Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

65 năm kết nối kiều bào với đất nước: Nhìn lại hôm qua, hướng đến ngày mai

Là Trưởng Ban Việt kiều Trung ương (VKTW) cuối cùng và là Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), tôi ghi lại trong bài viết này những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp từ Ban VKTW sang Ủy ban về NVNONN để từ đó cùng nhìn về tương lai.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân

Tháng 7/1992, tôi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IX, nhiệm kỳ 1992-1997. Tháng 10/1992, sau khi Chính phủ mới được thành lập, tôi nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước để đảm nhiệm công tác Trưởng Ban VKTW trực thuộc Chính phủ.

Đất nước lúc đó đang bị bao vây cấm vận. Sự thay đổi thể chế chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu đảo lộn trao đổi thương mại của Việt Nam.

Nhiều bài toán kinh tế phải có hướng giải quyết khác chỉ trong một thời gian ngắn. Đường lối Đổi mới thông qua tại Đại hội VI của Đảng bắt đầu vực dậy sinh lực và tiềm năng của đất nước.

Số người ra đi bất hợp pháp có giảm, thay vào đó là những đợt xuất cảnh theo Chương trình ra đi có trật tự và theo diện đoàn tụ gia đình.

Cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài đông và đa dạng hơn thời kỳ trước 1975.

Công tác vận động kiều bào trong quyết sách Đổi Mới

Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh đó, tôi ý thức trách nhiệm nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao cho, và nhận thức rằng công tác kiều bào phải thể hiện đường lối Đổi mới chung. Một tháng sau, sau khi bàn bạc trong tập thể Ban VKTW, tôi đến báo cáo với Thủ tướng dự kiến triển khai nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng lắng nghe, hỏi thêm và nhấn mạnh phải sớm đến với kiều bào, một mặt, trình bày thật rõ ràng tình hình thực tế đất nước và đường lối đổi mới để kiều bào thấy cái thế của đất nước; mặt khác, lắng nghe ý kiến, kể cả những ý kiến khó nghe nhất và nguyện vọng mà kiều bào đề đạt để xây dựng chính sách.

Điểm xuất phát là phải xem kiều bào, ra đi vì bất cứ lý do gì, vào thời điểm nào, đều là con dân của Tổ quốc Việt Nam; phải tin rằng mọi người Việt Nam đều có lòng yêu nước, những thành tựu của đường lối Đổi mới sẽ thổi bùng lên lòng yêu nước đó, gắn kết bà con với quê hương.

Thủ tướng căn dặn, đất nước còn nghèo, chậm phát triển, phải quý trọng chất xám, nhất là của những người có thực tài muốn góp phần xây dựng đất nước, trong khoa học công nghệ cũng như trong văn hóa nghệ thuật. Thủ tướng nhắc phải chung thủy với kiều bào ở Thái Lan, Lào và Campuchia, những cộng đồng đã hy sinh không kể xiết trong suốt hai cuộc kháng chiến.

Từ những ý kiến chỉ đạo trên, Ban VKTW, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ, tổ chức Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu 1993 trong hai ngày 8 và 9/2/1993. Thủ tướng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tham dự hội nghị và trực tiếp nghe ý kiến của kiều bào.

Sự quan tâm của Thủ tướng đến ý kiến của kiều bào thể hiện qua việc chưa đầy ba tuần sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng về các việc cần triển khai: nghiên cứu việc Việt kiều mong muốn mang hai quốc tịch để thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống tại nước sở tại (giao cho Bộ Tư pháp); về những biện pháp khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước (Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư trình); về nhập xuất cảnh, cư trú và đi lại của kiều bào (Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và Ban VKTW có văn bản hướng dẫn); đồng ý về nguyên tắc việc thành lập ngân hàng Việt kiều ở Việt Nam (Ban VKTW và Ngân hàng nhà nước nghiên cứu ý kiến đề xuất của Việt kiều tại hội nghị, xây dựng phương án chi tiết trình Thủ tướng Chính phủ); đồng ý về nguyên tắc việc thành lập Trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ Việt kiều cho người đã trưởng thành (Ban VKTW và các ngành có liên quan làm việc với các Việt kiều đã đề xuất tại hội nghị, xây dựng phương án chi tiết trình Thủ tướng Chính phủ); đồng ý cho Ban VKTW sử dụng cơ chế tư vấn của trí thức Việt kiều giúp Chính phủ trong một số lĩnh vực công tác (Ban VKTW tham khảo ý kiến của các Bộ ngành liên quan, xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và quy chế hoạt động của các ban tư vấn trình Thủ tướng xem xét, quyết định).

Nhìn lại, nhiều nội dung đã được thực hiện, có việc nhanh sau đó, có việc nhiều năm sau, và một số nội dung chưa thực hiện được. Nhiều giáo sư trong và ngoài nước đề xuất sớm tổ chức một hội nghị tư vấn với nội dung giáo dục đại học Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI.

Ban VKTW và Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực phối hợp chuẩn bị và đã trình đề án hội nghị tư vấn này với Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, rồi sau đó với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nhận được sự đồng ý của hai đồng chí, Hội nghị tư vấn về giáo dục đại học Việt Nam trước thách thức của thế kỷ XXI đã được tổ chức Xuân Giáp Tuất, tháng 2 năm 1994.

Hơn 110 chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó 43 người từ 11 nước bên ngoài về, đã làm việc trong suốt ba ngày liền, thảo luận sâu và không hề cảm thấy một sự ngăn cách nào, trên 7 chuyên đề: (1) Hệ thống giáo dục đại học về cơ cấu trình độ và cơ cấu loại trường; (2) Hệ thống giáo dục đại học phân bố trên lãnh thổ; (3) Vấn đề quản lý hệ thống đại học; (4) Những biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đại học; (5) Những biện pháp để gắn giảng dạy và nghiên cứu khoa học với phát triển kinh tế xã hội; (6) Những biện pháp để tăng cường hợp tác quốc tế và huy động chuyên gia người Việt ở nước ngoài góp phần xây dựng giáo dục đại học Việt Nam; (7) Trong điều kiện GDP của Việt Nam còn thấp, có những biện pháp gì để có nguồn tài chính cần thiết cho giáo dục đại học.

Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, trong số các công việc cần triển khai ngay, Ban VKTW, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan, chuẩn bị trình Bộ Chính trị Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã được ban hành ngày 29/11/1993.

Văn kiện khẳng định “NVNONN là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “Tinh thần người Việt Nam yêu nước Việt Nam phải vượt lên trên những khác biệt về tôn giáo, dân tộc, hoàn cảnh kinh tế và cả sự khác nhau về chính kiến”.

Chính sách và công tác NVNONN phải đáp ứng những yêu cầu chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường đoàn kết tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, (…), cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và phẩm giá con người Việt Nam, tôn trọng luật pháp nước sở tại, hòa nhập với xã hội và nhân dân nước sở tại; giúp kiều bào hiểu tình hình đất nước, phát huy khả năng góp phần xây dựng quê hương, kết hợp lợi ích của mình và của đất nước.

Trong các chính sách và biện pháp, văn kiện nêu rõ: ưu tiên mời chuyên gia là người Việt Nam trong các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương với bên ngoài; mời giáo sư và chuyên gia về giảng dạy ở các trường đại học, hoặc tham gia các chương trình nghiên cứu triển khai, kể cả trong lĩnh vực quản lý vĩ mô; thành lập Ủy ban về NVNONN thay Ban VKTW và kiện toàn cơ quan này.

Khoảng thời gian làm việc ở Ban VKTW và sau đó ở Ủy ban về NVNONN trực thuộc Chính phủ, tôi được tham gia đoàn của Thủ tướng Chính phủ trong các chuyến thăm chính thức Australia, Pháp, Bỉ, CHLB Đức, Anh, Cuba và Campuchia. Điều này thể hiện mối quan tâm mà Thủ tướng dành cho công tác kiều bào.

Mỗi chuyến công tác, mặc dù rất bận, Thủ tướng vẫn dành sự quan tâm gọi riêng tôi và những thành viên khác có liên quan để nhận xét và góp những ý kiến sâu sắc về công tác vận động cộng đồng người Việt ở địa bàn trong mối quan hệ với chính quyền nước sở tại.

Lúc ở Cuba, Thủ tướng phân công tôi làm việc với các đồng chí nước bạn, trao đổi kinh nghiệm vận động kiều dân.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân (hàng sau, thứ 2 từ trái qua) cùng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một số chuyên gia NVNONN đã có dịp làm việc với Thủ tướng, đề xuất những ý kiến tư vấn trên nhiều lĩnh vực. Thái độ ân cần, cởi mở, lắng nghe và chân tình trao đổi của Thủ tướng đã để lại ấn tượng khó quên, một sự kính trọng nhưng gần gũi nơi người đối thoại, cho dù kiều bào đó là trí thức ở Pháp, ở CHLB Đức, ở Anh, nhà kinh tế, nhà báo ở Hoa Kỳ, doanh nghiệp ở Australia.

Tháng 11/1997, Hội nghị cấp cao lần thứ 7 Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp đón một hội nghị quốc tế quy mô lớn, ở cấp nguyên thủ quốc gia.

Tháng 3/1996, tôi nhận được quyết định thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN để nhận nhiệm vụ mới là Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban quốc gia tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7. Sau Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, tháng 11/1997 tôi được chuyển về công tác chuyên trách ở Quốc hội, với nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Dù ở vị trí công tác nào, tôi vẫn đinh ninh lời dặn của cố Thủ tướng Võ văn Kiệt: “Xây dựng hệ thống chính sách, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vận động cộng đồng có kết quả, là ba quá trình có quan hệ hỗ tương. Không thể nóng vội nhưng phải làm hết sức tích cực”.

Hướng về tương lai

Việc kết nối kiều bào với đất nước ngày nay thuận lợi hơn trước đây nhiều. Đất nước yên bình, cuộc sống không ngừng đi lên mặc dù chịu ảnh hưởng không ít của tình hình thế giới ngày càng biến động và bất định, vị thế của đất nước trên thế giới ngày càng nâng cao và được công nhận là một hình mẫu phát triển thành công của một nước đang phát triển.

Cũng đã có nhiều thay đổi về phía kiều bào. Đã có ít nhất một thế hệ đã trưởng thành, đang tham gia vào đời sống tại các nước sở tại, tiếp cận những tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất. Cộng đồng người Việt được các nước sở tại công nhận là nghiêm túc và thành đạt.

Khoa học công nghệ ngày rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian với gia đình và đồng nghiệp ở trong nước, là một tiền đề thuận lợi cho cộng tác, hợp tác trong-ngoài nước. Các thế lực thù địch, chống phá Nhà nước Việt Nam ngày càng mất dần ảnh hưởng lên cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Ảnh: Tuấn Anh

Trong bối cảnh mới này, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phù Phạm Minh Chính chỉ đạo rất sâu sát. Tôi chỉ xin đóng góp một vài suy nghĩ nhỏ.

Những thuận lợi cho công tác kết nối kiều bào khi mối bang giao giữa Việt Nam với các nước mở rộng và đi vào chiều sâu càng được phát huy khi tâm tư, nguyện vọng và khả năng tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước một mặt, những vướng mắc mặt khác được nắm bắt và giải quyết kịp thời.

Nói cách khác, công tác vận động không mất đi mà được thể hiện dưới những dạng thức khác, bằng những việc làm đúng lúc, cụ thể. Thái độ chân thành, vì lợi ích của đất nước mà giải quyết các vướng mắc sẽ kết nối kiều bào nhiều và bền chặt hơn nữa với đất nước.

Kiều bào nhận thức khá rõ những thách thức mà Việt Nam đang đối diện: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai bão lũ, an ninh nguồn nước, “bẫy thu nhập trung bình” trong quá trình vươn tới nền kinh tế có mức thu nhập cao...

Nhận thức này đưa kiều bào đến gần với quê hương và thôi thúc kiều bào, trong chừng mực có thể, tham gia vào tiến trình đi lên của đất nước.

Tôi tin rằng Ủy ban Nhà nước về NVNONN, các cơ quan đại diện ngoại giao phát huy những kết quả đã đạt được, sẽ thành công hơn nữa trong công tác vận động, luôn là mái nhà chung của kiều bào, đề xuất với Đảng và Nhà nước những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để cộng đồng ngày càng gắn bó và tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.

Nguyễn Ngọc Trân

Giáo sư Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước (1980-1992), nguyên Trưởng Ban VKTW, Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN (1992-1996), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (1997-2007), Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI (1992-2007)

 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm