Đại sứ Đặng Đình Quý: Việt Nam đã nâng tầm đối ngoại đa phương tại LHQ
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021, Việt Nam đã tham gia 840 cuộc họp từ cấp đại sứ trở lên, tham gia đàm phán và thông qua 254 văn kiện.
Nhân dịp Việt Nam kết thúc thành công nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã chia sẻ về những kết quả mà Việt Nam đạt được trong hai năm qua.
- Xin Đại sứ cho biết cảm xúc của mình khi Việt Nam chính thức hoàn thành nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021? Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng chú ý nào, đáp ứng ra sao những mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Tôi rất mừng vì công việc đã hoàn tất nhưng cũng có cảm giác bâng khuâng vì mạch làm việc hai năm qua đã quen. Hai năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, trong đó Việt Nam đã tham gia 840 cuộc họp từ cấp đại sứ trở lên, tham gia đàm phán và thông qua 254 văn kiện.
Riêng trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an, 26 văn kiện được thông qua. Chúng ta chủ trì đưa ra sáng kiến, soạn thảo và đàm phán 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an và 3 tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an; đồng thời phát huy vị thế trong Hội đồng Bảo an, chúng ta đã chủ trì, đưa ra sáng kiến và đàm phán 2 nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, thành lập nhóm bạn bè về luật biển và có số thành viên tham gia đông nhất trong số các nhóm bạn bè ở Liên hợp quốc. Có thể nói rằng chúng ta đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra và có mặt còn vượt mục tiêu.
- Năm 2021, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và các cuộc xung đột bạo lực mới nổi. Bối cảnh này tác động ra sao đến việc triển khai các chương trình nghị sự của Việt Nam trong năm thứ hai đảm đương cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Năm 2021, đại dịch diễn biến phức tạp nên cách làm việc của Hội đồng Bảo an cũng thay đổi theo, có lúc họp trực tiếp, có lúc họp trực tuyến; mỗi nước lại có quan điểm khác nhau về cách làm việc như thế nào.
Do hệ quả của đại dịch từ năm 2020, những vấn đề ở các khu vực xung đột phức tạp hơn rất nhiều. Liên hợp quốc không luân chuyển con người được, không luân chuyển quân được trong khi cách tiếp cận của các nước trong Hội đồng Bảo an khác nhau, cho nên có nhiều điểm phức tạp và khác so với năm 2020.
Điều thứ hai là có thêm nhiều khu vực xung đột mới, ví dụ như tình hình Yemen, Sudan, Tigray, Ethiopia... phức tạp hơn, đặc biệt trong khu vực của chúng ta có vấn đề Myanmar.
Đó là những điểm mới trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an tác động trực tiếp đến chúng ta là nước trong khu vực Đông Nam Á, phải đảm nhiệm nhiều việc hơn, cũng như phải điều chỉnh nhiều hơn.
- Không ít chuyên gia nhận định rằng một trong những vai trò của các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là điều hòa sự bất đồng giữa các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Theo Đại sứ, vai trò điều hòa này đã mang lại những kết quả như thế nào?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Đúng vậy, mọi người đều biết rằng 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an có vai trò rất quan trọng nếu không muốn nói là có tính quyết định đối với các công việc của Hội đồng Bảo an.
Khi các nước này bất hòa với nhau thì Hội đồng Bảo an coi như bế tắc, không ra được các quyết định. 10 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong 2 năm qua đã làm tốt vai trò cầu nối, vai trò điều hòa theo 2 cách:
Cách thứ nhất là tập hợp với nhau để tạo nên đối trọng với những nước kia, và chúng tôi đã làm rất thành công trong trường hợp Syria, khi đàm phán và bỏ phiếu thông qua nghị quyết về cơ chế hỗ trợ nhân đạo Syria.
Có 10 nước không thường trực bỏ phiếu thuận, 1 nước thường trực bỏ phiếu thuận trong khi còn 4 nước thường trực còn lại bỏ phiếu trắng. Nhờ 10 phiếu thuận của các nước ủy viên không thường trực mà nghị quyết được thông qua.
Cách thứ hai là một số nước ủy viên không thường trực đứng về nước ủy viên thường trực này hoặc đứng về nước ủy viên thường trực kia, nhưng đều chung một mục đích là hòa giải để các nước đó tìm đến một mẫu số chung và ra được quyết định của Hội đồng Bảo an.
- Xin Đại sứ cho biết những yếu tố nào đã giúp Việt Nam có được một nhiệm kỳ được đánh giá là thành công như vậy?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Thứ nhất là chúng ta có vốn chính trị, đó là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành công trong công cuộc đổi mới của chúng ta. Thứ hai là chúng ta có đường lối đối ngoại đúng đắn. Thứ ba là chúng ta có cơ chế chỉ đạo và cơ chế triển khai đường lối chính sách đó, cụ thể là đối với những hoạt động của chúng ta ở Hội đồng Bảo an rất hiệu quả.
Riêng đối với tôi, tôi tâm đắc 2 điều: Thứ nhất là ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao tâm công. Đối với đối tác, khi đấu tranh cũng phải có bản lĩnh, nhưng cũng phải có tình, có lý; khi hợp tác với họ, cũng phải có nguyên tắc, nhưng cũng phải thấm đậm tình người. Tôi nghĩ đó chính là ngoại giao tâm công khi triển khai tại các diễn đàn đa phương như thế này, phải tranh thủ được trái tim của người ta.
Điều thứ hai mà tôi tâm đắc là lòng tin. Đảng và Nhà nước rất tin tưởng, giao cho tôi trách nhiệm này, trong nước rất tin tưởng chúng tôi và chính lòng tin đó tạo cho chúng tôi động lực và bản lĩnh để hoàn thành tốt hơn với nỗ lực cao hơn những nhiệm vụ được giao phó.
- Theo Đại sứ, nhiệm kỳ ủy viên không thường trực lần thứ hai này có gì khác so với nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Hoàn cảnh nhiệm kỳ khác, bối cảnh thế giới khác, quan hệ các nước trong Hội đồng Bảo an cũng khác, và điều đặc biệt là hai năm vừa qua, cả thế giới chìm trong đại dịch COVID-19. Nhiệm kỳ đầu tiên không phải trải qua những điều như vậy.
Tôi cho rằng có điểm chung là cả hai nhiệm kỳ, chúng ta đều nỗ lực, nhưng nhiệm kỳ này, chúng ta đã học hỏi và phát huy được những kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước và cả hai nhiệm kỳ đều có những dấu ấn, đặc biệt là hai nghị quyết: nhiệm kỳ trước là Nghị quyết về Phụ nữ, hòa bình, an ninh; nhiệm kỳ này là Nghị quyết về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với dân thường trong xung đột. Đó là những đóng góp của chúng ta và sẽ có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế của Liên hợp quốc.
- Là người đứng đầu phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc hai năm qua, đảm trách vai trò đối ngoại đa phương, xin Đại sứ cho biết chúng ta đã thực hiện những đường lối đổi mới trong đối ngoại như thế nào tại diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Đảng ta có định hướng là nâng tầm đối ngoại đa phương, mà để nâng tầm đối ngoại đa phương thì cần làm 3 việc: Thứ nhất là phải có sáng kiến; thứ hai phải làm tốt vai trò điều phối, trung gian, hòa giải; thứ ba là dẫn dắt.
Trong hai năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực và có nhiều sáng kiến, cụ thể là trong những văn kiện, chúng ta đưa ra sáng kiến, chúng ta chủ trì soạn thảo văn bản rồi đàm phán thành công, rồi thông qua thành công như tôi đã nêu.
Vai trò thứ hai là trung gian hòa giải. Chúng ta đã đứng giữa các nước lớn, đứng giữa các nhóm nước để làm cho họ hiểu nhau hơn, để các nước hiểu ASEAN hơn trong vấn đề Myanmar, hiểu Triều Tiên hơn trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, và chúng ta đã làm tốt vai trò trung gian đó; hoặc khi họ có mâu thuẫn liên quan tới vấn đề an ninh, khí hậu hay vấn đề Syria, Yemen, chúng ta có quan hệ tốt với nhóm này hay với nhóm kia để đứng ra điều phối vấn đề đó, cố gắng tạo ra mẫu số chung.
Điều thứ ba là dẫn dắt. Rõ ràng, chúng ta đã dẫn dắt được trong việc vận động Liên hợp quốc thông qua ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đó sẽ trở thành hoạt động thường niên. Cứ đến ngày đó, Việt Nam đi đầu trong việc vận động các nước kỷ niệm để nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của việc sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Hay việc chúng ta thành lập nhóm bạn bè về luật biển mà có số nước tham gia đông nhất, cho đến giờ là 113 nước và có thể còn tăng thêm. Cứ 3 tháng, nhóm lại họp một lần, thảo luận những vấn đề liên quan tới việc áp dụng luật biển để làm sao cho các nước đạt được lợi ích của mình, nhưng cũng vì lợi ích chung của hòa bình, an ninh quốc tế.
Đó là 3 việc cho thấy chúng ta đã thiết thực thực hiện chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương tại Liên hợp quốc - diễn đàn đa phương quan trọng nhất thế giới này.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.
Hải Vân-Quang Huy / TTXVN/Vietnam+