Tôi phải làm gì để bảo lãnh cho bạn trai sang Anh?
* Trả lời:
1. Về vấn đề kết hôn theo pháp luật Việt Nam:
Theo quy định tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều khoản của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (“Nghị định 126/2014/NĐ-CP”) như sau:
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của người bạn trai có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho hai bạn. Trường hợp người này không có nơi đăng ký thường trú, nhưng có nơi đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của anh ta sẽ thực hiện đăng ký kết hôn (Khoản 1, Điều 19 Nghị định126/2014/NĐ-CP).
* Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây (Điều 20 Nghị định 126/2014/NĐ-CP):
1. Tờ khai đăng ký kết hôn của mỗi bên theo mẫu quy định;
2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của hai bạn. Ngoài ra, bạn phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước Anh cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;
3. Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hai bạn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
4. Nếu một trong hai bạn từng li hôn tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
5. Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người bạn trai;
6. Người bạn trai phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc anh ấy kết hôn không ảnh hưởng đến bảo vệ bí mật nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó;
* Thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ (Điều 21 Nghị định 126/2014/NĐ-CP):
- Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp;
- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và ngày trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để bổ sung, hoàn thiện.
* Thời hạn giải quyết (Điều 22, 23 Nghị định 126/2014/NĐ-CP): Không quá 25 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
2. Về vấn đề xuất cảnh:
Theo quy định tại Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 17/08/2007 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06/09/2012 (“Nghị định 136/2007/NĐ-CP”), cán bộ, sĩ quan đang công tác trong quân đội nhân dân hoặc công an nhân dân có thể ra nước ngoài bằng 3 loại hộ chiếu:
- Hộ chiếu ngoại giao
- Hộ chiếu công vụ
- Hộ chiếu phổ thông
Hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ là các trường hợp mà người yêu bạn xuất cảnh theo yêu cầu công việc. Hộ chiếu phổ thông là trường hợp người yêu bạn có thể xuất cảnh để thực hiện những hoạt động dân sự thông thường như du lịch, kết hôn… Tuy nhiên, việc xuất nhập cảnh đối với những người công tác trong các ngành nghề mang tính đặc thù liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia như công an sẽ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong quá trình xin xuất cảnh (xem thêm khoản 6, Điều 21, Nghị định 136/2007/NĐ-CP).
3. Về vấn đề bảo lãnh, định cư tại Anh:
Do đặc thù và tính chất của công việc, người bạn trai sẽ phải xin ra khỏi ngành công an để có thể xuất cảnh và định cư tại Anh. Bạn sẽ thực hiện thủ tục bảo lãnh người bạn trai định cư tại Anh theo quy định pháp luật của nước sở tại. Tuy nhiên, trong trường hợp người bạn trai bạn nắm giữ những chức vụ quan trọng, biết những bí mật quan trọng thì phải trải qua một thời gian nhất định mới được xuất cảnh (thời gian này do ngành công an quy định, bạn trai của bạn sẽ được phổ biến khi ra khỏi ngành).
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội