Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôi muốn có song tịch, làm thế nào?

Hỏi: Tôi là công dân Mỹ đang sống và làm việc ở VN. Hiện ở VN tôi vẫn còn CMND cũ, Hộ chiếu VN đã đóng dấu hủy, Giấy khai sinh, nay tôi muốn nhập quốc tịch VN (song tịch)...

Xin hỏi:

  1. Cha mẹ tôi đã mất, nhưng tôi còn người anh ruột đã có gia đình, có hộ khẩu, nhà cửa ở TPHCM. Nhà này cũng chính là nơi tôi sinh sống từ nhỏ, có hộ khẩu trước khi định cư ở Mỹ. Vậy tôi có thể nhờ ông anh này bảo lãnh cho tôi nhập tịch VN được không? Nếu được thì đòi hỏi điều kiện anh ấy như thế nào để được bảo lãnh cho tôi? Thủ tục ra sao?
  2. Tôi phải tạm trú ở VN bao lâu mới đủ điều kiện làm đơn xin đăng ký thường trú ở VN?
  3. Nếu có quốc tịch VN rồi tôi có bị ảnh hưởng gì khi về Mỹ không, cũng như có bị ảnh hưởng đến quốc tịch Mỹ?

Trả lời:

Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, trước hết, chúng tôi làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bạn là công dân Mỹ, tuy nhiên bạn sinh ra và sống tại Việt Nam, có hộ khẩu ở Việt nam trước khi định cư sang Mỹ. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” và khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.

Theo đó, bạn thuộc đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Hiện tại bạn đang sống và làm việc ở Việt Nam. Do đó, bạn thuộc đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam.

Thứ hai, chúng tôi chưa có đủ thông tin về việc bạn đã mất quốc tịch Việt Nam (do đã thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc do không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam) hay chưa, do đó, bạn có thể lựa chọn cho mình một trong hai cách thức sau để giữ hoặc có lại quốc tịch Việt Nam cho phù hợp:

-                      Đăng ký giữ quốc tịch (khi chưa bị mất quốc tịch Việt Nam), hoặc:

-                      Làm thủ tục Xin trở lại Quốc tịch Việt Nam (đã bị mất quốc tịch Việt Nam)

Do đó, chúng tôi có câu trả lời cho câu hỏi của bạn như sau:

1. Đối với cả hai trường hợp: Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và Xin trở lại quốc tịch Việt Nam, bạn không cần thiết phải có anh ruột bảo lãnh cho mình để nhập quốc tịch Việt Nam. Bạn tham khảo thủ tục dưới đây:

Thủ tục Đăng ký giữ quốc tịch: Bạn có thể xem thủ tục này ở lần tư vấn trước của chúng tôi.

Thủ tục  Xin trở lại Quốc tịch:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch: Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam bao gồm:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài”.

Hồ sơ Xin trở lại quốc tịch gồm có:

a) Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

c) Bản khai lý lịch;

d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian bạn cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Mỹ) cấp đối với thời gian bạn cư trú ở Mỹ. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

đ) Giấy tờ chứng minh bạn đã từng có quốc tịch Việt Nam: bản sao Giấy khai sinh; bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của bạn;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam, như giấy tờ chứng minh quan hệ vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ hợp pháp với công dân Việt Nam, giấy tờ chứng minh là có công lao với nước Việt Nam, giấy tờ chứng minh bạn đang làm thủ tục xin hồi hương về Việt Nam hoặc bản sao giấy tờ chứng nhận việc đầu tư tại Việt Nam.

Lưu ý: Nếu bạn đã bị tước quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch thì bạn mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

(Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam, Điều 10 Nghị định 78/2009).

2. Về thời hạn tạm trú tại Việt Nam để xin đăng ký thường trú tại Việt Nam:

Sau khi làm thủ tục cần thiết và đã có quốc tịch Việt Nam, bạn có quyền đăng ký thường trú tại Việt Nam như sau:

Theo quy định tại Mục 6.II Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG do Bộ Ngoại giao, Bộ Công an ban hành ngày 12 tháng 5 năm 2009, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT/BCA-BNG ngày 03 tháng 01 năm 2012) (Thông tư liên tịch 05/2009):

* Nếu bạn muốn về thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương thì bạn phải có chỗ ở hợp pháp và có Giấy xác nhận đã tạm trú liên tục tại thành phố đó 1 năm liên tục trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

* Trong trường hợp bạn được người có sổ hộ khẩu cho nhập khẩu thì bạn chỉ cần có một trong các giấy tờ chứng minh được mối quan hệ ruột thịt giữa hai người:

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;

- Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có đủ khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

Trường hợp không còn giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt nêu trên, thì người bảo lãnh phải có đơn giải trình và được UBND cấp xã nơi người đó có hộ khẩu thường trú xác nhận.

 Lưu ý: Bảo lãnh ở đây là bảo lãnh cho bạn được thường trú tại Việt Nam.

* Hoặc nếu trước đây bạn đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình, bạn chỉ cần có giấy tờ chứng minh cho điều này.

Tóm lại, thời hạn tạm trú để được đăng ký thường trú tại Việt Nam (là 1 năm liên tục trở lên) chỉ đặt ra khi bạn muốn về thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương mà không nhập hộ khẩu hoặc không có giấy tờ chứng minh về việc trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở về sinh sống tại chính nơi đã đăng ký hợp pháp trước đây.

Hồ sơ xin đăng ký thường trú: Tham khảo tại Mục II Thông tư liên tịch 05/2009.

3. Liên quan đến việc bạn có 2 quốc tịch Việt Nam và Mỹ:

* Về nguyên tắc, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận một quốc tịch. Tuy nhiên: Khi làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (theo thủ tục Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam) hoặc nếu bạn có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam (theo thủ tục Xin trở lại quốc tịch Việt Nam) thì được phép có hai quốc tịch Mỹ và Việt Nam (Xem thêm khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch về các trường hợp ngoại lệ không phải thôi quốc tịch nước ngoài).

Việc có quốc tịch Việt Nam không làm ảnh hưởng tới quốc tịch Mỹ của bạn.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm