A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam thăm và làm việc tại Nouvelle Calédonie

Từ ngày 24-29/10, Đoàn công tác do Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Nouvelle Calédonie.

Tối 25/10, đón Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam và Đoàn công tác tại sân bay Tontouta thuộc thủ phủ  Nouméa của Nouvelle Calédonie có ông Yves Mathis- Chánh Văn phòng Phủ toàn quyền Pháp ở Nouvelle Calédonie và ông Thirerry Cornaille- Phát ngôn viên của Chính phủ Pháp ở Nouvelle Calédonie cùng đông đảo bà con kiều bào.

Sáng 26/10, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cùng đoàn công tác đã đi thăm các cửa hàng kinh doanh của người Việt ở khu Quartier Asiatique, Nouméa. Thứ trưởng đã hỏi thăm ân cần về tình hình làm ăn của bà con. Thứ trưởng bày tỏ vui mừng khi thấy các dãy phố đều sầm uất các quầy hàng của người Việt, các cửa hiệu đều khang trang bầy bán đủ loại từ những quầy bán tạp hóa, quần áo, đồ lưu niệm, các siêu thị lớn, nhỏ… đến những cửa hàng ẩm thực với đầy đủ hương vị quê hương như phở, nem (chả giò)...

Chị Nguyễn Minh Thúy, chủ cửa hàng phở Snack Centralma cho biết, phở Việt Nam hay món nem (chả giò) không chỉ được bà con người Việt ở đây ưa thích mà nhiều người dân và khách du lịch Noumea cũng bị cuốn hút bởi hương vị rất đặc trưng của Việt Nam ở xứ này.

Chia tay những ông chủ, bà chủ là con cháu của các cụ chân đăng xưa, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cùng đoàn công tác và bà con kiều bào đã thăm và đặt lẵng hoa tại Tượng đài Chân đăng ở ngay tại cổng chào vào khu Quartier Asiatique.

Ông Đinh Ngọc Riệm- Chủ tịch Hội Ái Hữu người Việt (Amicale Vietnamienne) - cho biết, bức tượng chân đăng bằng đồng đen với 3 nhân vật: ông bố- bà mẹ thể hiện hình ảnh người chân đăng đi phu cho Pháp phải lao động nhọc nhằn đầy hiểm nguy tại các vùng mỏ Tân thế giới xa xôi; nhân vật người mẹ làm nội trợ chuẩn bị cho người chồng xuống hầm mỏ; và người con là thế hệ thứ hai niaoulis (tên gọi cây tràm – 1 loài cây mọc nhiều và sống kiên cường ở xứ này) được cha mẹ sinh ra, lớn lên ở xứ người. Dưới chân tượng là tấm bảng đồng vinh danh người Việt.

Ông cũng cho biết, bức tượng chân đăng có được hôm nay xuất phát từ ý tưởng của bà con Việt kiều đang sống trong nước và Quốc đảo Nouvelle Calédonie đã đề xuất với Chính quyền nước sở tại cho họ được đặt bức tượng chân đăng tại trung tâm thành phố Nouméa để vinh danh những người Việt Nam từng đi phu cho Pháp (chân đăng) đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và xương máu ở mảnh đất xa lạ này. Khi được Thị trưởng Nouméa chấp nhận, một số Việt kiều và Hội Ái Hữu đã về Việt Nam cùng bà con Việt kiều trong nước đặt làm tượng. Bức tượng chân đăng này đã được Thị trưởng Nouméa trang trọng tổ chức lễ đặt tại trung tâm thành phố, thể hiện sự tri ân của chính quyền Quốc đảo này với các cụ chân đăng.

Ngay sau lễ đặt hoa, bên bức tượng chân đăng, bà Sonia Lagard - Thị trưởng Nouméa đã gặp gỡ, trò chuyện cùng Thứ trưởng Vũ Hồng Nam và bà con kiều bào trong không khí thân mật và phấn khởi.

Cũng trong buổi sáng, Đoàn công tác đã đi thăm mộ cụ Nguyen Thuan Long bị đầy chung thân vì có lòng ái quốc, đã mất ở Nouvelle Calédonie. Sau đó, Đoàn đã đi thăm cụ Phan Thị Hòa (92 tuổi) là một trong hai cụ chân đăng hiện vẫn còn sống cùng con cháu ở Nouvelle Calédonie.

Buổi chiều, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đã đi thăm trang trại trồng rau rộng 35 héc-ta của ông Le Van Hao Jean và thăm hỏi một số gia đình Việt kiều là nòng cốt của Hội Ái Hữu.

Nouvelle-Calédonie (New Caledonia), hay còn gọi là Tân Thế Giới, cách nước Úc khoảng 1.200 km về hướng Đông, là một vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nằm ở Thái Bình Dương, thủ phủ là thành phố Nouméa. Nouvelle-Calédonie bao gồm một trong những đảo lớn nhất Thái Bình Dương là Grande Terre và nhiều hòn đảo nhỏ. Quần đảo Nouvelle-Calédonie với diện tích khoảng 18.500 km2 với 2.254 cây số bờ biển nằm trọn trong một lớp vỏ san hô xanh biếc với trữ lượng gần 25% nikel toàn cầu. Hiện nay, dân số Nouvelle-Calédonie khoảng hơn 250.000 người, người Việt Nam chiếm khoảng 1,6% dân số.

Người Việt Nam đã có mặt ở Nouvelle Calédonie từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thời gian đó, thống kê có khoảng 12.000 người Việt Nam nghèo khó ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được người Pháp mộ phu sang các quần đảo này cùng Vanuatu với mục đích khai thác mỏ. Sau đó, phần lớn đã quay trở về Việt Nam sau kháng chiến chống Pháp, chỉ còn khoảng hơn 1000 người tình nguyện ở lại. Những thế hệ sau của người Việt ở Nouvelle Calédonie đã khẳng định niềm tự hào đó bằng cách thoát khỏi thân phận nô lệ, vươn lên trở thành những công dân ưu tú. Hiện tại, cộng đồng Việt sinh sống tập trung chủ yếu ở thành phố Nouméa, thủ phủ của Nouvelle Calédonie và một vài khu vực ở phía Bắc như Chagrin, Paagoumène...

Với số dân khoảng hơn 4.000 người, cộng đồng người Việt đã góp phần làm phong phú hơn nền văn hoá đa sắc màu ở hòn đảo Nam Thái Bình Dương này, đồng thời trở thành lực lượng kinh tế quan trọng đối với nền kinh tế bản địa. Ngoài nghề trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, người Việt còn tham gia nhiều lĩnh vực khác ở Nouvelle Calédonia như quản lý, tài chính ngân hàng, xây dựng, lập xí nghiệp, công ty...

Phương Thuận



Các tin khác

Tin tiêu điểm