Tạo niềm tin, chỗ dựa chắc chắn cho kiều bào
LTS: Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), Thứ trưởng Ngoại giao - Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về sự trưởng thành, phát triển của Ủy ban với nhiều bước đột phá trong công tác vận động kiều bào và những dự định trong thời gian tới.
|
PV: Thưa ông, 55 năm qua, Ủy ban có những bước phát triển vượt bậc trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Ông cho biết những điểm mạnh trong công tác vận động NVNONN mà Ủy ban đã làm được trong những năm qua?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Điểm mạnh quan trọng nhất trong thành công của công tác NVNONN trong suốt 55 qua, đặc biệt sau khi thành lập Ban Việt kiều Trung ương, sau này là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là việc chúng ta khẳng định cộng đồng NVNONN là bộ phận máu thịt không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đó là điều rất quan trọng, tạo cho bà con có niềm tin, chỗ dựa chắc chắn là quê hương đất nước.
Đạt được đồng thuận này không phải dễ dàng, nhất là trong thời kỳ đầu sau chiến tranh, vẫn có một bộ phận cho rằng NVNONN không phải là người Việt Nam. Nhưng hiện nay, chúng ta khẳng định đất nước Việt Nam luôn là chỗ dựa gắn bó với bà con ở nước ngoài, đó là thành công đầu tiên.
Thứ hai, chúng ta khẳng định rõ vai trò và vị trí của bà con kiều bào trong các hoạch định chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN mà đỉnh cao là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Tiếp đó, Chính phủ đã có một chương trình hành động hết sức cụ thể và đã triển khai rất tốt trong suốt 10 năm qua rộng khắp và xuyên suốt tại tất cả các địa phương, bộ, ban, ngành trên cả nước.
Thứ ba, chúng ta đã thay đổi được nhận thức quan trọng trong quần chúng nhân dân trong nước, coi NVNONN là anh em ruột thịt và khẳng định họ là người Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa của nó - được hưởng đầy đủ quyền lợi như người Việt Nam ở trong nước. Đây là điều không hề dễ dàng mà là cả một quá trình vận động tuyên truyền hiểu nhau từ hai phía trên cơ sở NVNONN tạo được uy tín đối với người Việt Nam ở trong nước.
Điểm mạnh thứ tư là tập hợp tất cả các thành công ở trên, đó là tự thân cộng đồng NVNONN phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Hiện nay có khoảng 4,5 triệu NVNONN sinh sống trải rộng trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vị thế của bà con ở nước ngoài được khẳng định qua việc thực thi pháp luật sở tại, có tinh thần lao động chăm chỉ, có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước nơi mình sinh sống, tạo cho Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn tại nước ngoài, qua đó chứng tỏ được nền văn hóa của chúng ta là bộ phận không tách rời trong cộng đồng văn hóa đa sắc tộc trên thế giới.
|
PV: Ủy ban có những chương trình và hoạt động như thế nào trong việc mời gọi các chuyên gia, trí thức kiều bào về xây dựng đất nước, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trong những giai đoạn đầu lập nước, Bác Hồ đã nhìn trước và nhận rõ vai trò, tiềm năng, vị thế của kiều bào ở nước ngoài. Chính nhờ chính sách đúng đắn của Bác mà chúng ta thu hút được nhiều kiều bào nổi tiếng tham gia quá trình đấu tranh giải phóng đất nước, tiêu biểu như: giáo sư Trần Đại Nghĩa đã có nhiều sáng chế trong việc phát minh ra vũ khí như súng Bazoka, là nỗi khiếp sợ của quân thù; bác sĩ Trần Hữu Tước - Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai - chữa trị cho rất nhiều bộ đội và đồng bào ta trong kháng chiến; bác sĩ Đặng Văn Ngữ có công rất lớn trong việc tổ chức sản xuất kháng sinh và thực hiện nghiên cứu vắc-xin chữa trị bệnh sốt rét cho bộ đội… Và còn nhiều tấm gương khác của kiều bào đã tham gia xây dựng Miền Bắc trong những năm đầu khó khăn đó. Gần đây, có giáo sư Ngô Bảo Châu, sau thành công của mình, cũng về nước trực tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu.
Tiềm lực chất xám luôn được coi là thế mạnh của cộng đồng NVNONN, với hơn 400 ngàn chuyên gia, trí thức NVNONN (chiếm khoảng 10 -15% cộng đồng), bao gồm người có trình độ từ đại học trở lên, các chuyên gia và kỹ thuật viên có tay nghề cao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất tự hào khi số kiều hối mỗi năm đều tăng, dự kiến trên 10 tỷ đô la vào năm 2014. Trong những thành công như thế, Ủy ban ghi nhận sự tham gia hiệu quả từ các cơ quan phối hợp như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận TW, khối Đảng ủy ngoài nước và các bộ, ngành liên quan.
Từ khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới đến nay, với những chính sách khuyến khích trí thức kiều bào về nước làm việc, hàng năm có khoảng hơn 300 lượt trí thức kiều bào chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật... thuộc nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ hạt nhân, toán học, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, quy hoạch kiến trúc, nông nghiệp, sinh học, vật liệu mới... về nước làm việc, trong đó nhiều trí thức có tên tuổi đã về định cư hoặc làm việc dài hạn ở trong nước tại các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kinh doanh, các công ty xuyên quốc gia…
Đối với Ủy ban, việc khẳng định vị thế nguồn lực chất xám, tri thức của NVNONN là rất rõ, khi chúng ta có truyền thống hiếu học, thông minh, cần cù chịu khó, chúng ta có nhiều học giả nổi tiếng, sơ bộ có khoảng 400 nhà khoa học, học giả tại nước ngoài. Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể, giao cho Ủy ban thực hiện nhiều hoạt động để tạo hành lang pháp lý đúng đắn nhằm thu hút nguồn lực chất xám quí báu này.
Trọng trách của Ủy ban là nắm bắt nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của bà con kiều bào, từ đó đề xuất với Đảng và Nhà nước có các chính sách phù hợp. Về chương trình và hoạt động vận động chuyên gia trí thức NVNONN về xây dựng đất nước, Uỷ ban đã tham gia thực hiện một số chương trình như:
Chương trình TOKTEN - Chương trình chuyển giao tri thức thông qua kiều dân do UNDP cùng Ủy ban Khoa học Nhà nước và Ủy ban triển khai tại Việt Nam (1989 – 1992) - đã thu hút được 40 chuyên gia kiều bào về nước làm công tác tư vấn cho các bộ, ngành và thiết lập hồ sơ 194 chuyên gia kiều bào tiềm năng. Ủy ban đã chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề dành riêng cho trí thức kiều bào với nhiều chủ đề thiết thực đối với công cuộc phát triển đất nước từ các vấn đề kinh tế - xã hội, về phát triển công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao… thu hút hàng trăm trí thức, nhà khoa học kiều bào tham gia.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, với những chính sách lớn của đất nước như Dự thảo Nghị quyết của Đại hội Đảng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chúng ta đều gửi cho bà con kiều bào để lấy ý kiến đóng góp và nhận được nhiều ý kiến rất tâm huyết và xác đáng, được đưa vào điều chỉnh trong các văn bản của Nhà nước.
Thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng các chính sách, nghị định đối với trí thức NVNONN, Uỷ ban sẽ có các hoạt động nhằm thúc đẩy công tác thu hút trí thức như liên kết các mạng chuyên gia trí thức VNONN và trong nước như nhóm Hội thảo Hè, Đối thoại giáo dục, Nhóm sáng kiến Việt Nam (Mỹ), Hội chuyên gia, các nhà khoa học tại Pháp, Nhóm Colombo tại Úc… Phối hợp với các bộ, ban, ngành mời và hỗ trợ các chuyên gia trí thức về nước tham gia các hội nghị hội thảo, tư vấn, tham gia các dự án phát triển khoa học công nghệ và giảng dạy đại học… Phối hợp với Bộ Khoa học – Công nghệ triển khai dự án First do WB tài trợ và V-kist nhằm thu hút kiều bào về tham gia phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
PV: Công tác thông tin, giữ gìn văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đã được Ủy ban chú trọng quan tâm như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Đối với Ủy ban, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Công tác này được thể hiện qua việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông, đẩy mạnh thông tin hai chiều, thông tin về tình hình đất nước cho kiều bào và thông tin về đời sống cộng đồng NVNONN cho trong nước. Góp phần nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức cộng đồng, tăng cường đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau để ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương đất nước.
Uỷ ban đã đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan truyền thông nhằm đa dạng hoá việc truyền tải thông qua các phương tiện truyền thông (truyền hình, báo mạng, báo viết, phát thanh…) để có thể đến với cộng đồng NVNONN ở các khu vực trên thế giới. Tạo điều kiện để phóng viên NVNONN về nước trực tiếp chứng kiến và đưa tin khách quan về tình hình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức các chương trình hội thảo, giao lưu… tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tiếng Việt ở nước ngoài tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên môn với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước.
Ủy ban cũng tổ chức nhiều hoạt động kết hợp hài hòa các yếu tố lịch sử và truyền thống, tạo điều kiện cho kiều bào hiểu hơn về những giá trị văn hoá, truyền thống của dân tộc, như: Chương trình Xuân Quê hương, các đoàn kiều bào tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, dự Quốc khánh và các lễ kỷ niệm lớn của đất nước, Trại hè Việt Nam (11 năm)... Chú trọng đến các hoạt động “uống nước nhớ nguồn” đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của kiều bào, thể hiện chính sách tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước thông qua việc phối hợp tổ chức lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ tại Trường Sa, Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang)… Tổ chức các đoàn văn nghệ phục vụ kiều bào tại các nước có đông người Việt Nam định cư. Phối hợp tổ chức các cuộc liên hoan văn nghệ, thi tiếng hát truyền hình, thi hoa hậu NVNONN.
Đối với công tác tiếng Việt, Ủy ban đã hỗ trợ và phối hợp hỗ trợ nhiều dự án xây dựng trường, lớp cho con em kiều bào tại một số địa bàn khó khăn. Cụ thể như hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện 6 dự án xây trường học tiếng Việt cho con em kiều bào ở Lào, trong đó nổi bật là việc xây trường Nguyễn Du mới ở Thủ đô Vientiane, thực hiện 5 dự án xây trường học tiếng Việt cho con em kiều bào ở Campuchia. Mở các lớp tập huấn kỹ năng sư phạm cho các giáo viên dạy tiếng Việt cho cộng đồng, Tổ chức Trại hè Việt Nam và một số trại hè học tiếng Việt, nhằm tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên VNONN về nước trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt. Tổ chức nhiều chương trình, hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, như Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt” (tháng 9/2011), Hội thảo “Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN” (tháng 8/2013).
|
PV: Thưa ông, trong thời gian tới những chính sách hướng tới cộng đồng NVNONN có gì mới?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chúng ta đã làm được rất nhiều trong việc cởi mở chính sách, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho bà con, đặc biệt là trên các vấn đề mua và sở hữu nhà ở, hồi hương, giữ quốc tịch cho bà con… tạo sức hút lớn và niềm tin cho bà con trở về tham gia làm khoa học, đầu tư, kinh doanh đóng góp xây dựng đất nước.
Nhưng cũng phải nhìn nhận, những chính sách đó cần phải hoàn thiện và cởi mở hơn nữa để tạo thuận lợi cho bà con. Hiện nay, có thể khẳng định rõ Nghị quyết 36 vẫn còn nguyên giá trị và chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động NVNONN tham gia xây dựng đất nước trong tình hình mới.
Sắp tới, Ủy ban dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành một chương trình hành động trong giai đoạn tiếp theo để khẳng định tầm quan trọng của các chính sách trong Nghị quyết 36, từ đó sẽ triển khai rộng khắp tại địa phương, mỗi cơ quan, bộ, ban, ngành đều có chương trình hành động riêng của mình đối với NVNONN. Đặc biệt, Ủy ban cũng nghiên cứu chuẩn bị các đề án lớn để thu hút nguồn lực tri thức kiều bào tham gia, một số các đề án khác sẽ thu hút các nhà khoa học trẻ, tiếp tục duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng NVNONN; phát triển, mở rộng các trường học tiếng Việt cho con em ở nước ngoài thế hệ thứ 3, thứ 4…; tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để bà con kiều bào có điều kiện tham gia. Đó là những hướng chính Ủy ban sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới để tạo những bước phát triển mới trong công tác vận động NVNONN.
PV: Ông có thể cho biết những điểm nhấn trong hoạt động của Ủy ban vào năm 2015 khi có những sự kiện lớn của đất nước?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2015 là một năm kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước, đặc biệt là Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhận thấy rõ trọng tâm và trách nhiệm của mình đối với hoạt động cộng đồng của kiều bào. Uỷ ban sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động dành cho NVNONN hướng tới Lễ kỷ niệm và tổ chức các đoàn đại biểu kiều bào tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm cấp quốc gia.
Mở màn cho chuỗi sự kiện năm 2015, phải kể đến chương trình Xuân Quê hương “Tổ quốc vinh quang” được tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của đông đảo kiều bào. Tiếp đó, chúng tôi tổ chức nhiều đoàn kiều bào tham quan các di tích lịch sử trên cả nước, Trại hè Việt Nam dành cho thanh niên sinh viên kiều bào, các đoàn văn nghệ đi phục vụ cộng đồng, Đoàn đại biểu kiều bào thăm nhân dân, chiến sỹ huyện đảo Trường Sa lần thứ 4, Hội nghị NVNONN lần thứ 3 và một số hội thảo chuyên đề dành cho doanh nhân, trí thức NVNONN để lấy ý kiến trên nhiều lĩnh vực mà bà con có thế mạnh…
Chúng tôi cũng hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc của kiều bào trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với trong nước, hỗ trợ và làm cầu nối khuyến khích trí thức VNONN về nước làm việc, hợp tác khoa học, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, hỗ trợ sách giáo khoa và xây dựng cơ sở trường lớp cho một số địa bàn khó khăn. Ngoài ra, Ủy ban cũng sẽ tổ chức những đoàn văn nghệ phục vụ cho các địa bàn khó khăn như Thái Lan, Lào nơi có những thế hệ kiều bào có công rất lớn với đất nước trong những thời kỳ trước.
PV: Những năm vừa qua, công tác đối với NVNONN đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, nhằm đưa Việt Nam trở thành một khối sức mạnh thống nhất. Ông có thể cho biết trong thời gian tới, Uỷ ban tiếp tục triển khai công tác này như thế nào?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Do những biến cố lịch sử, nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong những hoàn cảnh và lý do khác nhau như chiến tranh, kinh tế, học tập, làm việc… Một bộ phận nhỏ NVNONN bị ảnh hưởng bởi hệ quả của chiến tranh, ý thức hệ, nên mang nặng tư tưởng hận thù chế độ đi ngược lại với lợi ích dân tộc và tiến trình đoàn kết, hoà hợp dân tộc... Một bộ phận khác vẫn tỏ ra e ngại, khép kín, không dám về nước hoặc bày tỏ quan điểm, nguyện vọng và tình cảm với quê hương đất nước do vẫn bị các thế lực xấu ở nước ngoài đe doạ, cưỡng ép hoặc tuyên truyền xuyên tạc...
Thời gian qua, thực hiện chính sách đại đoàn kết, Uỷ ban đã chủ động mở rộng tiếp xúc, trao đổi với cộng đồng NVNONN, kể cả với những người còn có định kiến với chế độ ta hoặc có quan điểm khác biệt; tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương. Bên cạnh đó, chúng ta cũng quan tâm giải quyết một số vấn đề nhạy cảm do lịch sử để lại như dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương); giúp kiều bào tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân chết trong thời gian học tập cải tạo…
Hiện nay, Ủy ban đang nghiên cứu kiến nghị với Đảng và Nhà nước có những chính sách cởi mở hơn trong nhận thức của các cơ quan địa phương, bộ, ban, ngành, tạo sự đồng nhất hơn nữa trong các chính sách với NVNONN. Tạo hành lang pháp lý, mở lối đi khoan hồng cho những người từng có thời gian lầm lạc để họ được đối xử công bằng, trở về đóng góp xây dựng quê hương đất nước. Việc này không đơn giản nhưng đó chính là nhiệm vụ của Ủy ban trong thời gian tới khi hướng đến một cộng đồng kiều bào đoàn kết, vững mạnh và một lòng vì đất nước.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Nam.
Phạm Thúy