A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tưởng nhớ những người con đã ngã xuống bảo vệ biển trời quê hương

Chiều 22/4, trên boong tàu KN 490, các đại biểu trong Đoàn công tác số 6 tham dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Hoạt động đặc biệt ý nghĩa này đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng về những tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

 Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái đọc điếu văn tưởng niệm

Con tàu KN 490 được neo đậu tại khu vực đảo Cô Lin, nằm cách không xa đảo Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trong không khí trang nghiêm, đầy xúc động, các đại biểu trong Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sỹ - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu.

Bài diễn văn mà Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái đọc tại buổi lễ nêu rõ: “Vùng biển này cách đây 28 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc đánh chiếm các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân. Với quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ; chạy đua cùng thời gian; củng cố, tăng cường thế đứng của ta trên khu vực quần đảo; chủ động bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống; thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp - giữ vững hòa bình, hữu nghị.

Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm các đảo đá ngầm tại Trường Sa. Trước sự đe dọa, cũng như những hành động dã man của Trung Quốc, các chiến sĩ không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. Trong trận chiến đó, các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ” - Người chiến sỹ Hải quân. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho kẻ thù run sợ, chùn bước. Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương”.

Ba hồi còi kéo dài tha thiết như chào gọi anh linh các anh trở về chứng kiến tấm lòng tri ân của những người con xa xứ. Nơi biển sâu mênh mông các anh vẫn nằm lại, hòa mình vào biển đảo quê hương. Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khuôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể lấp đầy.

Xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng quả cảm của người chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhiều đại biểu kiều bào không cầm được nước mắt. Bác Vũ Thị Tin (kiều bào tại Thái Lan), xúc động chia sẻ: “Khi tôi đến chùa Sinh Tồn, tôi nhìn thấy tấm bia ghi danh 64 chiến sĩ chúng ta hy sinh trên vùng biển Gạc Ma mà nước mắt cứ trào dâng. Hôm nay, được tham dự Lễ tưởng niệm tại gần nơi các anh hy sinh, tôi xúc động nghẹn lòng và tự hứa với lòng mình sẽ cùng với mọi người làm nhiều việc thiết thực hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh”.

Lễ tưởng niệm kết thúc đầy xúc động với nghi lễ thả hoa.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

 Hạo Nhiên


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm