A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự AMM Retreat: Góp phần tìm tiếng nói chung, đoàn kết trong ASEAN

Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Jakarta, Indonesia, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, đã chia sẻ những nội dung chính trong kỳ họp lần này và những đóng góp quan trọng của Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN. Ảnh: QT

Mặc dù là thông lệ họp hàng năm của ASEAN nhưng có lẽ mỗi AMM Retreat “khởi sự” cho một năm ASEAN đều có “sứ mệnh” riêng, xin Đại sứ chia sẻ ý nghĩa và tầm quan trọng của AMM Retreat lần này và sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn?

Từ ngày 3-4/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Jakarta, Indonesia. Đúng như vậy, tuy là cuộc họp thường niên, nhưng mỗi AMM Retreat đều có sứ mệnh riêng. Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi ASEAN đang trong một giai đoạn khó khăn, nếu như không nói là khó khăn nhất từ trước tới nay.

Các nước thành viên ASEAN đều vừa chật vật vượt qua đại dịch Covid-19, đang trong giai đoạn mở cửa, phục hồi trở lại, còn rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội phải giải quyết. Vào đúng thời điểm Covid-19 lắng xuống, cơ hội phục hồi hé lộ, thì môi trường quốc tế và khu vực lại có những diễn biến địa chính trị và kinh tế hết sức phức tạp và không thuận lợi như xung đột, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, biến động tỉ giá… ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng phục hồi của ASEAN.

Trong nội bộ, cuộc khủng hoảng ở Myanmar vừa bước sang năm thứ ba và vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm. Đây sẽ tiếp tục là nan đề cho các nước ASEAN. Trên thế giới, xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài sang năm thứ hai, gây nhiều hệ lụy làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các nước thành viên ASEAN.

Trong bối cảnh đó, cuộc họp lần này được trông đợi là cơ hội để các Ngoại trưởng ASEAN trao đổi, thống nhất về hướng đi của ASEAN, đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm ứng phó những khó khăn, thách thức trên, củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nỗ lực phục hồi của cả Hiệp hội nói chung, của từng thành viên nói riêng. Đây cũng là lý do khiến chủ nhà Indonesia đã chọn chủ đề của năm 2023 là “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".

Tham dự và phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại các phiên họp sẽ góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế.

Ngoài ra, trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các Ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ có cuộc chào xã giao Tổng thống Indonesia Joko Widodo, và sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị với Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN.

Thưa Đại sứ, có thể thấy rõ Việt Nam luôn tham gia và đóng góp tại các hội nghị ASEAN với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm. Tinh thần này đã và đang được phát huy như thế nào trước những công việc chung của Hiệp hội trong bối cảnh hiện nay?

Từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam luôn thể hiện vai trò một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, sẵn sàng dẫn dắt, đóng góp xây dựng luật chơi của Hiệp hội. Đặc biệt, kể từ nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 đến nay, đóng góp của chúng ta cũng như kỳ vọng từ các thành viên khác vào Việt Nam lại càng tăng lên.

Trong bối cảnh ấy, sự tham gia của chúng ta tại Hội nghị lần này hết sức quan trọng, với tinh thần góp phần tìm tiếng nói chung của ASEAN trong những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời ghi nhận và tôn trọng những sự khác biệt có thể có về quan điểm và lợi ích quốc gia giữa các thành viên.

Cụ thể, về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp, ủng hộ các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực thể chế và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN xem có gì cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn và tình hình mới. Mục tiêu là đảm bảo nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Đây chính là sáng kiến được Việt Nam khởi xướng năm 2020, khi ta làm Chủ tịch ASEAN, và vẫn được các Chủ tịch tiếp theo duy trì thực hiện cho đến nay.

Cũng trong khuôn khổ xây dựng cộng đồng, chúng ta sẽ tham gia hoàn tất quy chế Quan sát viên của Timor Leste trong ASEAN, và đóng góp xây dựng lộ trình cho Timor Leste trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Đây là nỗ lực triển khai quyết định của Lãnh đạo ASEAN tháng 11/2022, đồng ý về nguyên tắc về việc kết nạp Timor Leste thành thành viên thứ 11 của khối, và là một nội dung chính trong phiên họp lần này của Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC).

Một vấn đề quan trọng nữa mà các Ngoại trưởng sẽ thảo luận tại phiên họp hẹp là các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm vấn đề Myanmar. Tại Cấp cao năm ngoái, các Lãnh đạo ASEAN đánh giá việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm chưa có nhiều tiến triển. Vì vậy đây cũng sẽ là một ưu tiên cao của ASEAN, và Việt Nam sẵn sàng tích cực tham gia vào tiến trình này.

Về quan hệ đối ngoại, ASEAN sẽ thảo luận về phương hướng lồng ghép và thúc đẩy hợp tác với các đối tác trên tinh thần đảm bảo và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và của các cơ chế, sáng kiến của ASEAN, do ASEAN dẫn dắt, trong đó có Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương (AOIP). Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ở khu vực, nhất là giữa các cường quốc, ngày càng gay gắt. Cũng trên tinh thần ấy, Hội nghị sẽ thảo luận về phương hướng tiếp tục thúc đẩy các nước lớn xem xét sớm tham gia Hiệp ước về một khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ).

Các vấn đề quốc tế và khu vực đang nổi lên hiện nay cũng sẽ là mối quan tâm rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến ASEAN. Nhiệm vụ của đoàn Việt Nam là phải góp ý kiến, góp tiếng nói, đề xuất sáng kiến nhằm xây dựng lập trường chung, bảo đảm đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Chỉ có như vậy mới duy trì được vai trò trung tâm, hình ảnh của ASEAN trên các diễn đàn quốc tế.

Cũng nhân dịp này, ASEAN sẽ thảo luận về kế hoạch kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản và ASEAN-Australia, cũng như về triển vọng thúc đẩy quan hệ với một số đối tác mới như Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC.

Đại sứ kỳ vọng như thế nào về những chuyển biến chiến lược trong sự phát triển của ASEAN trong năm nay, dưới vai trò Chủ tịch ASEAN của nước chủ nhà Indonesia?

Chủ đề của ASEAN 2023 là “ASEAN matters: Epicentrum of Growth” (tạm dịch: Một ASEAN tầm vóc: tâm điểm của tăng trưởng). Chủ đề này đồng nghĩa nước Chủ tịch có hai ưu tiên lớn, một là duy trì vị thế của ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và trên thế giới; hai là thúc đẩy toàn diện nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế của ASEAN, biến ASEAN thành một động lực chủ chốt, lan toả hiệu ứng tích cực của tăng trưởng ở trong và ra ngoài khu vực, trở thành một điểm sáng của kinh tế thế giới. Đây là hai mục tiêu mà Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp tích cực trong năm 2023.

Năm 2023 và tiếp theo là năm 2024 cũng sẽ là thời gian ASEAN cần tập trung nỗ lực để xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025, sẵn sàng định hướng cho giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội sau gần hai thập niên kể từ khi Hiến chương ASEAN ra đời.

Dưới sự điều phối của Indonesia, và với sự tham gia, đóng góp tích cực của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, có thể vững tin rằng ASEAN sẽ đạt được những mục tiêu đề ra cho năm 2023, đó là tăng cường đoàn kết nội khối và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cộng đồng, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, mở rộng và nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện hơn, chiến lược hơn với tất cả các đối tác.

Hà Phươngbaoquocte.vn


Các tin khác

Tin tiêu điểm