A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp - từ truyền thống đến hiện đại

Lý tưởng không tự dưng mà có, không dễ dàng có được vì được tạo ra từ chiều sâu của giá trị tinh thần, từ bề dày của nhận thức lịch sử, và từ chiều cao của tâm hồn, tầm nhìn dành cho cộng đồng. Những gì Hội người Việt Nam tại Pháp đang có nằm trong di sản 3 chiều ấy từ các thế hệ để lại: truyền thống và hiện đạ



 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Pháp, tháng 9/2013

Khác với cộng đồng Việt Nam ở các nước khác, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có nét đặc trưng rất riêng, dễ cảm nhận nhưng rất khó nắm bắt hay giải thích ngay lập tức. Điều đó như một giá trị tinh thần, một hương thơm vương lại cho những ai đã tiếp xúc, để rồi những người tinh ý nhất sẽ buột ra nhận xét: “mang tính lý tưởng!”. Đúng vậy, từ “lý tưởng” là chính xác nhất để nói về cộng đồng người Việt Nam tại Pháp – những người đã bắt đầu cộng đồng, những người đã xây dựng con đường đi của cộng đồng, và những người đang, sẽ tiếp tục phát triển con đường ấy từ 95 năm qua. Con đường mang tên “lý tưởng vì Việt Nam”.

Truyền thống ...

Lịch sử của cộng đồng Việt Nam tại Pháp, không được bắt đầu với những thương gia, bằng những khu chợ tấp nập, hay qua những con đường xuất khẩu lao động tự nguyện như một số cộng đồng ở Đông Âu. Mà lịch sử ấy bắt đầu từ những lý tưởng, trăn trở mang tính lịch sử.

Ngày 6/7/1911, chiếc tàu mang tên Amiral Latouche-Tréville cập bến cảng Marseilles sau hơn 1 tháng xuất hành từ Bến Nhà Rồng, Việt Nam. Sự kiện bình thường này  lại trở thành một mốc lịch sử quan trọng không những cho lịch sử Việt Nam mà còn của thế giới. Bởi vì một người Việt Nam trên chiếc tàu ấy – Nguyễn Tất Thành – với lý tưởng và chí khí lớn của mình đã phát tạo ra một hành trình lịch sử mới cho triệu triệu người của nhiều thế hệ Việt Nam, đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường đi của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp sau đó và Hội người Việt Nam tại Pháp sau này.



Ngày 3/6/1968, đông đảo các chính khách và Việt kiều tại Paris ra sân bay Bretigny (Pháp) đón ông Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Từ mốc cập bến ấy của Nguyễn Tất Thành dẫn đến các sự kiện lịch sử vào cuối những năm 1920 - thời điểm diễn ra Hội nghị Versailles – hội nghị quan trọng nhất của thế giới sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc.

Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một hội chính thức mang tên “Nhóm những người An Nam yêu nước” của một nước nhỏ thuộc địa ra đời, soạn thảo và gửi văn kiện “Những yêu sách của người dân An Nam” đến Hội nghị Versailles ngày 18/6/1919 để vang lên tiếng nói và mong muốn của toàn dân Việt Nam vốn đã còng lưng vì bị thuộc địa và vì gánh nặng chiến tranh ở châu Âu của Pháp. Một năm sau đó, vào tháng 3/1920, vua Hàm Nghi – lúc đó đang bị đày tại Algérie vì chống Pháp tại Việt Nam, cũng gửi một lá thư đến báo L’Humanité để yêu cầu Pháp phải cho Việt Nam thành một nước độc lập và trung lập theo các tiêu chuẩn ở châu Âu.

Dù bị các nước lớn làm ngơ vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của họ, nhưng đây là những hành động tạo tiếng vang rất lớn với thế giới và Việt Nam thời điểm ấy. Nếu đó chẳng phải là “lý tưởng” thì tuyệt đối cũng không thể kiếm từ ngữ nào khác, vì dẫu biết kết quả rất mong manh, thậm chí có thể không theo ý muốn, nhưng niềm tin tưởng đủ lớn để vượt qua mọi thử thách, vẫn kiên trì hành động.

Những ngọn lửa đầu tiên đó đã tập hợp được những người Việt Nam tại Pháp cùng chí hướng. Phong trào yêu nước hình thành và hoạt động liên tục dưới mọi hình thức, ở khắp các thành phố, địa phương của Pháp, trong đó phần lớn là những người lính thợ Việt Nam tham gia trong quân đội Pháp. Họ vốn là những nông dân Việt Nam chưa từng ra khỏi lũy tre làng, bị ép buộc sung quân phục vụ cho thực dân Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Và khi biết đến và tham gia phong trào yêu nước, họ lại thấy niềm hy vọng, mơ ước của mình được thắp lên.

Bên cạnh đó, từ 1938 trở đi, những du học sinh Việt Nam đầu tiên tại Pháp cũng dần đông hơn. Có thể nói, phần lớn thế hệ trí thức của Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20 đều có nguồn gốc từ cộng đồng Việt Nam tại Pháp. Họ đến Pháp học nhưng tâm hồn thuần vì Việt Nam. Họ tiếp thu những kiến thức được học ở Pháp, tạo được cảm tình với người dân Pháp, thậm chí còn thu hút rất nhiều bạn bè, trí thức, nhân sĩ Pháp và quốc tế ủng hộ Việt Nam. Thế hệ sinh viên trí thức Việt Nam tại Pháp đã dùng chính ngôn ngữ, văn hóa và kiến thức học được từ Pháp để thực hiện nhiệm vụ “mỗi người đều là một đại diện cho Việt Nam” nhằm thu hút sự ủng hộ cho đất nước cả về tình cảm lẫn vật chất. Thời kỳ này, có những người Việt Nam đã đổ máu cho Việt Nam, và có những người Việt Nam đổ máu cho đất Pháp, tiêu biểu như Huỳnh Khương An. Điều đó thể hiện tinh thần quốc tế cộng sản chân chính: vượt qua cái “tôi” để nối kết với nhau và với thế giới – chính là sức mạnh kết nối của phong trào.

Cho đến năm 1945 thì phong trào đã phát triển mạnh hơn, có hệ thống, tổ chức bài bản. Điều này không dễ dàng gì khi cả thế giới vừa trải qua thêm một cuộc chiến tranh nhân loại – Chiến tranh thế giới lần thứ 2 với quy mô tàn khốc và rộng lớn hơn lần thứ nhất. Khi chiến tranh kết thúc năm 1945, trong hơn 20.000 lính thợ bị bắt sung quân qua Pháp, có rất nhiều người hiểu rằng: vì nhiều lý do, họ không còn trở về quê hương được nữa. Vì xuất phát từ nông dân bám đất làng, ăn cơm làng, uống nước giếng từ khi ra đời, nên dẫu sống trong sự hiện đại của một nước châu Âu, thì nguồn cội đã bám sâu vào tâm hồn như hương lúa bám đất. Các bác ở lại học nghề, học chữ theo lời Bác Hồ, có nghề  nghiệp, gia đình, và cố gắng giữ gìn tối đa văn hóa Việt Nam. Các bác, cùng với sinh viên và trí thức, trở thành những lực lượng nòng cốt của phong trào giai đoạn 1945-1975.

Từ năm 1945 đến 1975, nhiều trí thức, nhân sĩ nổi tiếng đã về tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước, trực tiếp cùng nhân dân cả nước trải qua khó khăn. Còn nhiều người khác tiếp tục sứ mệnh của mình nơi xa xứ, tổ chức các hoạt động đóng góp tiền bạc, thuốc men, dụng cụ y học từ các nguồn quốc tế, đóng góp về kinh tế, khoa học kỹ thuật, phương tiện và kiến thức y học về đất nước. Ngoài những hoạt động chính trị, tài chính, phong trào còn đóng góp rất nhiều thông qua hình thức văn hóa-văn nghệ. Để tổ chức được những hoạt động văn hóa-xã hội Việt Nam ở nước ngoài thật sự là điều không hề dễ dàng, nhất là mỗi sự kiện đều mang một ý nghĩa chính trị đặc biệt chuyển tải hình ảnh-tinh thần-con người-mong muốn Việt Nam đến với cộng đồng Việt Nam ở Pháp và với công chúng quốc tế, như: các Trại hè từ năm 1959 đến 1973 để kỷ niệm Hiệp định Genève ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước, những lần tham gia Đại hội Liên hoan văn hóa Thế giới do UNEF tổ chức, đi biểu diễn ở Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan, tham gia các buổi mít-tinh cùng Phái đoàn Hội nghị Paris, tham gia Lễ hội Báo Nhân đạo, các buổi văn nghệ Tết... cũng là dịp để thu hút cảm tình viên cho Việt Nam và đào tạo cán bộ cho phong trào.



 Đại hội lần thứ 13 Hội người Việt Nam tại Pháp, tháng 4/2013

Một sự kiện lịch sử quan trọng không thể không nhắc đến là Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện góp phần vào di sản và bề dày lịch sử đặc trưng độc đáo và độc nhất của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói chung và Hội người Việt Nam tại Pháp nói riêng. Trong suốt quá trình hoạt động của hai phái đoàn đàm phán của ta từ năm 1968-1973, bà con Việt kiều tại Pháp đã chào đón, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ và ủng hộ hết mình cho hai phái đoàn hoàn thành nhiệm vụ.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp – tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp – năm ấy đã tổ chức hàng loạt sự kiện chia sẻ niềm vui cùng đất nước, nhất là trong mùa Tết vào tháng 2, như: đêm Tết “Hòa bình” tổ chức ngày 3/2 tại Nhà hát Mutualité đầy kín chỗ ngồi, Tết tại Choisy-Le-Roi ngày 4/2, Tết tại Verrrières-Le-Buisson ngày 6/2, Tết tại phòng Pleyel ngày 24/2...
Khí thế của toàn cộng đồng lên cao hừng hực và luôn đồng lòng làm tròn những nhiệm vụ lịch sử của mình đối với đất nước. Những hình ảnh và ký ức ấy đã ăn sâu trong tâm khảm mỗi hội viên, cũng như trong những trang sử hiện đại Việt Nam về một thời kỳ quốc tế hóa các mặt trận đấu tranh, ủng hộ vì Việt Nam.

Hiện đại ....

Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, phong trào Việt kiều được tập hợp dưới một ngôi nhà chung, chính thức lấy tên là Hội người Việt Nam tại Pháp với mục tiêu tập trung hỗ trợ đất nước. Điều này tưởng chừng là đơn giản, nhưng ở thời điểm Việt Nam bị cấm vận kinh tế từ Mỹ, thì mới thấy hết những gì Hội người Việt Nam tại Pháp đã làm để hỗ trợ đất nước: vận động cộng đồng gửi ngoại tệ về, mua lại sản phẩm của các công ty trong nước dù chất lượng chưa cao để giúp cho nền kinh tế Việt Nam được giữ vững, hỗ trợ tư vấn và trang thiết bị ở sân bay, trang bị cho các cơ sở sản xuất công-nông nghiệp các thiết bị hiện đại.

Từ Đại hội của Hội năm 2010 cho đến nay, một trong những điểm mới của Hội là tập trung hơn nữa việc xây dựng và ổn định cộng đồng Việt Nam tại Pháp, tập hợp rộng rãi các thành phần của cộng đồng, trong đó nòng cốt là 3 thành phần: các cô bác Việt kiều thế hệ 1, thành phần người Việt Nam mới và thành phần sinh ra và lớn lên tại Pháp. Với sự đổi mới định hướng này cùng những thành phần đa dạng, mối quan tâm đặt ra là làm sao để các thế hệ sinh sống tại Pháp gắn bó với nhau và gắn kết hơn nữa với quê hương Việt Nam.
Giải pháp cho mối quan tâm, trăn trở này rất cần đến sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Từ năm 1959, khi Ủy ban được thành lập cho đến nay đã có những hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, nhất là khi bà con về lại quê hương và có những bỡ ngỡ, khúc mắc cần một nơi để trao đổi, tin cậy. Bên cạnh đó, Ủy ban luôn nhiệt tình hỗ trợ khi nhận được những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của Hội và Hội viên trong mỗi sự kiện, hoạt động chung vì cộng đồng. Điều đó tạo ra sự gắn kết giữa Ủy ban với Hội cũng như với Hội viên khi cùng chia sẻ và tìm giải pháp cho những mong muốn, trăn trở của cộng đồng người Việt tại Pháp. Các hoạt động của Ủy ban cũng ngày càng mang tính kết nối cộng đồng cao trong nhiều lĩnh vực, như các hội nghị, hội thảo, những trao đổi, gặp gỡ, đặc biệt là việc tổ chức Trại hè, thăm Trường Sa, Giỗ Tổ Hùng Vương...  Vai trò, vị trí của Ủy ban rất quan trọng vì là cầu nối chính thức đối với không những người Việt tại Pháp mà còn với tất cả những người con xa quê ở khắp nơi trên thế giới. Chắc hẳn các thế hệ trước của Hội người Việt Nam tại Pháp sẽ còn rất nhiều kỷ niệm với trụ sở Ủy ban ở 32 phố Bà Triệu vì trong đó có phần đóng góp của Hội đối với việc xây dựng văn phòng – nơi đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều hoạt động giữa Ủy ban với bà con từ khắp thế giới khi quay lại quê hương. Mong và tin rằng những thế hệ sau này cũng vẫn sẽ xem trụ sở của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là nơi đầu tiên tìm đến khi về lại Việt Nam với nhiều mong muốn, hoài bão đóng góp cho quê nhà.

Cùng với Ủy ban, Hội cũng được cập nhật tình hình trong nước để tổ chức những hoạt động, dự án nhân đạo hướng về đất nước. Riêng dự án “Nhịp cầu Nhân ái” do Ban dự án nhân đạo hướng về Việt Nam của Hội tổ chức, trong hơn 3 năm đã quyên góp được khoảng 2 tỷ đồng Việt Nam để cụ thể hóa các hoạt động thiết thực ở Việt Nam: xây trường mẫu giáo ở miền núi, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho bệnh viện vùng sâu, vùng xa, cấp học bổng cho trẻ em nghèo nông thôn, đỡ đầu trung tâm giúp đỡ trẻ em đường phố,...

Tại Pháp, Hội cũng phát triển được hoạt động sinh hoạt thiếu nhi cho trẻ từ 3 đến 14 tuổi. Hiện nay mỗi chiều thứ Bảy, sinh hoạt này của Hội đã trở thành địa điểm quen thuộc của cộng đồng cho con em đến học tiếng Việt, học hát, học múa, học bắn cung, học võ... Thế hệ tương lai của cộng đồng ngày một đặt dấu chân của mình lên con đường chung và tiếp tục những gì thế hệ trước đã gây dựng.

Bên cạnh đó, trong cộng đồng Việt Nam tại Pháp nói chung trong thời đại mới cũng có nhiều nhu cầu mới, và có nhiều hội đoàn khác nhau mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng. Hội người Việt Nam tại Pháp luôn luôn sẵn sàng phối hợp với những hội đoàn anh em, hội đoàn bạn và các đối tác để những hoạt động và dự án thiết thực đạt được hiệu quả tốt nhất cho mục tiêu chung vì nguồn cội, đất nước Việt Nam.

Dung hòa truyền thống và hiện đại

Hội người Việt Nam tại Pháp trong thời đại mới sẽ mang thêm nhiệm vụ mới: tập hợp cộng đồng Việt Nam tại Pháp để tạo được sức mạnh đoàn kết cho những mục tiêu chung vì đất nước Việt Nam. Vì những đặc trưng rất riêng của cộng đồng nói chung và Hội nói riêng, nhất là sự đa dạng về thành phần, thế hệ, và văn hóa của đội ngũ tình nguyện viên tham gia hoạt động xã hội, nên sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại là một yếu tố quan trọng để đạt được hiệu ứng tốt nhất cho việc tập hợp.

Năm Việt Nam tại Pháp 2014 thật sự đã tạo ra cơ hội kết nối giữa các thành phần, thế hệ khác nhau trong cộng đồng, và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng và bạn bè quốc tế. Dấu mốc kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng chính là dấu mốc cho sự gắn kết và tâm huyết của cộng đồng Việt Nam tại Pháp, Hội người Việt Nam tại Pháp với đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Trong sự tiến triển mối quan hệ hữu nghị Việt-Pháp và hiện nay là quan hệ Đối tác chiến lược có sự đóng góp không nhỏ của những người Việt Nam tại Pháp.



Thiếu nhi Việt Nam ở Pháp vui Tết Nguyên đán 2014


Kể từ khi ra đời, Phong trào yêu nước tại Pháp trong mỗi giai đoạn đều có một nhiệm vụ lịch sử của mình. Để tồn tại, phong trào yêu nước tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp đều tự lực cánh sinh tìm mọi hình thức để hoạt động, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn khách quan và chủ quan. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hội viên vẫn một lòng, Hội vẫn bám trụ được theo dòng lịch sử, phương châm “Vì Việt Nam” của Hội cũng không hề thay đổi.

Điều đó chỉ có thể lý giải bằng lý tưởng. Mảnh đất tâm hồn trong lành sẽ gieo hạt giống lý tưởng. Một khi lý tưởng đã đâm chồi, “mọi lý thuyết đều màu xám và cây đời vĩnh viễn xanh tươi” (Toute théorie est grise, mais vert et florissant l'arbre de la vie" - Johann Wolfgang von Goethe).     

Ban Truyền thông Hội người Việt Nam tại Pháp

(Bài viết nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về NVNONN)
 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm