Kiều bào với Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
10 ngày trên quê hương, Đoàn được tham dự nhiều hoạt động đầy ý nghĩa. Đặc biệt, Đoàn đại diện cho hơn 4 triệu kiều bào trên thế giới lần đầu tiên tham dự Lễ mít tinh-diễu binh-diễu hành với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
về dự Đại lễ (6/10)
Kiều bào vui Hội Ngàn Năm
Trở về với Hà Nội trong những ngày diễn ra Đại lễ, bà con được hòa vào không khí háo hức, phấn khởi của người dân trong nước đón mừng thành phố 1000 năm tuổi. Những con đường, tuyến phố của Hà Nội được trang hoàng bởi cờ hoa rực rỡ.
|
Ngày Khai mạc Đại lễ 1/10 bên tượng đài vua Lý Thái Tổ uy nghiêm và Hồ Gươm huyền thoại, 10 đại biểu đại diện cho Đoàn tham dự buổi lễ. Những cảm xúc dâng trào về mảnh đất Thăng Long – rồng bay được ông Hà Thủy Nguyên, kiều bào trở về từ
Thăng Long – Hà Nội là trái tim của cả nước, nơi lưu lại quá khứ vàng son của cha ông ta xưa với những dấu tích của thành quách, cung điện… nơi minh chứng cho tinh thần tự tôn dân tộc và sức sống trường tồn của văn hóa và con người VN. Để có thêm những hiểu biết về quá khứ, lịch sử của dân tộc và đặc biệt là Thăng Long – Hà Nội, Đoàn đến thăm Khu Trung tâm Di tích Hoàng Thành nơi vừa được Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) trao bằng Di sản văn hoá thế giới vào ngày Khai mạc Đại lễ. Tại đây, Đoàn được nghe Giáo sư Sử học Phan Huy Lê giới thiệu những nét cơ bản về lịch sử và quy mô của Di tích. Đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám- trường Đại học đầu tiên của VN, nơi có 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779), các đại biểu hiểu thêm về truyền thống hiếu học của dân tộc.
Trong niềm vui chung của đất nước, dân tộc hôm nay, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài không quên hình ảnh gần gũi thân thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già dân tộc, các đại biểu đã vào lăng viếng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Người.
Đoàn diễu hành của khối Cộng đồng NVNONN
qua các tuyến phố Hà Nội
Đoàn cũng có dịp đến thăm TW Giáo hội Phật giáo Việt
Ngày 10/10, Lễ mít tinh-diễu binh-diễu hành kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi với quy mô lớn nhất đã diễn ra tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Lần đầu tiên trong các khối diễu hành có khối đại biểu kiều bào. Tất cả bà con kiều bào đều có một cảm xúc rất đặc biệt khi Đoàn diễu hành qua Quảng trường Ba Đình, qua những con đường, tuyến phố của Hà Nội với sự đón chào hồ hởi của nhân dân trong nước. Nhiều người trong đoàn xúc động không cầm được nước mắt. Anh Đặng Ngọc Hân (kiều bào tại Ba Lan) tâm sự: "Khi Đoàn đi qua những tuyến phố Hà Nội đầy cờ hoa cùng đông đảo nhân dân bên đường, những cái bắt tay của đồng bào như truyền thêm tình cảm ấm cúng, chân thành của quê hương cho những người con xa quê".
Ông Lee Hee Yun, đại diện cho hậu duệ dòng họ Lý tại Hàn Quốc trở về sau 800 năm ly hương, xúc động cho biết: “Tất cả các hoạt động trong dịp Đại lễ mà chúng tôi được tham dự đều để lại ấn tượng không bao giờ phai mờ. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào là người Việt Nam, là hậu duệ của Vương triều Lý.”
Ông Hoàng Thành Quý, kiều bào tại Anh, chia sẻ: “Cảm tưởng của tôi lúc này là… 1000 cảm tưởng đan xen, thật sự rất xúc động, khó tả. Là một người con của đất kinh kỳ xa quê hương nhiều năm, bây giờ vinh dự được trở về dự lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc, tôi rất tự hào và xúc động vì đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có một bề dày lịch sử mà ít thủ đô nào trên thế giới có được".
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu Đoàn vào Lăng viếng Bác
Giờ đây mọi người dân đất Việt ở trong hay ngoài nước đều cảm thấy tự hào về thủ đô Hà Nội thân yêu đã sánh vai cùng với những cái tên như Paris, Rome, London, Athens, Delhi trong câu lạc bộ các thành phố nghìn năm tuổi.
Phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân tộc
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn
Chiều 6/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có buổi tiếp thân mật 50 kiều bào đại diện cho gần 200 đại biểu về tham dự Đại lễ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hoan nghênh bà con kiều bào về tham dự các hoạt động mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; gửi lời chào, lời thăm hỏi thân thiết và những tình cảm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước tới toàn thể bà con và thân nhân.
Đoàn thăm quan Hoàng thành Thăng Long
Tổng Bí thư vui mừng thông báo những thành tựu mà nước ta đã đạt được trong suốt chặng đường Đổi Mới, đặc biệt là trong thời gian 5 năm qua. Đảng và Nhà nước đánh giá cao và ghi nhận tinh thần yêu nước cùng những đóng góp to lớn của bà con đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh lịch sử hàng nghìn năm dựng nước cùng những thắng lợi vẻ vang của dân tộc là kết quả của việc tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quật cường, độc lập, tự chủ của người Việt Nam. Tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với đất nước, để xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế, nhất định phải tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân tộc. Tổng Bí thư kêu gọi: “Tất cả những ai là người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, đã là con Lạc, cháu Hồng hãy luôn hướng về quê hương, bằng khả năng của mình hãy đóng góp công sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Đoàn thăm quan chùa Bái Đính – Ninh Bình
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc VN (MTTQVN) Huỳnh Đảm cũng đã có buổi tiếp thân mật hơn 100 đại biểu của Đoàn.
Các cuộc gặp diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật và cởi mở. Những ý kiến đóng góp, tâm tình của bà con kiều bào đã được người Lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Mặt trận lắng nghe và chia sẻ. Bà con cảm ơn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch MTTQVN Huỳnh Đảm đã dành thời gian tiếp Đoàn, bày tỏ niềm vinh dự, tự hào được trở về vui hội ngàn năm của quê hương, vui mừng được chứng kiến những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước và hứa sẽ ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà, nhất là trên lĩnh vực khoa học-công nghệ và phát triển kinh tế Việt Nam.
Đoàn diễu hành tiến vào Quảng trường Ba Đình lịch sử
Những hoạt động về nguồn ý nghĩa
Trong chuyến về quê hương tham dự Đại lễ lần này, bà con kiều bào còn được trở về với cố đô Hoa Lư, trấn Kinh Bắc- những địa danh có sự ảnh hưởng nhất định tới Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt đối với Vương triều Lý. Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình là kinh đô của ba triều đại, nơi cách đây một ngàn năm, vua Lý Thái Tổ đã lên ngôi và ban “Chiếu dời đô”, mở ra một trang sử mới cho dân tộc.
Đại diện kiều bào trao tiền ủng hộ bà con nhân dân miền Trung thông qua Ủy ban
Được đến thăm quan Vịnh Hạ Long - “Kỳ quan đá dựng giữa trời cao”, di sản thiên nhiên thế giới - các thành viên trong Đoàn càng thêm yêu, thêm tự hào về vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh sắc quê nhà.
500 triệu VNĐ là số tiền Đoàn kiều bào về dự Đại lễ quyên góp được để ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt bão lụt vừa qua và ủng hộ chương trình “Trái tim cho em” 1060 USD. Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tiếp nhận số tiền trên và sẽ trao trực tiếp cho đồng bào miền Trung và chương trình “Trái tim cho em” trong thời gian sớm nhất.
Đoàn kiều bào cũng công đức hơn 13 triệu VNĐ cho Chùa Tiêu (Bắc Ninh) để trùng tu, tu bổ di tích lịch sử này.
Về với quê hương của vua Lý Công Uẩn (Đình Bảng-Bắc Ninh), Đoàn kiều bào đã dâng hương tại Đền Đô, nơi thờ các vị vua nhà Lý và dâng hương tại chùa Tiêu. Trước anh linh liệt tổ liệt tông, những người con xa quê rất xúc động và biết ơn công lao của những vị anh hùng, những người con đất Việt đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc như Lý Công Uẩn, Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Anh hùng Không quân Phạm Tuân
Trở về quê hương trong những ngày lịch sử, được vinh dự tham gia vào những hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, những người con đất Việt sống xa quê hương cảm nhận được tình cảm gần gũi thân thương của đồng bào trong nước dành cho Đoàn. Đối với chị Phan Bích Thiện, kiều bào tại Hunggary, ngoài niềm tự hào còn là trách nhiệm đối với đất nước và Thủ đô: “Càng tự hào về Hà Nội, về Tổ quốc Việt Nam mình, chúng tôi càng cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong việc truyền bá tiếng Việt, truyền bá các giá trị văn hóa của dân tộc cho các thế hệ người Việt tiếp theo. Đồng thời quảng bá tuyên truyền rộng rãi hơn hình ảnh Việt Nam đổi mới, hình ảnh Việt Nam ngày hôm nay, hình ảnh Hà Nội với bạn bè quốc tế để làm sao thúc đẩy sự đóng góp của kiều bào cũng như bạn bè quốc tế cho đất nước mình…”.
Các đại biểu kiều bào tại Đền vua Lê Đại Hành
Anh Nguyễn Quốc Vọng, kiều bào tại Úc, người đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, bày tỏ: “Trên bước đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đất nước Việt Nam chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cũng có lắm thách thức, chúng tôi ở nước ngoài luôn đau đáu nhìn về quê hương, quyết tâm cùng đồng bào trong nước xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đi qua, người dân đang trở về nhịp sống thường nhật. Thế nhưng, “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu…”, những dư âm đẹp về Đại lễ tại Thủ đô nghìn năm văn hiến sẽ còn mãi trong tâm trí của những người con đất Việt xa quê.
Hương Thảo – Mai Chi