Ngoại giao văn hóa kết nối Việt Nam với thế giới, thế giới với Việt Nam
Ngoại giao văn hóa là sức mạnh, công cụ hữu hiệu để phát huy vai trò tiên phong, đưa Việt Nam đến với thế giới, kết nối thế giới với Việt Nam...
Văn hóa là cội nguồn sức mạnh, là bản sắc, hồn cốt để dân tộc Việt Nam tồn tại, phát triển trước nạn ngoại xâm, thiên tai khắc nghiệt; không bị đồng hóa trong ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Cha ông ta đã đúc kết chân lý “văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Kế thừa truyền thống dân tộc, văn hóa kết tinh, chiếm vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược".
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra quan điểm “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”; chỉ rõ “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” là một trong những nội dung đột phá chiến lược.
Nghị quyết của Đảng định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành.
Nghị quyết của Đảng xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Trong đó có nội dung “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa”.
Ngoại giao văn hóa là “sức mạnh mềm” của quốc gia, dân tộc, nâng tầm đất nước, tạo vị thế, sức hấp dẫn trong xây dựng, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước; là chất xúc tác thúc đẩy ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế; là công cụ quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam, hình ảnh đất nước; là kênh vận động hiệu quả cho các di sản của đất nước; là cửa ngõ hội nhập văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nói khái quát, ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao thông qua văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại; sử dụng văn hóa để phục vụ các mục tiêu quốc gia, thông qua các hoạt động đối ngoại. Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam.
Ngoại giao văn hóa là sức mạnh, công cụ hữu hiệu để phát huy vai trò tiên phong, đưa Việt Nam đến với thế giới, kết nối thế giới với Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, tạo lập môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là vinh dự và trọng trách của ngành Ngoại giao.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ ngoại giao văn hóa, công tác đối ngoại cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chủ yếu sau:
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; vị trí, vai trò, nhiệm vụ đối ngoại nói chung, ngoại giao văn hóa nói riêng. Coi trọng ngoại giao văn hóa ngang với ngoại giao chính trị, kinh tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh... Để quan điểm của Đảng trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động đối ngoại.
Đặc biệt chú trọng phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong công tác đối ngoại, tạo sức hấp dẫn, thiện cảm, thu hút nguồn lực xây dựng đất nước. Đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa Việt Nam; tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách hội nhập, phát triển văn hóa, chống sự lai căng, xâm nhập của văn hóa độc hại.
Hai là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngoại giao. Mỗi cán bộ ngoại giao là một “Đại sứ văn hóa”, quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua đội ngũ cán bộ, nhân viên ngoại giao, Chính phủ, cơ quan, tổ chức và nhân dân các nước hiểu rõ hơn, gắn bó hơn với đất nước, con người Việt Nam.
Muốn vậy, cần chú trọng bồi dưỡng, học tập, rèn luyện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ứng xử văn minh, để văn hóa dân tộc thấm đẫm, trở thành sức mạnh tự thân của cơ quan, cán bộ, nhân viên ngoại giao. Đồng thời cần am hiểu văn hóa nước bạn, tạo thuận lợi cho công tác đối ngoại.
Ba là, coi trọng, phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở trên 130 nước và vùng lãnh thổ, cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với các nước. Đó là một bộ phận không tách rời, nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài là một nội dung hết sức đặc thù và quan trọng của ngoại giao Việt Nam nói chung, ngoại giao văn hóa nói riêng. Để phát huy vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan, thực hiện tốt Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 128/2021, của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Cần tập hợp, kết nối, hỗ trợ, giúp kiều bào ổn định cuộc sống, hòa nhập, phát triển ở nước sở tại, học tiếng Việt, giữ gìn văn hóa Việt Nam, phát huy truyền thống, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn.
Bốn là, tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả các tổ chức, diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (AFEC)… với việc lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc ngày lễ lớn, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của của Việt Nam với các nước.
Kế thừa thành tựu ngoại giao văn hóa trong những năm qua, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tiếp thu kiến nghị, đề xuất tâm huyết trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, là cơ sở để góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, chiến lược ngoại giao văn hóa trong bối cảnh mới.
Vũ Đăng Minh/ baoquocte.vn