A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa và nhà giàn DK1: Hành trình của trái tim

Đã về tới đất liền, nhưng thỉnh thoảng bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng loa phát đi những hiệu lệnh dứt khoát. “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu...” Cái chất giọng miền Trung của chàng thuyền trưởng có gì đó rất đặc biệt, nó cứ ngấm vào từng lớp da thớ thịt, làm cho nỗi nhớ Trường Sa thêm da diết.

 Đoàn công tác chụp ảnh trên boong tàu KN491

Một ngày đầu tháng 3 năm Mậu Tuất (cuối tháng 4.2018), con tàu mang số hiệu KN491 rẽ sóng ra khơi mang theo 202 thành viên, tuy đến từ 25 quốc gia nhưng đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Lần đầu tiên được cùng đoàn kiều bào đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, cũng giống như các thành viên trên con tàu KN491, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ vinh dự, tự hào đến xúc động nghẹn ngào khi được tận mắt chứng kiến quân và dân ta dù khó khăn, gian khổ vẫn quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Đây là lần thứ 7, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cho đồng bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài tới thăm và động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. 

Cuộc sống của những “tổ ấm” nơi đầu sóng

Đảo đầu tiên chúng tôi đến thăm là Song Tử Tây, nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa. Khi toàn tàu được đánh thức, ngay lập tức mọi người đổ lên boong. Song Tử Tây hiện ra kiêu hãnh trong ánh bình minh rực rỡ. Không ai nói với ai một lời, hàng trăm con người mắt cứ hướng về hòn đảo toàn màu xanh của cây lá với niềm tự hào và xúc động dâng trào.

Sau khi đặt chân lên đảo, trong những giây phút hùng thiêng, chúng tôi cùng nhau hát Quốc ca dưới lá cờ Tổ quốc bên cạnh cột mốc chủ quyền, duyệt đội ngũ trong tiếng rền vang 10 lời thề của Quân dội nhân dân Việt Nam.

Đời sống của quân và dân trên huyện đảo tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đã được cải thiện rất nhiều. Cư dân đã có thể sử dụng điện thoại di động, xem TV và có các vật dụng thiết yếu khác. Các điểm đảo đều được lắp đặt hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời và các máy lọc nước biển thành nước ngọt, mặc dù các chiến sĩ vẫn tích trữ nước mưa là chính. Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa và Bệnh xá Song Tử Tây được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, thậm chí sử dụng cả công nghệ Telemedicine (khám bệnh, phẫu thuật qua cầu truyền hình). Anh bạn kiều bào từ Mỹ về là một bác sĩ hồi sức cấp cứu trầm trồ thán phục hệ thống y tế ngoài Trường Sa.

Có 21 hộ dân sống trên các đảo được cán bộ chiến sĩ nơi đây gọi vui là những “tổ ấm” nơi đầu sóng. Đã có những công dân đầu tiên được sinh ra và lớn lên ở Trường Sa, các cháu đều ngoan, lễ phép, thể chất tốt, được học từ mầm non đến lớp 5. Có lẽ duy nhất ở Trường Sa, học sinh các cấp học đều ngồi chung một lớp. Bài hát “nằm lòng” của các công dân nhí nơi đây là “Quê em ở Trường Sa” với những ca từ mộc mạc “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”.

Tình người chan chứa nơi biển đảo 

Ngay tối đầu tiên trên hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, đa số họ tuổi đời còn rất trẻ và lần đầu đến với Trường Sa, với kiều bào và các thành viên đoàn công tác. Cả sân bay tàu trở thành sân khấu sôi động.

Những bài ca về đất nước, về biển đảo, về cuộc sống và tình yêu, những điệu múa uyển chuyển mà dứt khoát về hình tượng người chiến sĩ cứ thế lôi cuốn các đại biểu, để đến lúc sân khấu vỡ oà, không ai bảo ai đồng loạt khoác vai nhau ca vang những bài ca đi cùng năm tháng. Nhiều kiều bào cũng hoà theo tiếng hát của các nghệ sĩ, những nụ cười và những cái bắt tay siết chặt, những giọt nước mắt lại rơi. Có những người lính, quả cảm thường ngày đấy, nhưng đôi mắt cũng hoe đỏ, ngấn nước.

Chị Lê Thị Bích Hường, kiều bào đến từ Italia, người đã lên sân khấu hát tặng quân và dân trên đảo Trường Sa một làn điệu dân ca quan họ, tâm sự: “Được hát cho chiến sĩ nghe dù chỉ là một bài thôi cũng là một niềm vinh dự lớn và hạnh phúc lắm. Hát chưa hay nhưng hát bằng cả trái tim và em thật xúc động khi được hát chính bài hát của mẹ mình sáng tác để tặng các chiến sỹ, những người con của đất nước đứng đầu sóng ngọn gió bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Nhớ các chiến sỹ trẻ mặt sạm nắng nhưng với nụ cười rạng rỡ, những cái ôm chặt trước lúc chia tay sau câu hỏi rụt rè “ U cho con ôm u cái nhé” . Nhớ nhiều lắm. Trường Sa trong tim ta.”

Phút giây cảm động nhất là khi chúng tôi chia tay Trường Sa để đến với nhà giàn. Các chiến sĩ và người dân xếp thành nhiều hàng dọc theo cầu cảng. Những cái ôm, bắt tay siết chặt, những lời căn dặn cứ níu kéo người ra đi và ở lại. Dưới cầu cảng, các anh cùng hát vang những bài ca về biển đảo quê hương. 

Gia đình của tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Sau 10 ngày lênh đênh trên biển, thăm 10 đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc và một nhà giàn, con tàu đã trở thành một gia đình đặc biệt, mang nặng tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Những bản tin chiều của “đài tiếng nói Trường Sa” phát thanh từ KN491 mang đến cho chúng tôi những cảm xúc thân thương kỳ lạ. Có lẽ không ai có thể tưởng tượng giữa biển trời bao la, nơi đầu sóng ngọn gió, trên con tàu này vẫn thấy thướt tha những tà áo dài, những mớ ba mớ bảy và nón quai thao, những vũ điệu Hawai cuồng nhiệt, những cái quàng vai nhau siết chặt trong giai điệu của bài hát “Nối vòng tay lớn”. 

Dù đã trở về với cuộc sống thường ngày, nhưng những thành viên từng cùng đồng hành vẫn thường xuyên liên lạc, rủ nhau quyên góp thực phẩm, đồ dùng gửi đến các chiến sĩ Trường Sa. 

Mùa hè năm nay, có lần tôi nhận được một bức ảnh bát canh rau muống dầm sấu tươi gửi về từ Trường Sa, nước mắt cứ thế tràn ra. Được biết kiều bào ta ở Ba Lan, Séc và một vài nơi khác đã cùng nhau mua sấu tươi của Hà Nội và gửi ra các đảo. 

Mới đây nhất là dự án lịch 2019 “Trường Sa & Nhà giàn DK1 – Hành trình của trái tim”, với những hình ảnh, tuy không chuẩn chỉnh, nhưng lại chân thực nhất về Trường Sa và gia đình đặc biệt KN491, là tấm lòng của những người con dù ở đất liền vẫn mãi hướng về nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lương Thanh Nghị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài


Các tin khác

Tin tiêu điểm