Niềm tự hào và những nỗi trăn trở
|
Nhớ lại thời kỳ lãnh đạo và cán bộ của Ủy ban phải “lao tâm khổ tứ” đi làm việc và thuyết phục các ngành hữu quan bỏ các dự thảo quy định đánh thuế vào kiều hối, áp đặt người nhận tiền phải lĩnh bằng tiền đồng Việt Nam hoặc ra sức vận động sớm bãi bỏ chế độ 2 giá (NVNONN cũng như người nước ngoài phải trả giá dịch vụ khách sạn, vé máy bay… cao hơn nhiều so với người trong nước); nhớ lại bao lần tham dự các cuộc họp liên ngành để nêu kiến nghị tránh “hình sự hóa” các vụ tranh chấp, khiếu kiện về kinh tế, tài chính có liên quan đến NVNONN, rồi những cuộc họp xây dựng chính sách và pháp luật, cán bộ của Ủy ban luôn kiên trì và mạnh mẽ đề nghị xóa bỏ các khoảng cách phân biệt giữa đồng bào ở trong và ngoài nước…, tôi mới cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của những công việc thầm lặng mà cán bộ của Bộ ta, trước hết là cán bộ của Ủy ban đã triển khai suốt bao năm qua. Và cũng chính từ thực tế đó, chúng ta đã kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 với tinh thần “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” nhằm tạo nên sự đồng thuận trong nhận thức đối với công tác vận động NVNONN.
|
Từ chủ trương đó, Luật Quốc tịch được thông qua tạo cơ hội cho số đông bà con ta ở nước ngoài được giữ quốc tịch Việt Nam và quyền lợi của đồng bào ta ở nước ngoài luôn được tính đến trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật như Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật về nhà ở… Điều đáng tiếc là dự thảo các luật nói trên đã có sự nhất trí cao trong thảo luận giữa các cơ quan Chính phủ nhưng khi được thông qua lại được điều chỉnh, chưa đáp ứng hết nguyện vọng của NVNONN. Chính vì vậy, chỉ vài năm sau khi có hiệu lực, một số văn bản pháp luật nói trên đã bộc lộ sự bất cập, lạc hậu và phải đưa ra Quốc hội để bổ sung, chỉnh sửa. Điều đó thể hiện vẫn còn có khoảng cách nhất định giữa tinh thần thông thoáng của chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với nhận thức của các cơ quan xây dựng pháp luật.
Một nội dung lớn của Nghị quyết 36 và cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là “hòa giải, hòa hợp dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” đã được chúng ta vận dụng khá thành công trong công tác vận động NVNONN. Phối hợp với Cơ quan đại diện ta tại một số địa bàn, chúng ta đã kiến nghị việc tiếp đón một số người nguyên là lãnh đạo cấp cao của chế độ Sài Gòn hoặc một số nhân vật vốn bị coi là nhạy cảm về chính trị. Cá nhân tôi đã đón và tiếp xúc với các ông Đỗ Mậu - nguyên Thiếu tướng, nguyên Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Cao Kỳ - nguyên Phó Tổng thống và Thủ tướng của chế độ Sài Gòn, Nhạc sỹ Phạm Duy… Họ đều đánh giá cao chính sách của ta cũng như sự đổi thay của đất nước sau chiến tranh. Việc các vị đó về thăm đất nước (riêng Nhạc sỹ Phạm Duy đã xin hồi hương và sống những năm tháng cuối cuộc đời ở quê hương) và những phát biểu của họ đã có tác động sâu sắc đến cộng đồng NVNONN, nhất là đối với những người vẫn còn mang định kiến nặng nề về đất nước. Dư luận nhân dân trong nước cũng tỏ thái độ cởi mở, chân tình với họ và đồng tình với chính sách của Đảng và Nhà nước.
|
Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những vấn đề đã có chủ trương từ lâu nhưng việc thực hiện lại có nhiều trở ngại. Tiêu biểu là vấn đề chuyển Nghĩa trang Bình An ở Bình Dương, nơi chôn cất các sĩ quan, binh lính chế độ Sài Gòn (trước đây gọi là Nghĩa trang Biên Hòa) thành nghĩa trang dân sự địa phương đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, trở ngại chưa được tháo gỡ. Mặc dù không còn phụ trách công tác ở Ủy ban, thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi anh em về việc triển khai công việc này. Được biết mọi việc không thật suôn sẻ, tôi động viên anh em cần phải kiên trì: muốn vận động bà con ở nước ngoài, ta phải vận động trong nước trước! Điều đó cho thấy, từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn vẫn còn có khoảng cách đáng kể.
Chỉ còn không đầy 6 tháng nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm ngày chiến thắng đưa non sông liền một giải và cũng chỉ còn 5 năm nữa, đất nước ta phải hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn đất nước đòi hỏi phải có những đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác vận động NVNONN. Đã đến lúc cần dứt khoát và chủ động xóa bỏ mọi định kiến, không phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, ý thức hệ và quá khứ, tôn trọng mọi ý kiến khác nhau kể cả trong và ngoài nước, miễn là không trái với lợi ích dân tộc nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc như chủ trương của Đảng và Bác Hồ trong suốt quá trình giành và giữ gìn độc lập dân tộc. Đã đến lúc phải mạnh dạn loại bỏ những hạn chế không cần thiết trong các văn bản pháp luật và chính sách đối với quyền lợi và trách nhiệm của đồng bào ta ở nước ngoài. Không những thế, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để lựa chọn, sử dụng những NVNONN, kể cả bà con đã định cư hay tầng lớp trí thức trẻ mới được đào tạo ở nước ngoài vào các vị trí xứng đáng trong các lĩnh vực như Bác Hồ đã từng làm; đồng thời từng bước tạo điều kiện để những người còn giữ quốc tịch Việt Nam có thể bầu cử, ứng cử vào Quốc hội và các cơ quan dân cử ở Việt Nam./.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Nguyên Chủ nhiệm UB về NVNONN
( giai đoạn 2004-2007)
Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN