Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị VK04: Văn hóa, ngôn ngữ Việt kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Tiếp tục “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4” (Hội nghị VK04), chiều 22/8, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra các phiên chuyên đề “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào” và “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”. Các đại biểu kiều bào nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Quang cảnh phiên chuyên đề “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”

Đoàn kết là giá trị cốt lõi

Tại phiên họp, các đại biểu chia sẻ về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở một số nước trên thế giới; đánh giá thuận lợi và khó khăn trong triển khai công tác đại đoàn kết, công tác hội đoàn; đề cao vai trò của kiều bào trẻ trong công tác cộng đồng; đồng thời, đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề mà cộng đồng đang phải đối mặt cũng như giải pháp nhằm đáp ứng 'đúng và trúng' hơn nguyện vọng của kiều bào.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đại đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga, ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt tại Nga, cho rằng trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đoàn kết luôn là cội nguồn sức mạnh và truyền thống quý báu, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thách thức, biến cố và viết nên những trang sử chói lọi... “Bởi vậy, đoàn kết xây dựng và phát triển cộng đồng là phương châm quan trọng nhất trong hoạt động của Hội. Đoàn kết là giá trị cốt lõi, là cội nguồn sức mạnh, động lực chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách để sinh sống, học tập và làm việc tại nơi xa xứ. Muốn thực hiện tốt được các mục tiêu khác, điều kiện tiên quyết là phải có một cộng đồng đoàn kết, ổn định, có tổ chức tốt và định hướng rõ ràng”, ông Trần Phú Thuận khẳng định.

Để huy động được nguồn lực đoàn kết trong duy trì hoạt động của Hội, ông Trần Phú Thuận khẳng định cần đoàn kết sâu rộng, thống nhất hoạt động dưới sự đồng hành của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga. Hội người Việt tại Liên bang Nga đã thực hiện một mô hình chung, quy tụ đa số bà con và các đơn vị cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm ăn tại nước sở tại vào một tổ chức thống nhất; đấu tranh hiệu quả với các biểu hiện và hành vi gây mất đoàn kết. Hội có định hướng để tổ chức thành lập và giúp hàng chục hội đồng hương hoạt động nền nếp; hỗ trợ kiện toàn tổ chức, hòa giải tại một số hội người Việt trên địa bàn...

Cùng với duy trì đại đoàn kết cộng đồng là củng cố cơ sở pháp lý và nền tảng kinh tế, làm chỗ dựa vững chắc cho quá trình hội nhập, phát triển ổn định lâu dài cho bà con đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nga. “Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển cũng là một trong những kinh nghiệm quan trọng bởi người Việt Nam tại Liên bang Nga có truyền thống tự lực và ý thức vươn lên rất cao, kiên trì và sáng tạo trong cuộc sống và công việc. Có đoàn kết như vậy mới xây dựng, phát triển cộng đồng vững mạnh”, ông Thuận chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Tổng hội người Việt tại Thái Lan, chia sẻ để có được sự đồng lòng, đồng sức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong kiều bào, Tổng hội người Việt tại Thái Lan coi trọng và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giúp kiều bào nắm rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó là tạo sự đồng thuận của kiều bào về mục tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện công tác của Tổng hội; coi trọng phát huy vai trò của gia đình trong công tác cộng đồng...

Để phát huy tinh thần đại đoàn kết của kiều bào, ông Nguyễn Ngọc Thìn mong muốn, các quy định pháp luật Việt Nam cần có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết để gắn bó, tăng cường hơn nữa lợi ích và trách nhiệm của kiều bào với quê hương; có chương trình thu hút kiều bào trẻ đóng góp cho quê hương; tiếp tục tổ chức lớp học tiếng Việt; có quy định thuận lợi hơn về trở lại quốc tịch Việt Nam cho người gốc Việt định cư ở nước ngoài…
 

 
Quang cảnh phiên chuyên đề “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”

Hơn cả học tiếng Việt

Tại Phiên chuyên đề “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt” (với 2 chủ đề: “Giữ gìn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” và “Duy trì và lan tỏa Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”), các đại biểu đã thống nhất đưa ra một số đề xuất và phương hướng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các hoạt động gìn giữ văn hóa, tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Văn Hương Phênh Khăm May, Hiệu trưởng trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, cho biết việc gìn giữ và phát triển tiếng Việt là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam ở nước ngoài.

Là một trường liên cấp với trên 1.000 học sinh, trong đó 30% là con em người Việt, các em học sinh vừa học tiếng phổ thông là tiếng Lào, vừa học tiếng Việt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, trường song ngữ Lào-Việt Nguyễn Du luôn sát cánh cùng Ban Quản lý làm tốt trọng trách, là điểm sáng của ngành Giáo dục trên địa bàn.

“Tại đây, học sinh không chỉ đơn thuần học đọc, viết và nói tiếng Việt, mà còn tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Giáo viên trong Trường luôn tiên phong sáng tạo, thay đổi phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa giáo trình và thực tế để phù hợp hơn. Qua đó, giáo dục các em về trách nhiệm gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc Lào-Việt”, cô Văn Hương Phênh Khăm May chia sẻ.

Đồng quan điểm, Sứ giả tiếng Việt Trần Hồng Vân, kiều bào tại Australia, cho biết việc bảo tồn văn hóa-ngôn ngữ Việt có ý nghĩa quan trọng với cả cộng đồng người Việt ở Australia, cộng đồng người Việt trong nước và nước sở tại. Duy trì văn hóa- ngôn ngữ Việt mang lại rất nhiều 'lợi ích' về mặt tình cảm, văn hóa, trí tuệ và kinh tế. Việc giữ ngôn ngữ - văn hóa Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài như một cầu nối gắn kết chặt chẽ cho 2 cộng đồng, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi và cơ hội Việt Nam tiếp xúc với các nền văn hóa, phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật của các nước khác trên thế giới.“Các sứ giả tiếng Việt cần làm tốt công tác kết nối, tạo một mạng lưới sứ giả toàn cầu để chia sẻ kinh nghiệm, các nguồn tài liệu, nhằm làm tốt hơn vai trò được giao”, bà Trần Hồng Vân nói.

Tại phiên họp, các kiều bào đề nghị có hỗ trợ về tài chính để cộng đồng có thể xây dựng và tổ chức các chương trình về văn hóa Việt Nam chất lượng, đều đặn hơn. Các hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống có thể làm theo tính chất tổng hợp, lồng ghép cả quảng bá du lịch, nông sản… để mang lại hiệu quả nhất.

Về việc dạy và học tiếng Việt, các đại biểu đề nghị tham khảo kinh nghiệm của các trường song ngữ dạy tiếng Việt hiệu quả, nhất là trong việc kết hợp giữa dạy lý thuyết và thực tế, học trên lớp với trải nghiệm, đa dạng hóa các hình thức dạy và học; bồi dưỡng giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt; tăng cường dạy trực tuyến và trên truyền hình; áp dụng thành tựu công nghệ vào dạy và học. Hoàn thiện chính sách, có hình thức động viên, khuyến khích giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài; đảm bảo tính chuẩn mực và linh hoạt của hệ thống học liệu và tài liệu giảng dạy; tiếp tục xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hóa Việt Nam tại các nước. Đề án Tôn vinh Tiếng Việt cần quảng bá sâu rộng, có nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự lan tỏa và hấp dẫn để ngày càng có nhiều người tham gia./.

DT


Các tin khác

Tin tiêu điểm