Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên và học sinh kiều bào tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan tham quan Vịnh Hạ Long

Tiếp tục các hoạt động trong Chương trình Đoàn Giáo viên và học sinh Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom sang thăm và giao lưu tại Việt Nam, ngày 7/5, Đoàn Giáo viên và học sinh kiều bào tỉnh Nakhon Phanom đến với Quảng Ninh để tham quan Vịnh Hạ Long, một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Quãng đường gần 4 giờ đồng hồ từ Hà Nội đến Hạ Long có làm các thành viên trong Đoàn hơi mệt mỏi, thế nhưng khi bắt đầu bước chân lên tàu tham quan Vịnh, mọi mệt mỏi đã bay biến hết, ai nấy đều háo hức, vui vẻ, phấn chấn, cảm thấy như tràn đầy sức sống trước cảnh đẹp choáng ngợp của Vịnh Hạ Long.

Nhắc tới Vịnh Hạ Long là nhắc đến một vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên đã được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Từ xưa, nơi đây đã được Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi mệnh danh là "kỳ quan đất dựng giữa trời cao". Vịnh Hạ Long nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp. Hàng trăm đảo đá, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau hết sức sinh động: hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Trống Mái, hòn Lư Hương… Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thần kỳ như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung… Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian.

Bà Janchai Upapong, Giáo viên Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom cho biết: “Trước đây, tôi chỉ biết tới Vịnh Hạ Long qua sách báo, trên mạng xã hội, ti vi, khi ấy tôi đã thấy hứng thú với cảnh đẹp nơi đây. Thế nhưng, cho tới khi được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, tôi mới cảm nhận được giá trị thực sự của cảnh đẹp nơi đây. Vịnh Hạ Long thực sự là bức tranh vô cùng hoàn hảo, khiến chúng tôi rất kinh ngạc, choáng ngợp”.

Suốt chuyến tham quan Vịnh, em Kwanchanich Wanichsirorut, học sinh Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom đã chụp rất nhiều ảnh, em chia sẻ: “Đến khi đặt chân vào động Thiên Cung, em có cảm giác như mình đang bước vào cung điện nguy nga, tráng lệ với rất nhiều nhũ đá lộng lẫy, muôn sắc màu. Đó thực sự là những tác phẩm tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên. Trong chuyến đi này, em đã chụp được rất nhiều ảnh đẹp, để khi trở về Thái Lan, em có thể kể cho gia đình và bạn bè về cảnh quan Vịnh Hạ Long”.

Chuyến thăm quan thực tế, tìm hiểu về vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long đã để lại trong lòng các giáo viên và các em học sinh những ấn tượng đẹp. Các thành viên trong Đoàn cảm nhận rõ được sự hùng vĩ, thiêng liêng của biển, trời Việt Nam, thêm yêu mến và tự hào là người con của đất Việt.

Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Vịnh Hạ Long bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa được đặt tên, diện tích 1.553km² gồm vùng lõi và vùng đệm. Vùng di sản trên vịnh Hạ Long được thế giới công nhận có diện tích 434km², như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía Tây), hồ Ba Hầm (phía Nam) và đảo Cống Tây (phía Đông), bao gồm 775 đảo với nhiều hang động, bãi tắm.

Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi địa danh này chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng. Vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng với hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.

Năm 1962, Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000.

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm