Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài

Trong 5 năm qua, Cục Lãnh sự và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động, tích cực thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân ta ở nước ngoài, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình hiện nay.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ khai trương Tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân VNONN, tháng 2/2015

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đã mở ra các cơ hội đi lại, du lịch, học tập, lao động… cho công dân ta với nước ngoài ngày càng tăng, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo thông tin của Cục Quản lý xuất nhập cảnh(Bộ Công an) mỗi năm có khoảng 8-9 triệu lượt người Việt Nam ra nước ngoài (kể cả xuất cảnh không chính thức đi bằng đường mòn, lối mở..., chiếm gần 10% dân số) với các mục đích khác nhau như: lao động, cô dâu, sinh viên, ngư dân, người làm dịch vụ hỗ trợ... Trong 05 năm qua, Cục Lãnh sự và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động, tích cực thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân ta ở nước ngoài, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình hiện nay.

CÔNG TÁC BẢO HỘ CÔNG DÂN VÀ PHÁP NHÂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI 5 NĂM QUA

Công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường với các cuộc nội chiến, xung đột (Syria, Ucraina, Triều Tiên), đảo chính (Thổ Nhĩ Kỳ); khủng bố ở nhiều nơi, thậm chí tại các nước được cho là an toàn (Pháp, Đức, Bỉ) và ở các nước xung quanh Việt Nam (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia); thiên tai, động đất lớn (Myanmar, Nhật Bản); đặc biệt trong năm 2020 dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, khiến công tác bảo hộ công dân gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Tình hình trên Biển Đông và tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng lao động tự do Việt Nam tại các nước láng giềng, công dân xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm pháp luật nước ngoài tiếp tục khó kiểm soát. Nạn mua bán người diễn ra với tính chất, quy mô và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội với những thông tin không được kiểm chứng lan tràn, khiến các thông tin về sự khó khăn, hoạn nạn của công dân ở nước ngoài vốn đã nhạy cảm lại càng khó kiểm soát hơn.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, công tác bảo hộ công dân đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự và các CQĐD đã hết sức nỗ lực và thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân mặc dù tình hình thế giới và khu vực còn có nhiều diễn biến phức tạp.

 Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique hướng dẫn thủ tục cho bà con người Việt trước chuyến bay hồi hương. Ảnh: Phi Hùng

Thứ nhất, bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, Cục Lãnh sự và các CQĐD đã thực hiện bảo hộ hơn 43.400 công dânở nước ngoài; trong đó số công dân được bảo hộ nhiều nhất tại Trung Quốc (17.620 công dân) và các nước Đông Nam Á (14.795 công dân), chủ yếu là Lào, Campuchia.

Tại một số khu vực, quốc gia/vùng lãnh thổ xảy ra tình trạng khẩn cấp: khủng hoảng chính trị (ngày 06/02/2018 quốc đảo Maldives đã ban bố tình trạng khẩn cấp 15 ngày do khủng hoảng chính trị), khủng bố, đánh bom, xả súng, đâm xe tải (Indonesia ngày 13-14/5/2018, 04 vụ xả súng tại Hoa Kỳ năm 2017, khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ năm 2016, xả súng tại Quảng Đông – Trung Quốcngày 22/11/2017)… Các CQĐD đã chủ động theo dõi, cập nhật tình hình và thông báo kịp thời để cung cấp thông tin báo chí, đưa tin khuyến cáo công dân; cử cán bộ trực số điện thoại đường dây nóng 24/7 để kịp thời có biện pháp bảo hộ khi phát sinh sự việc.

Một số vụ bảo hộ công dân phức tạp, điển hình đã được giải quyết dứt điểm như:(i) Vụ khủng bố đánh bom vào xe chở khách du lịch Việt Nam tại Cairo, Ai Cập làm 3 công dân tử vong và 12 công dân bị thương từ 28/12/2018 đến 10/1/2019; (ii) Vụ 148 khách du lịch bỏ trốn ở Đài Loan ngày 25/12/2018 sau khi đến thành phố Cao Hùng; (iii) Vụ cháy tàu chở dầu và hóa chất Aulac Fortune của Việt Nam ở Hồng Kông ngày 08/01/2019 làm 03 thuyền viên bị tử vong và 03 trường hợp bị thương; (iv) Vụ việc bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương tại Malaysiađược trả tự do ngày 03/5/2019; (v) Vụ việc bảo hộ công dân Phạm Thị Tuyết Mai bị bắt tại Pháp ngày 18/12/2018 và được tự do với phán quyết vô tội tháng 3/2019; (vi) Vụ 08 nạn nhân bị mua bán người được về nước từ Myanmarngày 14/6/2019; (vii) Vụ 03 nạn nhân bị mua bán người sang Trung Quốc về nước ngày 21/6/2019; (viii) Vụ 39 công dân tử vong trên xe container đông lạnh tại hạt Essex, Anh ngày 23/10/2019.

Bộ Ngoại giao đã kịp thời thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam tử vong, bị sát hại ở nước ngoài, trong đó có những trường hợp công dân ta bị tử vong ở địa bàn không có cơ quan đại diện và ta chưa có quan hệ ngoại giao (Bắc Síp). Đây là những vụ việc có tính chất mới, phức tạp và khó khăn đối với công tác bảo hộ công dân thời gian qua.

Về công tác cảnh báo và thông tin, Bộ Ngoại giao luôn kịp thời đưa ra những khuyến cáo dưới dạng bản tin bảo hộ công dân về những khu vực người dân cần lưu ý khi đến và cung cấp số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân của CQĐD tại nước đó cùng số điện thoại của tổng đài bảo hộ công dân để kịp thời được hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp (tình hình khủng bố tại Aicập; giao tranh giữa Ấn Độ - Pakistan; sóng thần ở Indonesia; lũ lụt ở Nepal; siêu bão ở Nhật Bản; biểu tình ở Hồng Kông; chiến sự leo thang tại Trung Đông…).

Thứ hai, bảo hộ ngư dân, tàu cá và công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai

Từ năm 2016 đến tháng 11/2020, đã thực hiện bảo hộ đối với 569 vụ/1.013 tàu/8.643 ngư dân.
Các vụ việc Trung Quốc bắt giữ, xử lý ngư dân, tàu cá ta chủ yếu tập trung tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa. Đối với những vụ việc nghiêm trọng, sau khi nhận được thông tin cập nhật từ các CQĐD và xác minh từ các cơ quan chức năng trong nước, ta đã trao công hàm phản đối các hành động của phía Trung Quốc.

Công tác bảo hộ ngư dân bị các nước bắt giữ, xử lý trong vùng biển chồng lấn, giữa Việt Nam và các nước liên quan diễn biến ngày càng phức tạp, thậm chí nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến tính mạng ngư dân. Đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay, tại khu vực đang phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa ta và Indonesia đã xảy ra nhiều vụ việc tàu cá của ta bị lực lượng chức năng biển Indonesia bắt giữ, xử lý. Đại sứ quán ta tại Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp bảo hộ, đấu tranh, vận động đối ngoại để cơ quan chức năng nước sở tại trả tự do cho các ngư dân, tàu cá.

Từ năm 2016 đến nay, trên Biển Đông đã xảy ra rất nhiều cơn bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, tăng cả về số lượng và tính phức tạp. Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy viên Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng chủ động đề nghị các quốc gia/vùng lãnh thổ liên quan tạo điều kiện cho tàu/ngư dân được di chuyển vào nơi an toàn để trú, tránh bão ở nước ngoài, hỗ trợ việc cứu nạn; đồng thời thông báo và hướng dẫn các CQĐD phối hợp tiến hành bảo hộ công dân khi cần thiết.

 Bảo hộ công dân trong thời điểm COVID-19: Niềm vui của 129 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài. Ảnh: Vietnam Airlines

Thứ ba, công tác bảo hộ công dân trong thời điểm COVID-19

Công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) diễn biến phức tạp, khó lường, lây lan tại hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, an ninh phi truyền thống, khủng bố, khủng hoảng tại một số quốc gia diễn ra gay gắt với nhiều hình thức, quy mô, tính chất, mức độ khác nhau gây khó khăn trong việc triển khai công tác bảo hộ công dân.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, thực hiện chỉ đạo Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự thường xuyên, kịp thời hướng dẫn/chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các CQĐD, các cơ quan chức năng trong nước tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân.

Trước tình hình nói trên, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục Lãnh sự đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ (Quốc phòng, Y tế, Giao thông Vận tải), các cơ quan chức năng liên quan, các CQĐD và các hãng hàng không của Việt Nam đưa về nước 1.255 công dân ta bị kẹt tại các sân bay quốc tế; tổ chứckhoảng gần 190 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân từ hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước. Các công dân được đưa về nước thời gian qua đều đảm bảo các tiêu chí, thuộc diện ưu tiên cần đưa về nước vì lý do đặc biệt cần thiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, công tác thông tin, truyền thông về bảo hộ công dân

Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự (www.lanhsuvietnam.gov.vn) đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ công dân về các thủ tục lãnh sự cũng như thường xuyên cung cấp kịp thời thông tin về các vụ việc bảo hộ công dân đang được dư luận quan tâm, khuyến cáo đi lại cho công dân cùng với các trang thông tin của các CQĐD tại địa bàn có khủng hoảng; tuyên truyền Tổng đài bảo hộ công dân giúp người Việt Nam khi ra nước ngoài có thể liên hệ khi gặp khó khăn, vướng mắc.

Từ năm 2016 đến nay, tổng đài bảo hộ công dân (+84.981848484) đã tiếp nhận, giải đáp và xử lý hơn23.800 cuộc gọi, phần lớn từ các công dân gặp khó khăn ở nước ngoài đề nghị hỗ trợ. Từ những vụ việc đơn giản như mất giấy tờ, hộ chiếu ở nước ngoài cho đến việc can thiệp, bảo hộ khi quyền lợi của người lao động ở nước ngoài bị xâm phạm, đến việc đưa công dân, di/thi hài của các nạn nhân ở nước ngoài về nước trong trường hợp xảy ra thiên tai, khủng hoảng, hỗ trợ công dân bị kẹt tại nước ngoài trong thời gian COVID. Hiệu quả trả lời các cuộc gọi của nhân viên tổng đài đạt gần 99%.

Thứ năm, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

Quỹ Bảo hộ công dân được tăng cường sử dụng kịp thời, hiệu quả, hỗ trợ các CQĐD có kinh phí để chủ động trong công tác bảo hộ công dân (trợ giúp công dân đặc biệt khó khăn, bị tai nạn, gặp rủi ro nghiêm trọng, khi tự họ không thể khắc phục được; tạm ứng chi phí mua vé phương tiện về nước và một số chi phí viện phí bệnh viện, ăn, ở…) cho công dân trong các trường hợp không có khả năng tài chính nhưng có bảo lãnh của thân nhân gia đình hoặc tổ chức trong nước về việc hoàn trả.

Trang thông tin của Cục Lãnh sự 

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO HỘ CÔNG DÂN TRONG THỜI GIAN TỚI

Các CQĐD đã phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các cơ quan thuộc các bộ, ngành, địa phương liên quan, chủ động, tích cực triển khai các biện pháp, hình thức đấu tranh nhằm bảo hộ công dân và pháp nhân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, song thực tế cho thấy vẫn còn những tồn tại, khó khăn thách thức do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc triển khai công tác bảo hộ công dân.

Về nguyên nhân khách quan: (i) Số lượng người Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều dẫn đến tỉ lệ công dân gặp rủi ro, hoạn nạn, khó khăn ở nước ngoài ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, bất ngờ (động đất, khủng bố, hỏa hoạn quy mô lớn, tai nạn ...), có số người thương vong lớn; (ii) Các yếu tố an ninh phi truyền thống như khủng bố, bắt cóc con tin, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, đưa người xuất cảnh trái phép... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với công dân. Ngoài việc bị xử lý do thiếu hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán, văn hóa... không ít công dân bị bắt giữ, truy tố do cố tình vi phạm pháp luật nước ngoài; (iii) Nhiều vụ việc bảo hộ công dân có tính chất đa dạng, phức tạp, nhạy cảm cao, thậm chí có vụ việc để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Về nguyên nhân chủ quan: (i) Tình hình tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài chưa được cải thiện, mặc dù đã có nhiều chỉ đạo, biện pháp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Bảo hộ ngư dân, tàu cá tại các khu vực trên biển gặp nhiều khó khăn khi đấu tranh với phía nước ngoài do một số vụ việc ta không có đủ bằng chứng, chứng cứ cụ thể; (ii) Tình hình lao động tự do của ta sang các nước láng giềng tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu tại địa bàn Trung Quốc (hàng năm có hàng nghìn công dân ta bị kiểm tra, bắt giữ hoặc xử phạt tù do có hành vi vi phạm pháp luật); lao động vượt biên bằng đường biển vào Đài Loan; tình trạng lao động theo hợp đồng bỏ trốn; tình trạng công dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tiếp tục là những vấn đề cần được quan tâm xử lý trong thời gian tới; (iii) Tình trạng công nợ Quỹ Bảo hộ công dân, quy chế quản lý và sử dụng còn chưa đủ linh hoạt để các CQĐD thực hiện công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là trong các trường hợp công dân gặp khó khăn ở nước ngoài; (iv) Công tác thông tin, truyền thông về bảo hộ công dân đã đạt được những kết quả tích cực thời gian qua, tuy nhiên sẽ tiếp tục là thách thức đối với Bộ và các CQĐD trước đòi hỏi ngày càng cao của dư luận xã hội đối với tính kịp thời của việc đưa thông tin về công tác bảo hộ công dân ta ở nước ngoài.

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để thực hiện tốt hơn công tác tác bảo hộ công dân trong thời gian tới, Cục Lãnh sự và các CQĐD sẽ tiếp tục tăng cường, thúc đẩy, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả tăng cường công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo chức năng nhiệm vụ của mình./.

Nguyễn Thị Hương Lan
Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm