Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò và ý nghĩa của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác Dân vận của Đảng

Sau Kết luận số 14-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nêu rõ: “Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước”.

                                                               


 Người Việt Nam ở Séc biểu diễn múa quan họ tại quảng trường Praha
trong lễ hội quốc tế “Praha - Trái tim của các dân tộc”


Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, kể từ khi thành lập Đảng cho đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiều kiều bào và nhiều tổ chức quần chúng của người Việt Nam ở ngoài nước không ngại khó khăn và cách trở, luôn hướng về Tổ quốc bằng những “tấm lòng vàng” và hành động thiết thực.

Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập và công tác ở hơn 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, trên 80% ở các nước công nghiệp phát triển. Đa số người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng luật pháp, phong tục tập quán của nước sở tại; tích cực đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Các tổ chức hội, câu lạc bộ, ban liên lạc… của người Việt Nam ở nước ngoài được hình thành và ngày càng phát triển. Hiện có trên 1.000 tổ chức hội, đoàn, câu lạc bộ… chủ yếu là của kiều bào ta đang hoạt động; có hàng trăm tổ chức đảng, tổ chức quần chúng chủ yếu của cán bộ, đảng viên, lưu học sinh, người lao động Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc các tổ chức thuộc hệ thống chính trị trong nước. Nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú như: văn hoá, thể thao, trao đổi học thuật, giao lưu, nắm bắt thông tin, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ đồng bào trong và ngoài nước…

Hiện có trên 400.000 trí thức kiều bào, chiếm gần 10% số người Việt Nam ở nước ngoài, họ là chuyên gia giỏi đang làm việc ở những lĩnh vực công nghệ cao: điện tử, sinh học, vật liệu mới, hàng không vũ trụ…; nhiều người nắm giữ những vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế. Đại đa số trí thức Việt kiều dù sống xa Tổ quốc, nhưng luôn nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước, hướng về cội nguồn và dòng tộc; nhiều người đã đóng góp vật chất, tinh thần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, họ luôn mong muốn làm nhịp cầu giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa…



 Đoàn biểu tình của người Việt nhuộm đỏ quảng trường Robert Schumann
trước trụ sở Ủy ban châu Âu tại Bỉ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép
giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam, tháng 5/2014


Các doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều lợi thế tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Họ đã tích cực vận động cho việc ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế; giúp doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thị trường, pháp luật kinh doanh và thúc đẩy quan hệ với các đối tác. Các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, giáo dục, tài chính…; lượng kiều hối do người Việt Nam ở nước ngoài gửi về hằng năm trên dưới 10 tỷ USD đã góp phần thiết thực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm… cho đất nước.

Tại thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phong trào yêu nước hướng về biển, đảo Tổ quốc của người Việt Nam ở nước ngoài như một làn sóng rất mạnh mẽ và xúc động. Bằng các hình thức như mit-tinh, biểu tình, diễn đàn, tọa đàm, quyên góp… đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, hướng về nguồn cội, thể hiện quyết tâm và tinh thần Tổ quốc là trên hết.

Lúc sinh thời, bằng trải nghiệm hoạt động cách mạng với thực tiễn cực kỳ phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vị trí, ý nghĩa và sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bác là tấm gương về đoàn kết, đồng hành và tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của trí thức là Việt kiều yêu nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; qua đó, Người gắn bó và kết giao với nhiều nhà hoạt động xã hội tiêu biểu của các nước có cảm tình và ủng hộ cách mạng Việt Nam. Nhờ thấu hiểu tấm lòng yêu nước của kiều bào, Bác luôn dành tình cảm đặc biệt đối với họ. Năm 1946, trong “Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm”, Người đã đánh giá cao tấm lòng của những người con đất Việt tuy ở nơi đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến quê hương đất nước: "Còn Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế"(1).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương về người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Sau Kết luận số 14-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nêu rõ: “Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước; góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước”. Những nghị quyết, kết luận nêu trên là một hệ thống các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp rất hoàn chỉnh và có giá trị, đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi công tác dân vận của Đảng nói chung, công tác vận động quần chúng của Đảng nói riêng đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhằm tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống, lao động, học tập và công tác, khắc phục những khó khăn, thách thức của cộng đồng người Việt ở các nước sở tại, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay và để phát huy vai trò và ý nghĩa của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác dân vận của Đảng trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

1- Tiếp tục quán triệt và triển khai trong các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về đường lối, chính sách trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về các lĩnh vực đầy đủ, kịp thời đến với kiều bào, góp phần củng cố niềm tin trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về thành quả của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Cán bộ làm công tác ngoại giao ở nước ngoài từ lời nói đến việc làm phải học tập và làm theo tư tưởng của Bác: “Để đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam"(2).

2- Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần tự trọng, tự hào, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc Việt Nam; đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương... Các cơ quan hữu quan trong nước, trong đó có Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao cần phối hợp, kết nối với Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước với các cá nhân, tổ chức tiêu biểu trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp mọi nguồn lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tham mưu và phối hợp tổ chức các hoạt động đã trở thành dấu ấn tiêu biểu như Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với sự tham dự của đại biểu kiều bào tại các địa bàn trên thế giới; Trại hè Việt Nam dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào; Đoàn đại biểu kiều bào thăm, tặng quà nhân dân và cán bộ, chiến sỹ huyện đảo Trường Sa, dự các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và dân tộc; Chương trình Xuân Quê hương được tổ chức hằng năm…

3- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài, trước hết là tôn trọng, lắng nghe các ý kiến tâm huyết của trí thức, doanh nhân, nhà quản lý để họ phát huy hết sức lực, trí tuệ của mình trong việc tham gia góp ý các nội dung được lấy ý kiến theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

4- Tăng cường công tác vận động, tập hợp thế hệ trẻ kiều bào, tập trung đầu tư cho công tác dạy và học tiếng Việt tại địa bàn nước sở tại, đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy và học tiếng Việt để mọi thành phần, tổ chức tham gia. Từng bước mở rộng sự tham gia của kiều bào yêu nước tiêu biểu vào MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước. Kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách; triển khai các biện pháp tranh thủ và thu hút các trí thức, doanh nhân, nhà quản lý là kiều bào vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm; có chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

5- Các cấp ủy đảng ở ngoài nước và các Cơ quan đại diện ta cần bám sát chủ trương của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nắm chắc tình hình cộng đồng, nhất là những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của kiều bào để tập hợp báo cáo, phản ánh cho Đảng, Nhà nước (qua Bộ Ngoại giao, Ban Dân vận Trung ương…); đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động của các hội quần chúng ngày càng thiết thực, hiệu quả và làm tốt công tác bảo hộ công dân. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, giải đáp một số kiến nghị chính đáng của kiều bào như cơ chế, phương pháp lấy ý kiến tham gia của các hội quần chúng, những cá nhân tiêu biểu trước khi Nhà nước ban hành các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề quyền ứng cử, bầu cử đại biểu Quốc hội, được sở hữu trong mua, thừa kế nhà ở và đất ở tại Việt Nam.v.v.

Nguyễn Thế Trung
Ủy viên Trung ương Đảng
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

----------------------- 

 1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2000, tập 4, tr.245.

2. Gửi các đồng chí lên đường, sđd, tập 5, tr.853.


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm