Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

21 chùa Việt tại Thái Lan là biểu tượng gắn bó giữa hai dân tộc

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi tới các hòa thượng ở các chùa Việt Nam tại Thái Lan lời cảm ơn chân thành nhất đối với những công lao của các hòa thượng trong việc kế tục, nuôi dưỡng, phát triển truyền thống Phật giáo Việt Nam trong suốt hơn 200 năm qua tại Thái Lan và khẳng định: 21 chùa Việt Nam tại Thái Lan chính là biểu tượng gắn bó giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Chiều 27/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi tiếp Đoàn Giáo hội Phật giáo Thái Lan, Phật giáo phái An Nam Tông Thái Lan, các Chư Tôn đức Hòa thượng trụ trì các chùa Việt Nam tại Thái Lan và các đại biểu kiều bào tại Thái Lan.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam và Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tham dự.

Hòa thượng Thích Minh Ân, Trụ trì đời thứ 6 của chùa Khánh Vân – một ngôi chùa cổ do các hòa thượng gốc Việt thành lập và trụ trì cho biết: Đến đời Vua Rama V (năm 1889), tông phái Phật giáo Việt Nam được chính thức công nhận là tông phái Phật giáo nước ngoài duy nhất tại Thái Lan, có tên Annamnikaya. Kể từ đó, nhiều ngôi chùa thuộc dòng Annamnikaya được xây dựng, góp phần truyền bá rộng rãi tông phái Phật giáo Việt Nam (An Nam tông) trong cộng đồng người Việt tại Thái Lan cũng như nhân dân sở tại.

Ông Lương Xuân Hòa, thành viên Hội Doanh nhân Thái – Việt chia sẻ: "Trong hành trình hoạt động cách mạng của mình, năm 1928 khi Bác Hồ dừng chân tại tỉnh Udon Thani, Bác đã lập nên trường tiếng Việt để cộng đồng người Việt tại Thái Lan luôn đoàn kết và gìn giữ cội nguồn văn hóa của dân tộc. Trải qua gần 90 năm, chúng tôi vẫn gìn giữ văn hóa, phong tục tập quán mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho bà con kiều bào. Năm 2014, chúng tôi vào quản lý chùa Khánh An, tỉnh Udon Thani. Và chúng tôi cũng đã xây dựng được một dãy nhà trong chùa vừa làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng, vừa tổ chức lớp học tiếng Việt. Hiện tại đã có 8 lớp học với hơn 70 học viên ở nhiều lứa tuổi. Đặc biệt có khoảng 20 vị sư học viết và nói tiếng Việt. Chúng tôi cũng đã quyên góp để đúc 2 đại chuông hòa bình hữu nghị có in bản đồ Việt Nam cho 2 chùa Việt tại Thái Lan. Với mong muốn tất cả các chùa Việt ở Thái Lan đều có chuông, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để nguyện vọng này nhanh chóng được thực hiện. An Nam Tông ngoài Việt Nam chỉ có ở Thái Lan, hơn 240 năm các sư Việt đã gìn giữ cho chúng ta, bởi vậy các chùa Việt sẽ là trung tâm đoàn kết và bảo tồn văn hóa và biểu tượng của Việt Nam trên đất nước Thái Lan".

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời chào nồng nhiệt tới các Chư Tôn đức Hòa thượng trụ trì các chùa Việt Nam tại Thái Lan, các đại biểu Phật giáo tại Thái Lan, các đại biểu kiều bào tại Thái Lan.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng gửi tới hòa thượng của 21 chùa Việt lời cám ơn chân thành với công lao đóng góp, góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam - Thái Lan phát triển. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhiên khẳng định, 21 ngôi chùa chính là biểu tượng gắn bó giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt, các hòa thượng phái An Nam tông là người kế tục, nuôi dưỡng Phật giáo Việt Nam hơn 240 năm qua. Các hòa thượng về đây chính là về với quê hương nuôi dưỡng Phật giáo của mình.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu về vị trí, vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 3 điều yêu thương: vận động nhân dân phải biết yêu Tổ quốc; biết yêu cha mẹ; biết yêu đồng bào trong nước và trên thế giới. 3 điều giữ gìn như: Giữ gìn hòa bình; giữ gìn văn hóa dân tộc; giữ gìn môi trường sống. 3 điều cố gắng: Vận động mỗi người cố gắng lao động, làm việc nuôi sống bản thân; cố gắng giúp những người nghèo, người khó khăn hơn mình; cố gắng giám sát chính quyền, góp ý để chính quyền hoạt động tốt hơn. “Các hoạt động của Mặt trận đều dựa trên nền tảng văn hóa của dân tộc, trong đó có gắn với nền tảng của Phật giáo với mục đích chăm lo cho người dân tốt hơn”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân vui mừng khi biết 7/21 ngôi chùa đã được mang tên Việt Nam, mong muốn phái An Nam tông với sự hỗ trợ của Hội Tăng già Thái Lan, Hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cố gắng để 21 chùa Việt Nam tại Thái Lan đều được mang tên Việt.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chúc các hòa thượng sức khỏe an lạc, có thêm nhiều sáng kiến nhằm củng cố mối quan hệ giữa Phật giáo hai nước Việt Nam - Thái Lan, giữa nhân dân Việt Nam và Thái Lan ngày càng tốt đẹp hơn.

Cũng trong chiều 27/3, Đoàn Đại biểu Phật giáo và kiều bào tại Thái Lan đã có buổi gặp gỡ với Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam - ông Manopchai Vongphakdi và tham quan Đền Ngọc Sơn.

Trả lời phóng viên báo chí, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, những ngôi chùa có nguồn gốc từ Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con. Đó là trung tâm của sự gắn kết, chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng người Việt nơi đất khách quê người. Các ngôi chùa Annamnikaya (hay An Nam tông, Việt tông) đã gìn giữ bản sắc văn hóa của người Việt, các giáo lý tôn giáo, đạo đức của tổ tiên ta truyền lại cho con cháu. Các ngôi chùa An Nam tông có sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa bản sắc Phật giáo của Việt Nam với Phật giáo của Thái Lan. Bởi vậy, đây chính là “chất keo” gắn kết cộng đồng người Việt Nam với các dân tộc ở Thái Lan, bà con kiều bào nhận được sự đùm bọc giúp đỡ của người dân Thái Lan.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cũng cho rằng, đây có lẽ là chuyến thăm, gặp gỡ lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội Phật giáo Thái Lan nói chung và với phái An Nam tông nói riêng. Bởi đây là lần đầu tiên Đoàn đại diện của 21 chùa Việt (21 điểm tôn giáo) ở Thái Lan về thăm Việt Nam. Đoàn đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Qua đó, các Chư Tôn đức cảm nhận được tình cảm chân thành của nhân dân trong nước đối với những người con xa quê hương. Qua các hoạt động này, thể hiện sự quan tâm của Việt Nam trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị với Thái Lan, tăng cường giao lưu giữa nhân dân 2 nước, giữa giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thái Lan. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam tin rằng với sự ủng hộ của Lãnh đạo và nhân dân 2 nước, Hội Chư tăng già Thái Lan, sự góp sức của cộng đồng người Việt tại Thái Lan và sự quyết tâm của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thì chúng ta vẫn luôn duy trì và phát triển các chùa Việt và gìn giữ được nét tâm linh của người Việt tại Thái Lan.

Thủy Nguyên

 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm