Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài: Đoàn kết cộng đồng, cùng đất nước hội nhập và phát triển

Với chủ đề “Đoàn kết cộng đồng, cùng đất nước hội nhập và phát triển”, Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức đã khai mạc sáng nay 11/11 tại Khu du lịch Dalat Edensee Resort, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.



Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội Nghị 

Đến dự Hội nghị có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Hội nghị; ông Vương Thừa Phong, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; ông Nguyễn Hữu Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trung tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cùng khoảng 150 kiều bào tiêu biểu từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đại diện cho nhiều tổ chức hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Hội nghị đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư chúc mừng.

Chú trọng xây dựng, phát triển và hỗ trợ các tổ chức hội đoàn kiều bào

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết: trong nhiều năm qua, công tác đối với NVNONN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị, công tác đối với NVNONN đã thực sự chuyển sang giai đoạn mới. Nhiều biện pháp được đề xuất liên quan đến xây dựng, phát triển các tổ chức của NVNONN, chính sách đối với cán bộ cốt cán, nòng cốt trong các tổ chức hội đoàn. Chỉ thị số 19 ngày 06/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo thêm động lực và những bước đột phá mới, trong đó chú trọng thúc đẩy phát triển các hội đoàn NVNONN, khuyến khích mọi hình thức tổ chức, tập hợp kiều bào. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều hội đoàn NVNONN ra đời dưới những hình thức đa dạng, nội dung hoạt động phong phú, góp phần gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương.

Công tác vận động NVNONN nói chung và vấn đề xây dựng, phát triển và hỗ trợ các tổ chức hội đoàn kiều bào nói riêng luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Hầu hết các tổ chức hội đoàn kiều bào dù ra đời trong hoàn cảnh, hoạt động dưới hình thức nào và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tạo sự gắn bó mật thiết giữa NVNONN với quê hương, đất nước, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, nguồn lực của cộng đồng cùng xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

 Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu chỉ đạo Hội Nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thông báo tới các đại biểu tình hình mọi mặt của đất nước, những thành tựu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đó thể hiện ý chí quyết tâm, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của cả dân tộc, là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng NVNONN cũng như của các hội đoàn NVNONN.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm đến cộng đồng NVNONN – “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Phó Chủ tịch nước mong muốn trong khuôn khổ Hội nghị các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận một cách thẳng thắn trên tinh thần xây dựng; lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương cần chú ý lắng nghe với thái độ hết sức cầu thị để thực sự thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, từ đó làm tốt hơn nữa công tác đối với NVNONN, trong đó có công tác hội đoàn. Hội nghị cần đưa ra những phương hướng, giải pháp thiết thực, khả thi, nhất quán, giải quyết hiệu quả những vấn đề còn tồn tại; đồng thời nêu cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các bộ, ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ các hội đoàn NVNONN, có chính sách động viên, khen thưởng kiều bào cốt cán, nòng cốt, tạo động lực mới đủ mạnh để tập hợp đoàn kết đông đảo các tầng lớp trong cộng đồng, giúp nhau ổn định cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó với quê hương, đất nước.  

Tổ chức hội đoàn NVNONN không ngừng phát triển và hoàn thiện

Sau lễ Khai mạc, Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình các tổ chức NVNONN và nghe tham luận của các đại biểu về công tác hội đoàn NVNONN, trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan và đề ra phương hướng hoạt động cụ thể cho công tác này trong giai đoạn tiếp theo. Các đại biểu đã cùng nhau đánh giá tình hình và công tác hội đoàn nói chung và của hội đoàn mình nói riêng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các hội đoàn trong đoàn kết, tập hợp cộng đồng, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, hướng về quê hương.

Nêu cao tính đoàn kết, thống nhất trong công tác hội đoàn

Bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết: Cộng động người Việt tại Pháp đã có nhiều biến đổi lớn về thành phần trong hơn 30 năm qua và hội đã đặt ra yêu cầu cần có những đổi mới về hoạt động để thích ứng với tình hình mới. Cộng đồng người Việt Nam ở Pháp gồm 3 thành phần: thế hệ một là những người đã định cư lâu năm (trước và sau năm 1975); thế hệ hai, ba gồm con em của thế hệ một, là số trẻ em dưới 16 tuổi theo cha mẹ nhập cư, hay con em sinh trưởng ở Pháp; thành phần 3 là sinh viên du học và những người học xong còn lưu lại một thời gian. Bà Ký cũng cho biết, có hai điểm tương đồng giữa ba thành phần, đó là tất cả đều hướng về đất nước, gắn bó với cội nguồn, cùng nhau trau dồi tình cảm gia đình, xóm làng, bạn bè, văn hóa, nghề nghiệp, hợp tác nghề nghiệp, đầu tư, về làm việc ngắn hay dài hạn. Điểm tương đồng này là cơ sở xây dựng khối đoàn kết bền vững rộng khắp trong cộng đồng; thứ hai là cùng có nhu cầu và ý nguyện gìn giữ bản sắc dân tộc và chính điểm tương đồng này là nền tảng cho hàng loạt hoạt động của hội.

Hội đã nhanh chóng đổi mới cơ cấu và hoạt động để hòa nhập cộng đồng đa dạng nhiều thành phần. Lãnh đạo hội cũng  nhận ra rằng những biến đổi đó tạo ra một thế mạnh lớn: khả năng kết hợp 3 thành phần thế chân vạc, nâng cao tầm vóc hoạt động Hội, mở hướng đột phá để xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng trên nền tảng mới phong phú, năng động, hiệu quả và bền vững...

Bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp

Nói về tổ chức hội, ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết: Hội người Việt Nam tại Séc  là tổ chức bao trùm, giữ vai trò đầu tầu, làm nòng cốt cho các phong trào, hoạt động trong cộng đồng. Hiện nay Hội có 42 chi hội cơ sở và 28 hội đoàn thể; Ban chấp hành trung ương Hội gồm 90 người. Các chi hội dần ổn định về mặt cơ cấu tổ chức và đi sâu vào hoạt động cụ thể, hiệu quả ở hầu hết các địa phương trên toàn CH Séc. Tất cả các hội đoàn thể tại CH Séc như Hội doanh nghiệp Việt Nam, Hội thanh niên - sinh viên Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Văn học nghệ thuật, Hiệp hội môi giới lao động, các Câu lạc bộ thể thao, võ thuật, các hội đồng hương… đều được chính quyền Séc cấp giấy phép hoạt động và đều tự nguyện gia nhập Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc với tư cách là thành viên tập thể; được Hội người Việt Nam tại CH Séc hỗ trợ tích cực để tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Hoạt động hội ngày càng phong phú đa dạng

Ông Cao Văn San- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Thái Lan - cho biết: tại Thái Lan, cộng đồng người Việt ở nhiều tỉnh đã tổ chức thành lập  hội, xin giấy phép để hoạt động tuân theo đúng luật pháp Thái Lan. Các hội là nơi tập hợp bà con, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt góp phần xây dựng đất nước. Hoạt động hội chú trọng khơi dậy tình yêu quê hương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc, ngôn ngữ mẹ đẻ, xây dựng cộng đồng đoàn kết vững mạnh, khích lệ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. 

Các hội người Việt ở các tỉnh của Thái Lan có nhiều hoạt động phong phú. Nổi bật như: Hội người Việt Nam tỉnh NaKhon Phanôm đã tổ chức ngày sinh nhật Bác Hồ tại bản Na Choọc - Làng hữu nghị Thái Lan - Việt Nam nơi 82 năm trước Bác Hồ đã gây dựng cơ sở cách mạng Việt Nam và Hội Việt kiều cứu Quốc; Hội người Việt Nam tỉnh Uđon tổ chức ngày Lễ Quốc khánh 2/9 tại làng Nỏng Ôn; Hội người Việt Nam tỉnh Nong Khai tổ chức lễ thượng thọ Đức Vua Thái Lan đồng thời thượng thọ cho các cụ phụ lão - đây là dịp để con cháu nhớ lại công ơn những người có công từ hai cuộc kháng chiến và cũng là khơi dậy văn hóa Việt Nam... Hiện nay, Hội người Việt Nam các tỉnh đã luân phiên tổ chức Tết Nguyên đán cho kiều bào toàn Thái Lan, làm nổi bật vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam tại Thái Lan, được nhân dân bạn hoan nghênh và hưởng ứng rất đông. Nhiều hội mở các lớp dạy học trong gia đình cho con em Việt kiều, có hội đã đưa tiếng Việt Nam vào dạy trong trường  học của Thái; thường xuyên phát động bà con kiều bào quyên góp ủng hộ đồng bào Thái và Việt Nam gặp khó khăn.

Ông Cao Văn San- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Thái Lan

Đi đôi với giữ gìn bản sắc dân tộc, các Hội cũng đẩy mạnh công tác ngoại giao, tham dự các hội nghị và những ngày lễ lớn của tỉnh; là cầu nối giữa chính quyền địa phương với kiều bào, và là cầu nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Thái.

Hội người Việt Nam tại CH Séc luôn tăng cường các hoạt động thiết thực về tinh thần, vật chất đối với cộng đồng. Hội phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; vận động bà con cộng đồng tích cực chuyển đổi hình thức kinh doanh, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của Séc và EU; tổ chức các hội thảo giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Séc nhằm giúp cộng đồng người Việt Nam tìm hiểu những chủ trương chính sách mới của Séc và EU, làm cơ sở cho việc tiếp cận và hội nhập.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao vai trò của các tổ chức quần chúng của NVNONN trong những năm qua, đặc biệt là những vai trò của những người đứng đầu các tổ chức quần chúng. Ông cũng cho biết, qua Hội nghị, các cơ quan, ban ngành trong nước được tiếp cận, gặp mặt và lắng nghe ý kiến của các đại biểu kiều bào, đó là những kinh nghiệm quý về công tác vận động cộng đồng và công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của các tổ chức quần chúng của NVNONN.

Mong muốn sự hỗ trợ toàn diện và cụ thể hơn từ trong nước

Các đại biểu kiều bào về tham dự Hội nghị có vinh dự được tiếp xúc, bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng của mình với Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trong nhiều lĩnh vực.

Bà Thérèse Nguyễn Văn Ký bày tỏ, một số chính sách được Nhà nước ban hành như bỏ thị thực với những người gốc Việt Nam, dâu rể Việt Nam và những người thuộc thế hệ hai, ba, được đồng bào ở nước ngoài rất hoan nghênh và đã thúc đẩy kiều bào xích gần hơn với Tổ quốc. Bà nêu kiến nghị ngoài việc chú trọng dạy tiếng Việt cho con em ở nước ngoài, Nhà nước cần có chính sách thu hút nguồn chất xám to lớn của kiều bào cho công cuộc xây dựng đất nước.

Ông Cao Văn San đề nghị Nhà nước cần có những biện pháp, cơ chế quan tâm hỗ trợ cho các hội đoàn như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cho những người làm công tác hội đoàn; Nghiên cứu đưa việc giảng dạy tiếng Việt vào các trường sở tại cho các cháu từ tiểu học trở lên ở những nơi có điều kiện và có thể  làm được; Việc dạy tiếng Việt cần có đội ngũ giáo viên chính quy và cần có giáo trình cho giáo viên và sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên; Ủy ban Nhà nước về NVNONN có cơ chế quan tâm hỗ trợ Hội người Việt Nam Thái Lan, có chỉ tiêu cho các cụ lớn tuổi hàng năm được về thăm quê hương đất nước, nghiên cứu mở rộng thêm chính sách khen thưởng kiều bào có công…

Ông Hoàng Đình Thắng – Chủ tịch Hội người VN tại Séc

Ông Hoàng Đình Thắng – Chủ tịch Hội người VN tại Séc - nêu kiến nghị: cần tiếp tục có những chính sách phù hợp nhằm xoá bỏ sự phân biệt về quyền lợi giữa người ở trong nước và người ở ngoài nước; khi điều kiện cho phép có quyền bầu cử, ứng cử; tham gia vào Quốc hội Việt Nam hoặc các  tổ chức xã hội khác; quan tâm, giám sát xây dựng các cơ quan đại diện ở nước ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo tinh thần thực hiện tốt Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp của Việt kiều; tiếp tục triển khai lập chi nhánh của một số Ngân hàng thương mại ở bên ngoài để giúp thanh toán, chuyển tiền theo thông lệ chung. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các công ty, tổ chức và cá nhân đầu tư trở lại vào nước sở tại để cắm rễ, bám trụ lâu dài và tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ta ở nước ngoài, góp phần giúp cộng đồng ổn định, hội nhập và phát triển. Bộ Thông tin - Truyền thông quan tâm hơn đến những người làm báo Việt ngữ của cộng đồng, tiếp tục mở các lớp tập huấn và bổ túc cho các phóng viên, biên tập viên không chuyên của cộng đồng. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch hàng năm cần có kế hoạch và tăng thêm  kinh phí cử các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ông Thắng cũng cho biết, hiện nay, người Việt kinh doanh và lao động tại CH Séc dù đóng bảo hiểm xã hội, nhưng khi về Việt Nam hoặc chuyển đi nước khác, không được hưởng chế độ của việc đóng bảo hiểm xã hội nói trên. Vì vậy, ông Thắng đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai ký thoả thuận với phía Séc, tránh thiệt thòi cho một số trường hợp bà con về nước hay chuyển đi nước khác.                              

Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể của bà con kiều bào và các tổ chức hội đoàn. Lãnh đạo các hội đoàn cũng chia sẻ, học tập những kinh nghiệm của nhau và giúp các cơ quan chức năng trong nước có những đánh giá xác thực hơn về tình hình các hội đoàn, phục vụ công tác xây dựng chính sách và biện pháp vận động cộng đồng trong giai đoạn tới.

Hội nghị sẽ bế mạc vào cuối buổi sáng ngày mai 12/11.

Phương Thuận


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm