Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả công tác đối với NVNONN trong tình hình mới

Mục tiêu của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2020 là xây dựng cộng đồng NVNONN tiếp tục phát triển ổn định, đoàn kết, có địa vị pháp lý rõ ràng, có ảnh hưởng về chính trị, phồn thịnh về kinh tế, phát triển về tri thức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với quê hương, là nguồn lực hiệu quả đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, phát huy hiệu quả vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Việt Nam.


 Bác Hồ xuống cảng Hải Phòng đón chuyến tàu đầu tiên đưa 992 kiều bào
từ Thái Lan về nước, ngày 10/1/1960


Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước trong suốt thế kỷ 20 cho tới nay và luôn có những đóng góp quý báu vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chính vì lẽ đó, cộng đồng NVNONN có vị trí chiến lược rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã chú trọng đến công tác tập hợp kiều bào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn giúp đất nước vượt qua mọi gian nan thử thách để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, và là một trọng tâm công tác của ngành ngoại giao.

Quán triệt tinh thần đại đoàn kết dân tộc và thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến công tác này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 năm 2004 khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, trong đó nêu  rõ “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, đồng thời chỉ rõ “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng xác định “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về Tổ quốc” nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chứng minh một chân lý bất biến: dù sống xa quê hương, trải qua bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, nhưng bà con kiều bào luôn mang trong mình tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và tình cảm hướng về quê hương. Trong những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều thế hệ kiều bào đã hy sinh tính mạng và tài sản vì thắng lợi cuối cùng của cả dân tộc. Chúng ta không thể quên những bà mẹ, các chị, các anh đã đóng góp từng chiếc nhẫn cưới, từng đôi bông tai hồi môn trong những tuần lễ vàng ở Lào, Thái Lan để mua vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang non trẻ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng ta cũng vẫn còn nhớ hình ảnh nhiều bà con kiều bào ở Pháo đã bỏ cả công ăn việc làm, tham gia phục vụ, bảo vệ các Phái đoàn Việt Nam từ Hội nghị Fontainebleau năm 1946 đến Hội nghị Paris năm 1968-1973.

Cùng với sự phát triển hội nhập của đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển không ngừng. Ngày nay, có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ những ngày đầu gian khó, bà con ngày càng có cuộc sống ổn định, nhiều người đã có công việc thành đạt, một số đã tham gia công việc của các cơ quan hành chính, chính quyền nước sở tại, rất nhiều người có học vị cao, một số đã trở thành những nhà khoa học lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho nước sở tại, nâng cao uy tín và vị thế của người Việt Nam trong cộng đồng nhân dân nước sở tại, tăng cường tình hữu nghị giữa nước ta và các nước. 

Trải qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36, công tác về NVNONN đã đạt được những kết quả quan trọng:

Các cấp, các ngành đã có bước chuyển biến tích cực về tư duy cũng như hành động. 90 triệu người dân Việt Nam luôn dành tình cảm đặc biệt, chia sẻ với 4,5 triệu bà con ở nước ngoài. Cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng vào công cuộc đổi mới, xu hướng đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước và đại đoàn kết dân tộc ngày càng tăng. Cùng với đó, công tác về NVNONN cũng đóng góp vào thành tích chung của công tác đối ngoại, đã kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ tốt các hoạt động của ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.

10 năm qua, công tác kiều bào đã được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước; nhiều hội nghị, hội thảo dành cho kiều bào cũng được tổ chức; công tác củng cố hội đoàn, nhất là các hội người Việt Nam truyền thống, được đẩy mạnh; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức tập hợp kiều bào với phương châm nơi nào có kiều bào, nơi đó có tổ chức. Công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là kiều bào ta rất quan tâm. Phù hợp với luật pháp sở tại, cộng đồng NVNONN đã bày tỏ ý chí phản kháng với các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam, luật pháp quốc tế ở  Biển Đông.

Nhằm đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ bà con; nhiều văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho kiều bào trong các lĩnh vực quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, mua nhà ở, đất ở… đã được xây dựng và ban hành. Bộ Ngoại giao đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm hơn trước. Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc,  kiều bào đã được tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X và XI; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc tịch năm 2008; Đại biểu kiều bào tiêu biểu đã được tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các địa phương; các cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm giải quyết một số vấn đề do lịch sử để lại.


 Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu
tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2, tháng 9/2012


Đóng góp vào thành công của ngoại giao kinh tế, một loạt các hoạt động đã được tiến hành thường xuyên nhằm phát huy nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào như hỗ trợ các nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc, tổ chức các hội thảo chuyên ngành tại Việt Nam; tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa doanh nhân trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác giao thương và xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều kiều bào ở Mỹ, Pháp, Đức và đặc biệt là ở các nước Đông Âu chọn giải pháp về Việt Nam đầu tư, kinh doanh; có nhiều dự án hiệu quả, quy mô lớn. Hiện có trên 3.600 doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh và vốn đóng góp của kiều bào khoảng 8,6 tỷ USD. Hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức kiều bào về nước giảng dạy, hợp tác, đóng góp chuyên môn trong nhiều lĩnh vực.

Thực hiện chính sách ngoại giao văn hóa, Nhà nước ta đã hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt được chú trọng với việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung hoạt động dạy và học tiếng Việt, tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng; đáp ứng kịp thời nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của kiều bào. Công tác thông tin, báo chí phục vụ cộng đồng được đẩy mạnh. Nhiều cơ quan báo chí trong nước đã thực sự coi trọng việc đưa tin liên quan đến kiều bào. Ngoài ra, người Việt Nam ở nước ngoài còn mang trong mình bản sắc văn hóa dân tộc, là một lực lượng đóng góp rất quan trọng trong việc tuyên truyền quảng bá văn hóa Việt Nam, góp phần triển khai hữu hiệu công tác ngoại giao văn hóa của ta.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác về NVNONN vẫn tồn tại một số hạn chế như: việc hiện thực hóa chủ trương đại đoàn kết dân tộc chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa có cơ chế, biện pháp hữu hiệu để khai thác nguồn chất xám rất lớn của kiều bào; quá trình ban hành và triển khai chính sách liên quan đến NVNONN còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của kiều bào; công tác nắm tình hình ở nhiều địa bàn chưa sâu, có lúc thiếu nhạy bén; chưa có biện pháp hữu hiệu để củng cố và đổi mới hoạt động của các hội đoàn.

 



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ kiều bào tại Hàn quốc,
tháng 10/2014


Hiện nay, cả nước đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 với mục tiêu cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện công tác đối ngoại thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chủ trương tích cực hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ lớn của ngành hiện nay là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển bền vững và phải phối hợp chặt chẽ cùng quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là chủ quyền biển đảo. 

Trong bối cảnh đó, mục tiêu của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2020 là xây dựng cộng đồng NVNONN tiếp tục phát triển ổn định, đoàn kết, có địa vị pháp lý rõ ràng, có ảnh hưởng về chính trị, phồn thịnh về kinh tế, phát triển về tri thức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với quê hương, là nguồn lực hiệu quả đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, phát huy hiệu quả vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Trước yêu cầu của tình hình mới và mục tiêu đề ra, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ mà ngành ngoại giao tiếp tục chú trọng, công tác đối với NVNONN trong thời gian tới sẽ phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, những vấn đề chưa làm được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, cần được tiếp tục triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa theo những phương hướng trọng tâm và biện pháp thực hiện sau đây:

Thứ nhất, thực sự thể hiện tinh thần hoà hợp dân tộc, phát huy cao độ truyền thống đại đoàn kết toàn dân. Chúng ta cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN; khẩn trương rà soát, giải quyết vướng mắc; đảm bảo sự thống nhất, thông suốt trong triển khai từ trung ương đến địa phương. Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, chủ động đến với kiều bào, chăm lo, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của bà con, để bà con thấy ở Đảng và Nhà nước một chỗ dựa vững chắc trong quá trình hội nhập, ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc – đặc biệt là vấn đề duy trì văn hóa và tiếng Việt.

Thứ hai, thực sự coi trọng nguồn lực của cộng đồng. Thực tế cho thấy đội ngũ trí thức kiều bào được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng NVNONN. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho bà con về nước đầu tư kinh doanh và định cư. Tạo thuận lợi và khuyến khích kiều bào đóng góp cho đất nước trong phạm vi khả năng của mình và bằng những hình thức phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ đối với kiều bào cốt cán, có công với nước; động viên khen thưởng kịp thời những tấm gương kiều bào tiêu biểu.



 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện thân mật cùng Đoàn đại biểu phụ nữ kiều bào về dự Hội nghị Phụ nữ NVNONN, tháng 11/2013

Cuối cùng, chủ động tiến hành những biện pháp có tính đột phá trong công tác vận động tập hợp kiều bào. Tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết kiều bào với quê hương, bao gồm những hoạt động lớn gắn với các sự kiện chính trị xã hội quan trọng của đất nước, cũng như những hoạt động phù hợp với từng nhóm đối tượng kiều bào; củng cố, hỗ trợ các hội đoàn, tăng cường tính liên kết của các tổ chức, hội đoàn NVNONN, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, nhất là nòng cốt trẻ tuổi trong cộng đồng. Đặc biệt là thông tin tuyên truyền cần có những đột phá, phù hợp với tình hình phát triển công nghệ thông tin.

Một thực tế là chúng ta vẫn còn một bộ phận kiều bào có những hành động, tư tưởng đi ngược lại lợi ích đất nước, xa rời ý nguyện chung của toàn thể cộng đồng, chúng ta kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng đối với các lực lượng cực đoan phản động. Nhưng đất nước Việt Nam luôn mở rộng khoan hồng đối với những người con lầm đường lạc lối biết tìm theo lẽ phải. Những người Việt Nam không phân biệt quá khứ, biết xóa bỏ hận thù, mặc cảm để trở về quê hương luôn được đón nhận với sự bao dung của truyền thống người Việt.

Đảng, Nhà nước luôn trân trọng những tình cảm qúy báu của bà con kiều bào hướng về đất nước và luôn coi đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Trên cơ sở đường lối đúng đắn đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng với sự nỗ lực và quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đạt được những tiến bộ vượt bậc, theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại, góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm