Kỷ niệm 65 năm thành lập Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Những năm tháng không thể nào quên với công tác kiều bào
Giữa năm 2017, sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Australia, tôi được điều động về công tác tại Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), tiền thân là Ban Việt kiều Trung ương, một cơ quan có tính chất liên ngành trực thuộc Chính phủ, được thành lập ngày 23/11/1959.
Với bề dày lịch sử, truyền thống vẻ vang, Ủy ban thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài. Tôi còn nhớ, tại địa chỉ 32 Bà Triệu, trước đó có nhà khách “Quê Hương”, nơi ở của rất nhiều thế hệ kiều bào mỗi khi về thăm Thủ đô, thăm đất nước.
Bên cạnh đó, tạp chí “Quê Hương”, cơ quan báo chí trực thuộc Ủy ban chuyên cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động của NVNONN và tình hình đất nước, cũng là tạp chí điện tử đầu tiên của cả nước khi nước ta kết nối Internet năm 1997.
Ở ngôi nhà “Quê Hương”
Nhắc đến những điều đó để thấy hai tiếng Quê Hương luôn hiện hữu trong tâm trí của những người Việt xa xứ. Đó vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với những người làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Mọi hoạt động của Ủy ban chính là nhằm quy tụ những người con xa quê, kể cả những người, do hoàn cảnh lịch sử, vẫn còn những ý kiến khác biệt về một số vấn đề cụ thể cuả đất nước, cùng hướng về Quê Hương, chung tay xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Tôi có may mắn, trong những năm công tác nhiệm kỳ ở các địa bàn khác nhau, đều được phân công phụ trách hoặc trực tiếp chỉ đạo công tác cộng đồng.
Sau này có nhiều dịp gặp lại những “con Lạc cháu Hồng” ở Nhật Bản, ở Australia và các địa bàn khác, tôi rất vui mừng được biết cộng đồng người Việt ta ở nước ngoài ngày càng phát triển cả về số lượng, mở rộng về địa bàn và ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của sở tại.
Cách đây đúng 20 năm, năm 2004, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 nhấn mạnh “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.
Nghị quyết chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động liên quan tới công tác về người Việt Nam ở nước ngoài kể từ đó đến nay và vẫn mang tính thời sự, giữ nguyên giá trị.
Để triển khai Nghị quyết 36, theo tôi, những năm qua Ủy ban đã thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm: củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước và hỗ trợ cộng đồng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt.
Về thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Nghị quyết 36 khẳng định:“Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Đây chính là tiền đề để Ủy ban tổ chức một loạt các sự kiện quan trọng dành cho kiều bào như Chương trình Xuân Quê hương, Trại hè dành cho thanh niên kiều bào, Thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, Giỗ tổ Hùng Vương… Những sự kiện như vậy đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong mọi thế hệ kiều bào, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tập thể Lãnh đạo và Cán bộ nhân viên Ủy ban đã trăn trở, tìm tòi những hướng đi mới, ngoài những sự kiện đã trở thành thương hiệu, nhiều hoạt động đã được tổ chức như Diễn đàn kiều bào trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2018, Giải Golf dành cho kiều bào toàn thế giới, thúc đẩy thành lập nhiều Hội đoàn người Việt như Liên hiệp các Hội người Việt tại châu Âu, các Hội người Việt, hội đồng hương, Phụ nữ, trí thức…ra đời tại một loạt quốc gia có đông người Việt sinh sống.
Trước sự phát triển mới của tình hình trong nước và trên thế giới, Ủy ban đã dày công nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền thông qua Đề án đại đoàn kết dân tộc. Đây sẽ là cơ sở để đẩy mạnh hơn nữa công tác đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới.
Phát huy nguồn lực kiều bào
Công tác phát huy nguồn lực kiều bào, nhất là nguồn lực kinh tế và khoa học công nghệ, được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Điều đó được minh chứng qua sự gia tăng của lượng kiều hối về Việt Nam các năm hoặc số lượng các dự án đầu tư, kinh doanh của kiều bào tại Việt Nam.
Riêng về nguồn lực khoa học công nghệ, có thể nói, đội ngũ đông đảo trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành hầu hết ở các quốc gia phát triển, được tiếp cận với những nền khoa học tiên tiến và nhiều người làm việc trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vai trò, nguồn lực quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Bác đã thuyết phục và mời các trí thức Việt kiều yêu nước trở về giúp Tổ quốc trong đó có GS Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh. Sau này, họ đều trở thành những chuyên gia đầu ngành, đặt nền móng khoa học cho nước nhà.
Ngày nay, lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, nhiều cá nhân nổi trội trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, vật lý lượng tử…được cộng đồng khoa học thế giới và các quốc gia vinh danh.
Nhiều tổ chức chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ra đời, như Hội chuyên gia, khoa học Việt Nam toàn cầu, Nhóm Sáng kiến Việt Nam, các mạng lưới đổi mới sáng tạo của người Việt và các hội chuyên gia, trí thức Việt Nam ở các nước , đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Ủy ban đã đi trước trong nhiều hoạt động liên quan cách mạng công nghệ 4.0.
Tôi còn nhớ, khi mới về Ủy ban được vài tháng đã được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức Hội thảo về năng lượng tái tạo và chuyển đổi số (tháng 8/2017) với sự tham gia và nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Ngay sau đó, Ủy ban đã phối hợp cùng UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hai Diễn đàn về đổi mới sáng tạo và Startup dành cho các bạn trẻ kiều bào và trong nước (tại San Fransisco vào tháng 12/2017 và tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 6/2018).
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận nói chung và của các bạn trẻ người Việt nói riêng, tạo tiền đề để các cơ quan liên quan xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sau này ở Việt Nam.
Còn nhiều sự kiện khác nữa, như Hôi nghị kiều bào với địa phương (Nghệ An-tháng 12/2019), Hội nghị kiều bào với chuyển đổi số và phục hồi kinh tế sau Covid-19 (TP. Hồ Chí Minh, tháng 10/2020), Hội thảo về công nghệ blockchain, về dữ liệu lớn, cuộc chiến chống Covid-19…cho thấy tiềm năng không giới hạn về tri thức và khoa học công nghệ của NVNONN.
Gìn giữ văn hoá dân tộc và tiếng Việt
Cùng với đó, Ủy ban cũng đã hỗ trợ hết mình trong khả năng có thể các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và dạy, học tiếng Việt trong cộng đồng.
Khi công tác nhiệm kỳ hay mỗi lần đi thăm cộng đồng ở các địa bàn, tôi đều xúc động khi chứng kiến những hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi của đồng bào ta.
Giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc như đã in sâu trong tâm trí người Việt, thể hiện trong những dịp như Tết cổ truyền của dân tộc, Lễ kỷ niệm Quốc khánh hay lễ hội Trung thu…
Khi ra nước ngoài, chúng ta bỗng thấy đâu đó tà áo dài hay những chiếc nón lá, lòng lại thấy nôn nao. Đúng như lời bài hát Một thoáng quê hương của nhạc sĩ Thanh Tùng: “Dù ở đâu Paris hay London, hay ở những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...”.
Tôi vẫn nhớ mãi chương trình nghệ thuật và trình diễn áo dài với chủ đề “Thủ đô Hà Nội trong lòng người xa xứ” do chính các kiều bào ở châu Âu biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội mùa Thu năm 2019.
Trong chuyến thăm Cộng hòa Czech năm 2018, tôi đến thăm một lớp học tiếng Việt và một lớp mẫu giáo tại Trung tâm thương mại Sa Pa, được chứng kiến sự nhiệt tình, tâm huyết của các cô giáo trẻ nơi đây.
Ai đó đã nói “Tiếng Việt còn thì dân tộc còn”. Chỉ khi ra nước ngoài sinh sống chúng ta mới thấm thía điều đó. Dẫu biết rằng việc duy trì tiếng Việt trước hết phải là công việc tự thân của mỗi gia đình, nhưng sự trợ giúp của trong nước cũng hết sức cần thiết.
Các lớp tập huấn dạy tiếng Việt nhằm cung cấp kỹ năng sư phạm cho kiều bào, những chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình, hay gần đây nhất là Ngày tôn vinh tiếng Việt không chỉ truyền cảm hứng và giúp duy trì tiếng Việt trong cộng đồng mà còn giúp tôn vinh một di sản văn hóa của dân tộc.
Để thực hiện tốt những trọng tâm công tác nêu trên, Ủy ban đã hết sức nỗ lực, không ngừng đổi mới cách làm, chủ động nghiên cứu, tham mưu nhiều chính sách, xây dựng pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào ta cống hiến cho quê hương, đất nước.
Có được thành quả như ngày hôm nay là do công sức, sự thực tâm, chân thành đối với đồng bào ta ở nước ngoài của nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Ủy ban Nhà nước về NVNONN.
Đại sứ Lương Thanh Nghị
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài