khi kết thúc chuyến đi này về Hoa Kỳ, tôi sẽ đóng góp và quyên góp để hỗ trợ các chiến sĩ ở đây nhiều hơn nữa”.

Mỗi khi tàu chuẩn bị thả neo để lên đảo, các thành viên trong đoàn đại biểu Hàn Quốc lại bận rộn chuẩn bị quà chuyển xuống xuồng vào đảo. Giữa cái nắng chói trang trên đảo Cô Lin, anh Trần Hải Linh cùng các thành viên trong đoàn đại biểu Hàn Quốc như chạy đua cùng thời gian để tranh thủ lắp đặt một bộ máy chuyển đổi không khí thành nước ngọt, một máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời và một giàn trồng rau thủy canh.

Mồ hôi ướt đầm trên áo, anh Linh vừa lắp máy vừa chia sẻ về ý tưởng trao tặng những món quà này: “Qua chuyến thăm Trường Sa năm 2015, chúng tôi nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và ứng dụng khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần nâng cao, cải thiện đời sống cán bộ chiến sỹ ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, trong đó có 2 vấn đề quan tâm là nước ngọt và rau xanh. Vì thế, chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt. Để bảo đảm an toàn vệ sinh và thuận tiện, nước được nối với bộ phận làm mát và làm nóng để đầu ra có thể là nước lạnh 5oC hoặc nước nóng 85oC và kết cấu chung của máy giống như các máy lọc nước hiện đại khác mà các nước phát triển đang sử dụng. Quy mô 1 máy có thể cho ra 20 lít nước ngọt/ngày ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như những đảo của ta ở Trường Sa và Nhà giàn DK. Tôi thiết nghĩ 20 lít nước này sẽ góp thêm một phần quan trọng vào khẩu phần nước ngọt hiện còn thiếu thốn trên các đảo nhỏ và nhà giàn DK”.

Anh Linh chia sẻ thêm, để hiện thực hóa lòng yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc nói chung, năm ngoái Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã sáng lập Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” với tôn chỉ xây dựng một quỹ hoạt động để tuyên truyền và huy động trí tuệ, sức lực, vật chất vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong các bài phát biểu tại các đảo, anh Linh cũng chia sẻ ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho anh em chiến sĩ tại các đảo, bản thân anh là người giảng dạy đại học tại Hàn Quốc sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ việc lấy học bổng cho con em cán bộ chiến sĩ Trường Sa có nguyện vọng và mong muốn du học tại Hàn Quốc.

Khi màn đêm buông dần, con tàu neo đậu cách đảo Cô Lin không xa, anh Phạm Hải Chiến - một trong những thành viên đoàn Việt kiều Hàn Quốc - vui mừng kể: “Anh em trong đảo vừa gọi điện ra cho biết các thiết bị chúng tôi lắp đặt tại đảo buổi chiều hoạt động tốt… Nhìn ánh đèn từ đảo tỏa ra sáng hơn chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và ấm lòng lắm vì đã làm được gì đó hỗ trợ cho anh em”. Anh cũng chia sẻ thêm, đây là những món quà đầu tiên với tổng trị giá khoảng 28 ngàn USD được triển khai từ Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” tại Hàn Quốc, hy vọng các thiết bị sẽ hoạt động tốt và các chiến sĩ sẽ phản hồi để đoàn tiếp tục triển khai và khắc phục những hạn chế - nếu có.

Rồi nữa, anh Phạm Trung Kiên - Giám đốc Công ty VINAcorp (chuyên sản xuất nội thất các công trình trên biển), người Việt định cư và kinh doanh tại Singapore - cùng các thành viên của cộng đồng người Việt Nam tại Singapore đã dành tặng cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn 10 bộ dụng cụ tập thể dục ngoài trời, 01 bộ nội thất văn phòng và bàn làm việc tác chiến, cùng nhiều phần quà khác trị giá gần 200 triệu đồng. Với tư cách là một doanh nghiệp kinh doanh tại Singapore và có nhà máy ở Hải Phòng, anh Kiên cam kết sẽ tạo công ăn việc làm cho con em cán bộ chiến sĩ Trường Sa và những chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ. “Để khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước, từ gợi ý của cha tôi, công ty chúng tôi sẽ in hình bản đồ Tổ quốc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên các sản phẩm của công ty để quảng bá và khẳng định tới bạn bè quốc tế về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo trên”, anh Kiên chia sẻ thêm.

Sau hành trình dài từ Mỹ về Việt Nam, vợ chồng ông bà Lê Văn Minh - Lê Ánh Tuyết gấp gáp lên tàu cùng đoàn ra Trường Sa. Dù tuổi cao, nhưng ông bà không ngần ngại trước sóng gió biển khơi để vào được tận các đảo thăm cán bộ, chiến sĩ và người dân. Lặng lẽ không chút ồn ào, ông và vợ đã tặng cho các điểm đảo 12 bộ máy lọc nước và quà tặng trị giá gần 80 triệu đồng, ngoài ra còn có những chia sẻ trực tiếp với cán bộ chiến sĩ phục vụ Trường Sa. Ông Minh trầm tĩnh: “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ vật lực, trí lực cho những nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sau chuyến đi chúng tôi sẽ giải thích cho thế hệ trẻ Việt Nam ở Mỹ vì sao Việt Nam lại phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo đến cùng như vậy. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên Biển Đông không chỉ là lợi ích của riêng một đất nước, mà còn là lợi ích chung của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Và biết bao đại biểu khác như vợ chồng ông Minh - bà Tuyết, như anh Linh, anh Kiên, các cô bác trong Hội người Việt tại Berlin,… đều có những hoạt động thầm lặng ủng hộ sẻ chia với Trường Sa.

Sau hải trình 11 ngày, những con dân đất Việt từ khắp nơi đã kết nối với nhau bằng tấm lòng trọn vẹn hướng về quê hương, chung một quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ ấp ủ trong mình bao dự định và việc làm sau chuyến hành trình này để quảng bá, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về lập trường quan điểm chính nghĩa của Việt Nam, về chủ quyền thiêng liêng của đất Việt. Họ cũng mong muốn con em mình, những người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài cũng được về với Trường Sa, Hoàng Sa để thêm hiểu, thêm yêu biển đảo Tổ quốc.

Hạo Nhiên

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm