A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đối ngoại Việt Nam - Giữ vững bản sắc trong tình hình mới

Việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, sáng 27/2/2019.
 Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam luôn kiên định tinh thần độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và nay là phát triển bền vững đất nước của dân tộc.

Cùng với tinh thần đó, yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị vốn là những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam. Trước giặc Minh hung tàn, bằng "ngoại giao tâm công," Nguyễn Trãi đã dùng đạo lý nhân nghĩa "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo" để chiến thắng quân xâm lược. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn" của cha ông lại được phát huy hơn bao giờ hết.

Vì thương dân chìm trong lầm than, nô lệ, năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước. Trên hành trình này, Người đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc chính là "Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!"

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp, gửi tới Hội nghị Versailles bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Người cũng bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ 3.

Có thể nói, đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của đối ngoại Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người khai sinh và đặt nền móng. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập, chỉ lối, soi đường cho nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất.

Là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng của nước Việt Nam hiện đại.

Người đã khai mở ba trụ cột của đối ngoại Việt Nam là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trước hết từ con người Hồ Chí Minh, được hun đúc, kết tinh từ quá trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đến tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa.

Những nội hàm cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha; trong đó, phải kể đến là mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng dân tộc, trong ứng xử với các nước trên thế giới để bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.
 

Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước tham gia chính thức ký kết vào đầu tháng 3/2018, trong đó, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực tham gia đàm phán và ký kết. Ảnh: THX/TTXVN phát

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn tái thiết và phát triển với vô vàn những khó khăn do chiến tranh tàn phá và sự bao vây cấm vận.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá: "Trong bối cảnh đó, Đại hội 6 của Đảng năm 1986 đã đưa ra hai quan điểm mới. Thứ nhất, Đại hội đánh giá trên thế giới đang diễn ra cuộc chạy đua rất gắt gao về khoa học công nghệ qua đó thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử văn kiện của chúng ta đề cập đến quốc tế hóa. Thứ hai, trên thế giới đang hình thành một nền kinh tế, một thị trường, trong đó có các cặp đối tác vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau. Trước đó, chúng ta quan niệm thế giới có hai thị trường, hai nền kinh tế khác biệt hoàn toàn. Hai quan điểm này của Đại hội là hai điểm cốt tử để mở cửa đất nước."

Những tư tưởng mới của Đại hội 6 mở ra những hướng mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tiếp sau Đại hội 6, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong đó có các điểm chính như đặt ưu tiên cao về lợi ích dân tộc, đảm bảo có được môi trường hòa bình, hợp tác quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần vào xu thế hòa bình của thế giới, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Như vậy, đi đôi với đổi mới kinh tế, chính trị trong nước, Việt Nam đã có đổi mới về đối ngoại, trong đó có cả đổi mới về kinh tế, gọi chung là chính sách mở cửa.

Tới đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Đại hội 7, Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 đã thông qua một nghị quyết riêng về đối ngoại có cả chính trị lẫn kinh tế, hình thành một cách hoàn chỉnh đường lối đối ngoại với 5 quan điểm cơ bản gồm lợi ích cao nhất là tạo môi trường hòa bình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên định về nguyên tắc đồng thời phải rất linh hoạt, theo tinh thần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lần đầu tiên nêu cao "đa dạng hóa, đa phương hóa;" vừa hợp tác, vừa đấu tranh; ý tưởng gợi mở vừa hợp tác song phương, vừa hợp tác đa phương.

Trong thời kỳ đổi mới, đối ngoại luôn thực hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước. Từ chủ trương "thêm bạn, bớt thù," đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế;" nắm vững hai mặt đối tác-đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, "dĩ bất biến, ứng vạn biến"...

Qua từng kỳ Đại hội, đường lối đối ngoại luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát triển và hoàn thiện để từng bước đạt được mục tiêu cơ bản, xuyên suốt và bao trùm là đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành kịp thời nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp cho công tác đối ngoại. Đó là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về "Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới... Cùng với đó là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
 

Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 8 với thông điệp “Kết nối cộng đồng - Tôn vinh văn hóa Việt - Giao lưu văn hóa Hàn Việt” diễn ra ngày 1/9/2019 tại quảng trường Gwanghwamun ở thủ đô Seoul với sự tham dự của hàng nghìn người Việt đang sinh sống, học tập và lao động tại xứ sở kim chi cùng đông đảo bạn bè Hàn Quốc và du khách quốc tế. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)…

Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký…

Việt Nam là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị Thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN (2018), Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên (2019), cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Với nền móng vững chắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người, công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục được phát huy với sứ mệnh cao cả, đó là vun đắp hòa bình và tình hữu nghị.

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đối ngoại nhân dân có lợi thế rất lớn, đó là sự linh hoạt, mềm dẻo, có thể tiếp cận được nhiều đối tượng. Đối ngoại nhân dân cũng có một bề dày truyền thống, đó là việc huy động được Mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam và gây dựng được tình hữu nghị bền chặt với nhân dân nhiều nước trên thế giới. Đây là nét đặc sắc của đối ngoại nhân dân, vừa là kinh nghiệm vừa là vốn quý, phải phát huy được ưu thế này để cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước tranh thủ được điều kiện thuận lợi, duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng và phát triển đất nước, cố gắng huy động được nguồn lực quốc tế bên ngoài, phục vụ xây dựng phát triển đất nước theo hướng nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển với thu nhập cao; đồng thời, phát huy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại hội 13 của Đảng tiếp tục kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp.
 

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan.  Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong bối cảnh đó, ngày 14/12, lần đầu tiên Hội nghị Đối ngoại toàn quốc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nhằm góp phần chủ động quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, nhất là chủ trương, đường lối, định hướng về đối ngoại tới toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức một hội nghị về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc. Hội nghị sẽ đánh giá toàn diện kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, đánh giá đúng tình hình khu vực và thế giới, nhận thức sâu sắc hơn đường lối đối ngoại mà Đại hội 13 của Đảng đã xác định; từ đó đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới, trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp trong công tác đối ngoại. Yêu cầu là thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cả ba trụ cột đối ngoại, đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước; tích cực góp phần tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam.

"Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại không chỉ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, và cũng là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước; thể hiện cụ thể trong từng hoạt động, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, quốc phòng, an ninh của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân; qua đó, để thế giới hiểu thêm về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; về đất nước, con người Việt Nam; ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam," Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, giờ đây, sự hợp tác và ủng hộ hết lòng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nói riêng, là một minh chứng sinh động, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Để thực hiện được vai trò này, đối ngoại Việt Nam đã và đang phát huy những giá trị truyền thống và hiện đại của bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đóng góp cho sự phát triển của dân tộc./.

Thu Phương / TTXVN/Vietnam+


Các tin khác

Tin tiêu điểm